Ba lĩnh vực đột phá ở đồng bằng Sông Cửu Long

Nhân dịp đầu xuân, ông Nguyễn Phong Quang (ảnh), Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã trả lời phỏng vấn báo Tin Tức về những kết quả và định hướng phát triển KT - XH vùng ĐBSCL trong năm tới.


Ông có thể khái quát về những thành tựu, kết quả đạt được của vùng Tây Nam Bộ năm qua?

Trong những năm qua, tình hình kinh tế tuy có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển KT - XH đất nước nói chung và vùng ĐBSCL nói riêng. Nhưng được sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự điều hành năng động, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự quan tâm hỗ trợ, phối hợp của các thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và sự nỗ lực phấn đấu của các tỉnh, thành phố trong vùng, nên KT - XH vùng ĐBSCL có bước phát triển đáng kể. Năm 2014, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng ước đạt 8,98%; sản lượng lúa ước đạt trên 25,4 triệu tấn, tăng 832.416 tấn so với năm 2013; sản lượng thủy sản (cá tra) ước đạt trên 800.000 tấn, giảm 8,7% so với 2013, (tôm) ước đạt gần 448,9 ngàn tấn; sản xuất công nghiệp tăng 11,9% so với năm 2013; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 15,2 tỷ USD tăng 16,9% so với cùng kỳ 2013, (trong đó xuất khẩu đạt 10,3 tỷ USD và nhập khẩu 4,9 tỷ USD), tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 232,35 ngàn tỷ đồng; tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ ước đạt trên 561.000 tỷ đồng; thu ngân sách ước đạt 37,9 ngàn tỷ đồng; chi ngân sách 68,75 ngàn tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt 39 triệu đồng/người/năm; giải quyết việc làm cho 387,2 ngàn lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,6%.

Trong năm qua, ngoài những nhiệm vụ thường xuyên, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chủ động thực hiện đạt được một số kết quả đáng phấn khởi: Chủ động nắm tình hình, góp ý và đề xuất với Trung ương giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc nổi lên trên địa bàn, nhất là về Đề án liên kết vùng trên lĩnh vực nông nghiệp (với 3 sản phẩm chủ lực: Lúa gạo, thủy sản, trái cây) và vấn đề người di cư tự do từ Campuchia về Việt Nam; phối hợp với các viện, trường đào tạo nguồn nhân lực cho vùng trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, kiến trúc, y khoa... Phối hợp tổ chức thành công MDEC - Sóc Trăng 2014, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Kiên Giang xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đảo Phú Quốc, quyết định thành lập khu kinh tế Phú Quốc và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định công nhận huyện đảo Phú Quốc là đô thị loại 2; đề án xây dựng đặc khu kinh tế Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang...

Công tác an sinh xã hội (ASXH) và thực hiện chính sách ASXH được Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ quan tâm thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực, thiết thực, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo cho nhân dân trong vùng. Cụ thể là phối hợp với tỉnh Đồng Tháp và các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Kiểm ngư Việt Nam tổ chức chương trình “Nghĩa tình biên giới, biển đảo quê hương”, cùng các địa phương trong vùng vận động hỗ trợ cho cán bộ, chiến sĩ, người dân có hoàn cảnh khó khăn nơi biên giới, hải đảo. Cùng với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ ngành có liên quan vận động ASXH cho vùng thông qua MDEC - Vĩnh Long 2013 và MDEC - Sóc Trăng 2014, trong đó đã khởi công xây dựng Trường Dân tộc nội trú tỉnh Trà Vinh tại huyện Tiểu Cần và tổ chức khởi công xây dựng bệnh viện Đa khoa huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng từ nguồn vốn do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ngân hàng Nhà nước vận động ASXH từ các ngân hàng thương mại cổ phần.

Là vùng đất giàu tiềm năng, tuy nhiên các nhà đầu tư trong và ngoài nước vẫn còn “ngại” đầu tư nhiều vào vùng ĐBSCL. Vậy đâu là những cản trở trong khâu này, thưa ông?

Hàng năm Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương tổ chức các cuộc hội nghị, hội thảo trong khuôn khổ Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long (MDEC) theo Quyết định 388 của Thủ tướng Chính phủ nhằm tập hợp các sáng kiến, đề xuất cơ chế, chính sách phát triển cho vùng ĐBSCL trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Đồng thời tăng cường tính liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong vùng, giữa ĐBSCL với TP Hồ Chí Minh, các bộ, ngành Trung ương, các vùng, miền trong cả nước, các tổ chức quốc tế, nhằm để kêu gọi xúc tiến đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư vào vùng ĐBSCL, khai thác tiềm năng, tạo nguồn lực phát triển KT - XH, nâng cao đời sống nhân dân trong vùng.

Hiện nay những khó khăn trong việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào vùng ĐBSCL đang gặp phải, là vấn đề về cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư cho vùng, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu, hạ tầng giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp còn hạn chế. Sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chưa mang lại giá trị gia tăng cao và tạo được thương hiệu mạnh cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Khả năng thu hồi vốn đầu tư và sinh lợi trong lĩnh vực nông nghiệp còn chậm. Công tác dự báo thị trường gắn với sản xuất, chế biến và tiêu thụ còn hạn chế dẫn đến giá cả các mặt hàng nông sản còn gặp khó khăn. Việc tổ chức ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn hạn chế; sự hợp tác giữa ĐBSCL và các nhà đầu tư lớn trên thế giới thời gian qua chưa nhiều và chưa đi vào chiều sâu.


Thưa ông, để kinh tế vùng ngày càng phát triển nhanh, bền vững, năm 2015 và những năm tiếp theo, vùng ĐBSCL sẽ tập trung những nhiệm vụ gì?


Để kinh tế vùng ĐBSCL ngày càng phát triển nhanh, bền vững, theo tôi các địa phương phải thực hiện đồng bộ nhiều yếu tố theo chức năng, nhiệm vụ của mình. Nhân đây, tôi xin đề xuất, ngoài việc năng động sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, thì các địa phương nên phối hợp chặt chẽ trong công tác quy hoạch, thực hiện quy hoạch mang tính liên kết vùng, liên địa phương, tránh làm cục bộ địa phương theo đơn vị hành chính. Triển khai thực hiện Quy chế thí điểm liên kết vùng sau khi được Thủ tướng Chính phủ ban hành để cùng phối hợp chia sẻ thông tin hỗ trợ lẫn nhau thực hiện tốt liên kết vùng ngày càng phát triển. Từ đó tạo nên sức mạnh và nguồn lực lớn để phát triển vùng ĐBSCL nhanh, bền vững.

Để làm được điều đó, ông có những kiến nghị, đề xuất gì đến Chính phủ?

Thời gian qua Đảng, Nhà nước đã có những chủ trương, cơ chế chính sách định hướng và giải pháp để khắc phục yếu kém của ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung, cũng như ngành nông nghiệp của ĐBSCL nói riêng để phát triển nhanh và bền vững. Từ những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ phát huy vai trò đầu mối tổ chức liên kết vùng ĐBSCL trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Cùng với các tỉnh, thành phố trong vùng tăng cường hợp tác liên kết, xúc tiến đầu tư, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Thực hiện 3 lĩnh vực đột phá của vùng là tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội; đầu tư hạ tầng thủy lợi, gắn với trồng bảo vệ rừng ven biển trong điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng; đào tạo nguồn nhân lực cho vùng đồng bằng sông Cửu Long. Thực hiện chính sách ASXH vùng ĐBSCL.

Thời gian tới Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ sẽ tiếp tục đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quy chế thí điểm liên kết vùng ĐBSCL giai đoạn 2014 - 2019. Đề án liên kết vùng ĐBSCL với 3 sản phẩm chủ lực là lúa gạo, cá tra - tôm, trái cây và đào tạo nghề cho nông dân. Cùng với tỉnh Kiên Giang, Tổ công tác Phú Quốc trình Ban cán sự Đảng Chính phủ xem xét để trình Bộ Chính trị Đề án Đặc khu kinh tế Phú Quốc thuộc tỉnh Kiên Giang. Triển khai xây dựng đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Mỹ Thuận - Cần Thơ và các công tình trọng điểm quốc gia về giao thông, thủy lợi trong vùng. Ưu tiên bố trí vốn xây dựng các công trình đê biển, kè sông, chống ngập úng trong vùng nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Vận động kinh phí ủng hộ cho ASXH, góp phần phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho nhân dân trong vùng. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đặc thù về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới vùng ĐBSCL và cơ chế chính sách cho đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có diện tích hơn 40.000 km2, dân số khoảng 17,4 triệu người; có nguồn lao động dồi dào và thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn. Đây cũng là vùng kinh tế trọng điểm, trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội (KT - XH), có vị trí chiến lược về an ninh, quốc phòng. Hàng năm, vùng ĐBSCL sản xuất hơn 50% tổng sản lượng lương thực, đóng góp hơn 90% lượng gạo xuất khẩu; cung cấp 70% sản lượng trái cây và 52% sản lượng thủy sản của cả nước. ĐBSCL không chỉ là vùng trọng điểm sản xuất lương thực, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt thủy, hải sản của cả nước, mà còn được xác định là “Vùng nông sản lớn trong mạng lưới sản xuất toàn cầu” theo Quyết định số 1581/QĐ- TTg ngày 9/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Qui hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020, tầm nhìn đến 2050. ĐBSCL còn là “Vùng có tiềm năng, thế mạnh phát triển công nghiệp năng lượng, công nghiệp thực phẩm, phát triển du lịch và là vùng sản xuất lương thực trọng điểm quốc gia” theo Kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển KT - XH và đảm bảo an ninh - quốc phòng vùng ĐBSCL, thời kỳ 2011 - 2020.




Bích Liên - Viết Tôn


Vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long: Đối mặt nguy cơ "kép"
Vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long: Đối mặt nguy cơ "kép"

Đồng bằng sông Cửu Long - đang phải đối mặt với viễn cảnh vựa lúa… không còn lúa, đất đồng bằng không còn phù sa, nước mặn xâm nhập ngày càng sâu vào đất liền vì biến đổi khí hậu và thủy điện từ thượng nguồn sông Mekong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN