Bài học kinh nghiệm sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh

Sau 5 năm thực hiện các Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh Việt Nam liên tục được cải thiện.

Chú thích ảnh
Năm 2017, Việt Nam đã được tăng 5 bậc về năng lực cạnh tranh trên thế giới. Ảnh: Hải Âu/TTXVN

Cụ thể, các Bộ đã trình Chính phủ cắt giảm, đơn giản hóa 68,2% tổng số điều kiện kinh doanh, vượt 36,5% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và vượt 13% so với phương án dự kiến của các Bộ.

Dù đã có sự chuyển động mạnh mẽ, song theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng thế giới (WB) và Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), thứ hạng của Việt Nam về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh lại giảm so với năm 2017 dù điểm số trên bảng xếp hạng có tăng.

Vậy vì sao thứ hạng của Việt Nam trên bảng xếp hạng của WB và WEF lại giảm, mục tiêu năm 2018 đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN 4 liệu có thành hiện thực. Và đâu là bài học kinh nghiệm sau 5 năm triển khai, cũng như Việt Nam cần có cách thức đổi mới nào để có sự tăng trưởng bền vững?

Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) xung quanh vấn đề này.

Thưa ông, xin ông chia sẻ những kết quả đạt được và bài học sau 5 năm thực hiện các Nghị quyết 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia?

Thực hiện các Nghị quyết 19 từ năm 2014, chất lượng môi trường kinh doanh theo chỉ số đo lường của Ngân hàng thế giới (WB) bắt đầu có sự chuyển động và có sự cải thiện. Nếu xét theo từng chỉ số, có những chỉ số có những sự cải thiện rất tốt như chỉ số tiếp cận điện năng từ vị trí khoảng 150-160 thì nay đã lên Top 30, chỉ số bảo vệ nhà đầu tư trước đây xếp cuối bảng xếp hạng thì nay đang đứng ở vị trí ngoài 80…

Tuy nhiên, dù đạt được những kết quả rất tốt nhưng có một điểm chưa đạt được mục tiêu của Chính phủ đặt ra, đó là chất lượng môi trường kinh doanh phải đạt ngang bằng ASEAN 4. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, có hai bài học được rút ra.

Về phía Chính phủ, sự quyết tâm, nỗ lực đóng vai trò hết sức quan trọng. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết tâm thúc đẩy cải cách. Đây là điều kiện tiên quyết và nền tảng khi Việt Nam thực hiện Nghị quyết 19.

Điều thứ hai là về việc thiết kế chương trình cải cách, đây có thể coi là bài học rất có ý nghĩa trong hoàn cảnh của Việt Nam. Trước kia, Việt Nam cải cách nhưng sử dụng phương pháp, tiêu chí do chính Việt Nam đặt ra, sau đó dùng các bộ, ngành và các cơ quan tự đánh giá nên trong suốt quá trình cải cách, về cơ bản đều thấy là tốt, đạt được kết quả nhưng thực tế có tác động và chuyển biến hay không thì câu hỏi này luôn được đặt ra.

Ngay từ khi thực hiện Nghị quyết 19, nhiều ý kiến cũng cho rằng không nên sử dụng phương pháp đánh giá của WB và đã đề nghị Chính phủ nên sử dụng một phương pháp đo lường riêng. Tuy nhiên, Chính phủ đã rất quyết đoán khi không đưa ra một chương trình cải cách với những tiêu chí, nội dung, cách thức đánh giá riêng mà sử dụng phương pháp đánh giá của WB vì có hai điểm lợi.

Điểm lợi thứ nhất khi đo lường kết quả cải cách Việt Nam không can thiệp được, thứ hai là tiêu chí đánh giá rất cụ thể, sát với doanh nghiệp. Với doanh nghiệp, không phải là sửa bao nhiêu luật mà doanh nghiệp chỉ quan tâm sau khi cải cách, thời gian tuân thủ luật pháp có được rút ngắn không, chi phí để tuân thủ có giảm không… Vì vậy, cách thức tiếp cận và triển khai trong thực hiện Nghị quyết 19 là bài học hết sức có ý nghĩa.

Một bài học nữa đó là nỗ lực của các bộ, ngành đóng vai trò quan trọng, một chương trình cải cách tốt nếu thiếu sự phối hợp, hợp tác, nỗ lực thì cải cách cũng sẽ rất khó để đạt được kết quả tốt. Các bộ, ngành khi mới bắt đầu cho rằng cải cách lần này khó nhưng thực tế đã chứng minh ngược lại.

Báo cáo Doing Business 2019 của WB vừa công bố cho thấy môi trường kinh doanh Việt Nam, tăng nhẹ 1,59 điểm so với năm 2018. Tuy nhiên, về thứ hạng, vị trí lại tụt 1 bậc.  Bên cạnh đó, Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 do WEF công bố, Việt Nam tăng nhẹ 0,2 điểm so với năm 2017 song xếp hạng tổng thể lại lùi 3 bậc. Kết quả này cho thấy điều gì, thưa ông?

Từ trước tới nay, việc thiết kế chương trình cải cách dựa trên bộ tiêu chí của WB và WEF là có ý nghĩa rất lớn với Việt Nam. Nó tạo ra động lực để duy trì cải cách, nếu không duy trì thường xuyên thì lập tức sẽ bị tụt hậu.

Như vậy, việc Việt Nam tăng điểm trong bảng xếp hạng thể hiện có cải thiện về mặt chất lượng môi trường kinh doanh nhưng nếu nhìn rộng xung quanh thì nỗ lực cũng như kết quả Việt Nam đạt được còn thua so với những nước khác. Các nước khác cũng cải cách như Việt Nam nhưng họ cải cách mạnh hơn. Như vậy, Việt Nam không còn con đường nào khác là năm nay đã nỗ lực cải cách thì sang năm phải gấp đôi, thậm chí là gấp ba so với chính chúng ta và phải nỗ lực hơn các nước như Thái Lan, Malaysia, Indonesia…

Vậy theo ông, mục tiêu năm 2018 đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN 4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh liệu có trở thành hiện thực?

Có hai điều cần phải suy nghĩ, đó là mục tiêu đó thành hiện thực hay không? Khi tư vấn đề xuất cũng như nghiên cứu mục tiêu, CIEM cũng đánh giá kỹ lưỡng về việc có đạt được mục tiêu lọt vào ASEAN 4 hay không.

Việt Nam có rất nhiều dư địa để cải cách, có nhiều chỉ số ở xếp hạng thấp, chất lượng chưa cao thì dư địa để cải cách là lớn. Những chỉ số hiện đang ở Top 20, 30, dư địa cải cách tiếp là khó.

Vì vậy, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu lọt vào ASEAN 4, nhưng việc không thực hiện được lại cho thấy nỗ lực là chưa đủ để đạt được mục tiêu này.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các Bộ, ngành khẩn trương đề ra các giải pháp cụ thể để khắc phục thực trạng nhiều chỉ tiêu về năng lực cạnh tranh, môi trường kinh doanh xếp hạng thấp và nguy cơ tụt hậu. Vậy theo ông, cần có hành động và giải pháp cụ thể nào để thực hiện chỉ thị này của Thủ tướng?

Rất nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng lần này, nếu xét từ phía các cơ quan chịu trách nhiệm thực thi Nghị quyết 19, không còn cách nào khác là phải nỗ lực mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần so với trước đây.

Bên cạnh đó, tư duy thực thi cũng cần thay đổi. Các bộ, ngành liên quan phải thực hiện Nghị quyết này không phải vì tuân thủ yêu cầu của Chính phủ mà phải coi đây là trách nhiệm với xã hội, với đất nước, đối với sự phát triển kinh tế.

Song song đó, nếu bộ, ngành nào không đạt mục tiêu đề ra cũng cần xem xét về mặt kỷ luật hành chính như trong các Nghị quyết 19 đã đề ra, đó là xác định trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu như không đủ năng lực thì phải tính đến việc luân chuyển sang công việc khác.

So với chính mình, Việt Nam có cải thiện khi tăng về điểm số, nhưng các nước cũng đang tăng tốc nhanh về cải cách môi trường kinh doanh. Vì vậy, Việt Nam cần có những cải thiện căn bản nào để có sự tăng trưởng bền vững và bắt kịp các nước dẫn đầu trong khu vực, thưa ông?

Tại thời điểm hiện nay, việc thực hiện cải cách về thể chế, cải cách về nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh đang thuận lợi hơn so với 10 năm trước đây.

Trước đây, nếu muốn cải thiện chỉ số gia nhập thị trường sẽ rất loay hoay khi không biết các nước làm như thế nào là tốt thì với môi trường thông tin dễ dàng như hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có đủ thông tin để biết mô hình tốt.

Để bắt kịp các nước, không thể gọi là cải thiện môi trường kinh doanh mà ở đây phải là sự cải cách, đặt ra mục tiêu đột phá. Các bộ, ngành khi thực hiện Nghị quyết 19 phải đặt mục tiêu cao hơn so với yêu cầu Nghị quyết đặt ra. Nếu như lần này cơ hội bị mất đi thì tác động của việc mất cơ hội còn lớn hơn nhiều so với việc không cải cách. Bởi để quay lại một chương trình cải cách có thể mất 5 đến 10 năm và như vậy cơ hội kinh doanh cũng như cơ hội phát triển kinh tế sẽ mất đi.

Xin cảm ơn ông!

Trần Trung (Thực hiện) (TTXVN)
Thủ tướng ghi nhận Hà Nội đã tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng
Thủ tướng ghi nhận Hà Nội đã tạo dựng môi trường kinh doanh thông thoáng

Chiều 22/11, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác dẫn đầu đã làm việc với UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện các nhiệm vụ Thủ tướng, Chính phủ giao. Đây là lần thứ 2 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ làm việc với Hà Nội về nội dung này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN