Do đó, khi dự định có các hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nước ngoài thì cá nhân, doanh nghiệp cần nhanh chóng đăng ký nhãn hiệu tại các nước đó. Doanh nghiệp cũng cần lưu ý rằng, nhãn hiệu đã nộp đơn đăng ký không có nghĩa là nhãn hiệu đó sẽ được bảo hộ.
Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Ngô Việt Thắng, Giám đốc Trung tâm Thẩm định Chỉ dẫn địa lý và Nhãn hiệu quốc tế, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ.
Theo ông, tại sao doanh nghiệp cần đăng ký nhãn hiệu của mình ra nước ngoài?
Nhãn hiệu là tấm thẻ nhận diện của hàng hóa hoặc dịch vụ nhằm đảm bảo cho người tiêu dùng về chất lượng và tính chính hãng của hàng hóa, dịch vụ. Đối với doanh nghiệp, nhãn hiệu là cách thức để phân biệt sản phẩm của họ với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, giúp doanh nghiệp tạo dựng được sự trung thành vào thương hiệu, định ra giá cao và đem đến lợi nhuận bền vững. Nhãn hiệu là tài sản thương mại vô hình có giá trị của một doanh nghiệp. Bảo hộ loại tài sản này là một phần không thể thiếu của bất kỳ chiến lược kinh doanh toàn cầu thành công nào.
Nếu không bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài, doanh nghiệp sẽ: Không làm chủ được nhãn hiệu của mình và có nguy cơ bị mất nhãn hiệu; bị làm giả, làm nhái hàng hóa, dịch vụ; bị thiệt hại khi có tranh chấp xảy ra; thiếu sự tin tưởng của người tiêu dùng, ảnh hưởng xấu đến doanh thu và lợi nhuận; khó khuếch trương thương hiệu; nguy cơ mất thị trường.
Tóm lại, việc đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp xâm nhập, tạo lập, giữ vững và phát triển thị trường xuất khẩu, chống lại mọi hành vi vi phạm, cạnh tranh không lành mạnh hoặc chiếm đoạt của đối thủ cạnh tranh hoặc những kẻ trục lợi, định giá cao cho sản phẩm, dịch vụ của mình. Ngoài ra, còn giúp các doanh nghiệp tránh được các trục trặc pháp lý và kiện tụng, yên tâm thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường để thu về lợi nhuận bền vững.
Ông đánh giá thế nào về tình hình đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài?
Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam hội nhập toàn cầu như hiện nay, các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ cố gắng khai thác tốt thị trường trong nước mà ngày càng có nhiều doanh nghiệp mở rộng hoạt động kinh doanh ra thị trường quốc tế. Khi dự định xuất khẩu ra nước ngoài, theo quy định của hầu hết các nước, hàng hóa của doanh nghiệp phải được gắn nhãn hiệu đã được bảo hộ tại nước đó.
Theo số liệu thống kê số lượng đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu qua Hệ thống Madrid trong 5 năm gần đây, số lượng đơn năm sau đều cao hơn năm trước, ngoại trừ năm 2021, do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên số lượng đơn có giảm một ít so với năm 2020. Nhưng xu hướng của năm 2022 số lượng đơn đang trên đà hồi phục và hứa hẹn sẽ vượt số lượng của các năm trước.
Trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam chỉ tập trung xuất khẩu các sản phẩm về nông nghiệp như gạo, chè, cà phê, điều, hạt tiêu… Tuy nhiên, trong những năm gần đây, các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu phong phú hơn và có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp, tri thức như xe hơi, máy móc, linh kiện điện tử, máy tính, phần mềm… Đã có nhiều nhãn hiệu của các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đăng ký và được bảo hộ ở thị trường nước ngoài như các nhãn hiệu: “VINSMART”, “Vinfast”... của Tập đoàn Vingroup, “BRG GROUP” của Công ty cổ phần tập đoàn BRG, “TH True Milk” của Công ty Cổ phần Thực phẩm sữa TH, Công ty Nutifood...
Tuy càng ngày nhận thức của doanh nghiệp về việc bảo vệ quyền nhãn hiệu của mình ở nước ngoài đã dần được nâng cao, nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp “nước đến chân mới nhảy” và đã bỏ lỡ thời cơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình. Thực tế, trong thời gian qua, các nhãn hiệu có nguồn gốc Việt Nam, đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam, có uy tín, được sử dụng và biết đến rộng rãi ở Việt Nam, nhưng lại không thể đăng ký tại nước ngoài vì đã có người đăng ký trước.
Một trong những nguyên nhân chính là do cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã không lường trước được rủi ro về việc nhãn hiệu của mình sẽ bị người khác đăng ký trước tại thị trường nước ngoài, do vậy đã chậm trễ, chủ quan trong việc hoạch định kế hoạch đăng ký quốc tế nhãn hiệu của mình. Từ đó cho thấy việc nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp về việc đăng ký nhãn hiệu tại thị trường nước ngoài đóng vai trò rất quan trọng.
Ông có thể cho biết các hình thức của việc đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài? Trong số các hình thức đăng ký này, hình thức đăng ký nào thuận lợi cho người nộp đơn?
Có 2 cách đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài: Đăng ký trực tiếp tại quốc gia, vùng lãnh thổ mà doanh nghiệp muốn bảo hộ nhãn hiệu của mình; đăng ký qua Hệ thống Madrid mà Việt Nam là thành viên.
So với cách thức đăng ký trực tiếp, việc nộp đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu qua Hệ thống Madrid có nhiều lợi thế hơn, cụ thể: Chỉ yêu cầu đại diện pháp lý tại thành viên được chỉ định khi bị từ chối, trong khi nộp đơn đăng ký trực tiếp bắt buộc phải có đại diện pháp lý ngay từ thời điểm nộp đơn…
Đến thời điểm hiện tại, Hệ thống Madrid có 112 thành viên, bao phủ 128 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó các thị trường lớn như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Singapore... đều đã tham gia Hệ thống này. Người nộp đơn chỉ cần nộp một đơn đăng ký duy nhất, bằng một ngôn ngữ, trả phí một lần (có ngoại lệ) bằng một loại tiền (phờ-răng, Thụy Sỹ), thay vì phải nộp từng đơn, bằng các ngôn ngữ khác nhau, trả phí bằng nhiều loại tiền khác nhau tại từng quốc gia, vùng lãnh thổ.
Quản lý sau đăng ký (sửa đổi, chuyển giao quyền,…) dễ dàng hơn, chỉ bằng một yêu cầu thay vì cần phải làm nhiều yêu cầu và nộp tại từng quốc gia, vùng lãnh thổ.
Tóm lại, Hệ thống Madrid giúp cho người nộp đơn tiết kiệm thời gian, chi phí và đơn giản hóa thủ tục cho người nộp đơn khi muốn đăng ký nhãn hiệu của mình ở nước ngoài. Nhưng cũng cần lưu ý thêm, về cơ bản Hệ thống Madrid có rất nhiều lợi ích, tuy nhiên có những trường hợp thì đăng ký trực tiếp sẽ tốt hơn cho người nộp đơn. Do vậy, người nộp đơn cần xem xét các tình huống cụ thể và có các hình thức đăng ký phù hợp nhất với tình hình thực tế của mình.
Để giúp doanh nghiệp bảo hộ được nhãn hiệu ra nước ngoài, Cục Sở hữu trí tuệ đã có những hỗ trợ cụ thể như thế nào, thưa ông?
Đầu tiên phải nói rằng Chính phủ và các bộ, ngành luôn quan tâm đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam tại nước ngoài. Tại Phiên họp Chính phủ tháng 4/2021, Chính phủ đã giao Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương và các cơ quan, địa phương liên quan có biện pháp hỗ trợ hiệu quả việc đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa của Việt Nam ở nước ngoài, nhất là đối với những hàng hóa và tại thị trường tiềm năng.
Trên cơ sở đó, ngày 31/12/2021 các Bộ trưởng (Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã ký Kế hoạch số 3926/KH-BKHCN-BCT-BNNPTNT về việc phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2022-2025.
Là cơ quan trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Cục Sở hữu trí tuệ đã, đang và sẽ thường xuyên tổ chức tập huấn, tư vấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp xác lập, khai thác và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, không những chỉ trong nước mà còn tại nước ngoài. Đồng thời, là cơ quan đầu mối tiếp nhận, xử lý và gửi đơn cho Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO), Cục Sở hữu trí tuệ luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người nộp đơn trong việc sớm hoàn thiện hồ sơ đăng ký.
Bên cạnh đó trong Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng triển khai các hoạt động hỗ trợ cho các địa phương, doanh nghiệp trong việc đăng ký bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ ở nước ngoài và triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức. Trong Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ, đối tượng nhận hỗ trợ là các đối tượng yếu thế hoặc là của cả cộng đồng, còn với doanh nghiệp nói chung, Chương trình không hỗ trợ kinh phí./.
Trân trọng cảm ơn ông!