Bảo đảm cung ứng đủ điện

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, cân đối giữa khả năng nguồn và nhu cầu phụ tải năm 2014 cho thấy, hệ thống điện hoàn toàn có khả năng cung cấp đủ nhu cầu điện. Tuy nhiên, riêng khu vực miền Nam vẫn đứng trước nguy cơ thiếu điện. Do đó, EVN cần phải đôn đốc, tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nguồn, nhất là các dự án tại khu vực phía Nam.


Khai thác tối đa các nguồn điện


Từ đầu năm đến nay, diễn biến thời tiết trên cả nước khá phức tạp, miền Trung, Tây Nguyên khô hạn nghiêm trọng, miền Nam nắng nóng gay gắt và kéo dài làm nhu cầu điện mùa khô tăng đột biến. EVN đã và đang thực hiện nhiều biện pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện an toàn và ổn định.

 

Đường dây 500 kV Vĩnh Tân - Sông Mây được xây dựng để cấp điện từ nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân cho các tỉnh phía nam. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


Trong quý I năm 2014, hệ thống điện quốc gia vận hành, cung cấp điện an toàn, ổn định. Tháng 3/2014, sản lượng điện toàn hệ thống đạt 12,195 tỷ kWh, trong đó, điện sản xuất và mua của EVN trong tháng 3 đạt 11,755 tỷ kWh, điện thương phẩm đạt 9,496 tỷ kWh. Lũy kế quý I/2014, sản lượng toàn hệ thống đạt 32,068 tỷ kWh, tăng 6,85% so với cùng kỳ năm 2013. Sản lượng điện sản xuất và mua của EVN đạt 31,193 tỷ kWh, tăng 7,43%, điện thương phẩm đạt 27,681 tỷ kWh, tăng 7,59% so với cùng kỳ năm 2013.


Ước tính trong tháng 4, phụ tải của hệ thống điện có thể đạt tới 400 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất khoảng 20.900 MW, cao hơn mức trung bình của tháng 3 khoảng 6,6 triệu kWh/ngày.


Tháng 4 và các tháng mùa khô năm 2014, nhu cầu sử dụng điện và truyền tải trên hệ thống điện 500kV sẽ cao. Dự báo tình hình nắng nóng ở miền Nam sẽ tiếp tục gay gắt, mực nước các hồ thủy điện miền Trung - Tây Nguyên tiếp tục khô hạn.


Để đảm bảo cung - cầu điện, EVN sẽ tiếp tục khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than và tua - bin khí, mua thêm điện Trung Quốc. Riêng những tháng cao điểm mùa khô, EVN tăng cường công nhân trực để kịp thời xử lý sự cố, vận hành lưới điện linh hoạt, giảm thời gian mất điện và phạm vi mất điện. Hiện các đơn vị điện lực đã xây dựng các kịch bản để điều hành và phân phối điện trong điều kiện hệ thống điện vận hành bình thường và điều kiện công suất hệ thống thiếu sản lượng. Mặt khác, tiếp tục vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả cho từng nhóm đối tượng khách hàng cụ thể.

 

Công nhân Công ty Điện lực Quảng Trị vận hành cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản tại xã Mỹ Thủy, Hải Lăng, Quảng Trị. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN


EVN cũng đang chỉ đạo các tổng công ty điện lực đảm bảo cung cấp điện an toàn, ổn định, theo dõi thường xuyên diễn biến phụ tải trên địa bàn quản lý, nhất là tại các tỉnh thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm và duy trì liên tục các giải pháp tiết kiệm điện. Các nhà máy điện tiếp tục khai thác tối đa các nguồn nhiệt điện than và tua bin khí, các nguồn thủy điện khai thác theo kế hoạch điều tiết nước cho mùa khô, đáp ứng yêu cầu cấp nước hạ du, mua điện Trung Quốc ở mức hợp lý để đảm bảo cân bằng cung - cầu điện, đặc biệt là đảm bảo cung cấp điện ngày 30/4 và 1/5.

“Sản xuất điện năm 2014 về tổng thể là cân đối và đáp ứng được nhu cầu nhưng riêng phía Nam sẽ khó khăn nên mọi giải pháp cân bằng nhu cầu cho khu vực này là nhiệm vụ trọng tâm của ngành điện trong thời gian tới”.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải


Cùng với việc huy động tối đa các nguồn điện, EVN cũng đã nỗ lực hoàn thành thêm các dự án nguồn điện và lưới điện. Tháng 3, EVN đã đưa vào vận hành hai tổ máy (của Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Nhiệt điện Hải Phòng 2) với tổng công suất 922MW. Bên cạnh đó, EVN đã đưa vào vận hành 48 công trình lưới điện 500kV - 220kV - 110kV với tổng chiều dài đường dây là 705 km và tổng công suất trạm biến áp là 1.350MVA, khởi công 5 công trình lưới điện 500 - 220kV.


EVN cũng yêu cầu Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn vận hành lưới điện cao áp. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thi công, xử lý dứt điểm các vướng mắc đảm bảo hoàn thành đóng điện trong tháng 4/2014 các công trình lưới điện quan trọng: đường dây (ĐZ) 500kV Quảng Ninh - Mông Dương, Quảng Ninh - Hiệp Hòa, Phú Lâm - Ô Môn, Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, trạm biến áp 500kV Cầu Bông và các công trình đồng bộ 220kV giải tỏa công suất... để chuẩn bị sẵn sàng vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định, đảm bảo cung cấp điện trong tháng mùa khô quý II với mức dự kiến tăng trưởng phụ tải từ 9,2% tới 10,4% so với cùng kỳ năm trước.


Dồn sức cung ứng điện cho miền Nam


Ban Chỉ đạo Nhà nước về Quy hoạch điện quốc gia mới đây đã họp xem xét tình hình thực hiện các dự án trong Quy hoạch Điện VII, cân bằng cung cầu điện mùa khô 2014 cũng như những năm tiếp theo.


Theo tính toán cập nhật, với tốc độ tăng trưởng điện thương phẩm khoảng 9,2% trong năm 2014 và năm 2015, hệ thống điện toàn quốc vẫn đảm bảo công suất dự phòng thô từ 18 - 29%, nhưng phân bố không đều: Miền Trung luôn có dư thừa dự phòng mức cao 79 - 94%, miền Bắc là 24 - 32% trong khi miền Nam không có công suất dự phòng hoặc dự phòng thấp (9%). Nếu tính thêm lượng công suất dự phòng sửa chữa và sự cố (khoảng 20%) thì có thể nhận định trong các năm 2014 - 2015, miền Nam không đủ công suất dự phòng.


Nhằm đảm bảo tốt nhất việc cung cấp điện cho khu vực miền Nam, EVN cho biết sẽ tập trung đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng các dự án nguồn và lưới điện. Trong đó, tập trung đầu tư các dự án quan trọng như nhiệt điện Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4; các công trình lưới điện truyền tải đấu nối các trung tâm nhiệt điện này các dự án truyền tải và phân phối cấp bách khác ở miền Nam.


Về cơ bản, hệ thống điện đủ đáp ứng được nhu cầu điện năng cho nền kinh tế, nhưng miền Nam cần nhận một lượng điện năng lớn từ miền Bắc và miền Trung (năm 2014 nhận khoảng 12,9 tỷ kWh, tương đương 2.500 MW truyền tải; năm 2015 khoảng 15,7 tỷ kWh, tương đương 2.800 MW). Do đó, tình hình cung ứng điện miền Nam sẽ phụ thuộc hỗ trợ của các đường dây truyền tải liên kết Bắc - Trung - Nam và độ tin cậy vận hành của các đường dây này.


Các đường dây truyền tải liên kết Bắc - Trung, Trung - Nam sẽ bắt đầu vận hành tải cao từ năm 2016, tuy nhiên vẫn nằm trong giới hạn bình thường của khả năng tải hệ thống 500 kV (3 đường dây 500 kV cho phép tải trên 3.500 MW). Các tuyến đường dây Hà Tĩnh - Đà Nẵng, Vũng Áng - Ba Đồn - Huế - Hòa Khánh... là những đoạn đường dây liên kết sẽ vận hành tải cao, đòi hỏi đảm bảo tiến độ đầu tư, xây dựng, bổ sung tụ điện...


Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, sản xuất điện năm 2014 về tổng thể là cân đối và đáp ứng được nhu cầu nhưng riêng phía Nam sẽ khó khăn nên mọi giải pháp cân bằng nhu cầu cho khu vực này là nhiệm vụ trọng tâm của ngành điện trong thời gian tới.


Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, EVN một mặt đôn đốc, tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án nguồn, nhất là các dự án tại khu vực phía Nam, mặt khác, chú ý kiểm tra, kiểm soát, có phương án dự phòng hữu hiệu trong quản lý rủi ro, sự cố tiềm ẩn trong vận hành các nhà máy, các đường dây truyền tải, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm bảo đảm cung cấp điện liên tục, ổn định và an toàn cho khách hàng tại khu vực miền Nam.


Đặc biệt, đối với một số công trình truyền tải điện vào Nam đang có nhiều vướng mắc, chậm trễ trong thi công, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan, địa phương liên quan, đơn vị triển khai chỉ ra các mốc tiến độ. Theo Phó Thủ tướng, tồn đọng giải phóng mặt bằng không chỉ nói giải pháp chung chung mà phải chỉ từng điểm "đen" để tháo gỡ từng hộ, từng trường hợp một.


Đây cũng là nhiệm vụ ưu tiên trong những năm tiếp theo khi căng thẳng điện phía Nam cũng như nhu cầu điện có thể tăng cao hơn trong giai đoạn nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi.


Phó Thủ tướng cũng lưu ý chuẩn bị ứng phó trong mùa mưa lũ năm nay, tất cả các nhà máy thủy điện phải chủ trì, phối hợp với chính quyền địa phương các cấp công bố công khai quy trình vận hành, đồng thời kiểm tra công tác phòng chống bão lũ tại khu vực hạ du các công trình phân định ranh giới, hệ thống cảnh báo...


T.Hường

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN