Đợt mưa lũ lớn kéo dài từ ngày 6 - 19/10, đã khiến mực nước trên các sông đều vượt đỉnh lũ lịch sử. Theo đó, Quảng Trị đã có 97/124 xã, phường, thị trấn với trên 103.800 hộ gia đình bị ngập lụt, trong đó đã sơ tán trên 25.500 hộ với trên 74.300 lượt người.
Tính đến ngày 21/10, toàn tỉnh có 50 người chết, 8 người mất tích, 25 người bị thương; hư hỏng nặng 175 nhà; 347 ha lúa bị ngập, bồi lấp; ngập úng, hư hỏng 2.540 ha hoa màu; gần 1.400 ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, trôi… Rất nhiều công trình nước sinh hoạt nông thôn, thủy lợi, đê điều, giao thông, xây dựng, trường học, y tế… bị sạt lở, ngập nước hoặc mưa lũ cuốn trôi chưa thể thống kê hết.
Ước tính ban đầu, giá trị thiệt hại của cơn bão số 5 và đợt mưa lũ kéo dài khiến Quảng Trị thiệt hại trên 2.000 tỉ đồng.
Trước những thiệt hại nặng nề do lũ lụt, tỉnh đã đề nghị Trung ương hỗ trợ 3.000 tấn gạo cứu đói. Hiện Trung ương đã phân bổ hỗ trợ Quảng Trị 1.000 tấn, đồng thời hỗ trợ 1.000 tấn lúa giống, 80 tấn giống ngô, 15 tấn giống rau, đậu các loại, 500.000 con gia cầm. Công tác cấp bách nhất hiện nay là khắc phục thiệt hại giao thông, cứu trợ người dân vùng bị ngập lụt; đồng thời, tập trung khắc phục hậu quả thiên tai và lên phương án triển khai phòng, chống bão số 8 sắp đến.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, địa phương đã đề xuất một số kiến nghị, mong muốn mà địa phương đang gặp khó khăn trong công tác phòng chống lũ lụt như: việc phân bổ hàng hóa cứu trợ cần đảm bảo đúng người, đúng đối tượng; cần tập trung lực lượng thông tuyến giao thông đảm bảo công tác cứu trợ đến được tất cả các vùng; trang bị thêm phương tiện cứu hộ như thuyền, ca nô, áo phao… giao cho lực lượng vũ trang quản lý, bảo dưỡng, vận hành khi thiên tai xảy ra, các địa phương có thể trưng dụng trong trường hợp cần thiết; cần phân bổ khẩn cấp gạo, hóa chất vệ sinh môi trường cho các địa phương để người dân không bị đói, khát, rét hay phát sinh dịch bệnh…
Ông Võ Văn Hưng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ghi nhận sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền, mặt trận và các tổ chức thành viên cũng như các lực lượng trên địa bàn trong công tác cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả lũ lụt. Hiện nay, các đơn vị cần phối hợp với mặt trận các cấp khẩn trương phân bổ hàng cứu trợ nhanh chóng đến tay người dân với quyết tâm không để người dân nào bị đói, khát, rét. Chính quyền các địa phương cần triển khai nhanh các biện pháp hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả lũ lụt trên địa bàn tránh xảy ra dịch bệnh sau lũ. Ngành Điện lực sớm khắc phục sự cố đảm bảo cấp điện an toàn cho toàn bộ người dân sau khi nước rút. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có phương án hỗ trợ người dân tái sản xuất vụ Đông Xuân 2020 - 2021…