Trên thực tế, triển khai dự án ở miền núi thường gặp nhiều khó khăn do địa hình hiểm trở, khí hậu khắc nghiệt, ảnh hưởng đến giải ngân vốn đầu tư công. Thế nhưng, một tỉnh miều núi như Lào Cai lại luôn nằm trong nhóm địa phương có tỷ lệ giải ngân cao của cả nước. Các công trình, dự án được đẩy nhanh tiến độ thi công, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc đã giúp tiến độ giải ngân của địa phương thuận lợi hơn.
Phú Thịnh - cây cầu thứ 9 bắc qua sông Hồng trên địa bàn tỉnh Lào Cai kết nối phường Bắc Cường với xã Vạn Hòa, thành phố Lào Cai có tổng mức đầu tư 450 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành sẽ khai thác hiệu quả quỹ đất phía tả ngạn sông Hồng, mở rộng không gian đô thị dọc sông Hồng; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Thời gian qua, do mưa lũ kéo dài, mực nước trên sông thường xuyên thay đổi nên ảnh hưởng lớn đến việc thi công công trình. Để khắc phục, nhà thầu đã chủ động tính toán các yếu tố tác động và áp dụng công nghệ mới vào phương án thi công.
Trong đó, sản xuất vòm thép - phần đặc biệt nhất của cây cầu này so với các cây cầu khác bắc qua sông Hồng trên địa bàn Lào Cai cũng đã được sản xuất tại xưởng chuyên biệt. Những hạng mục mang tính chất phức tạp và khó cơ bản đã xong; các phần việc phải thi công dưới nước cũng dần hoàn thiện, đơn vị thi công đang tranh thủ từng ngày để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu đến tháng 11/2023 sẽ hợp long, chuyển sang hạng mục lắp vòm thép.
Đơn vị thi công bố trí 3 ca làm liên tục ngày đêm. Nhân sự chủ chốt, bám sát kỹ thuật từng nhóm thi công, từng tổ thi công để đảm bảo tiến độ, kỹ thuật, chất lượng và an toàn - ông Quách Ngọc Kha - Chỉ huy trưởng Công trường cầu Phú Thịnh cho biết.
Dự án nâng cấp, sửa chữa tuyến đường Bản Xèo - Dền Sáng - Ý Tý có tổng mức đầu tư khoảng 200 tỷ đồng được khởi công từ tháng 2/2021 và dự kiến sẽ đưa vào hoạt động trong tháng 12 năm 2023. Tuyến đường được khởi công xây dựng sẽ góp phần tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông nhiều năm qua, kết nối thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa với xã Y Tý (huyện Bát Xát), tạo thuận lợi để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, khai thác thế mạnh về du lịch, nông nghiệp nơi đây.
Địa hình rừng núi hiểm trở cộng thêm chi phí, giá nguyên vật liệu tăng cao khiến dự án gặp nhiều khó khăn. Để giải bài toán này, chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt cùng doanh nghiệp tìm cách tháo gỡ vướng mắc; nỗ lực đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình.
Tại khu vực giáp ranh giữa xã Mường Hum và xã Bản Xèo, nơi có nhiều taluy cao, vực sâu, vách đá dựng đứng, nhà thầu phải huy động nhiều máy đục đá, máy xúc cỡ lớn để mở rộng nền đường. Do đây là tuyến đường kết nối giao thông quan trọng giữa các xã vùng thấp và vùng cao của huyện Bát Xát nên quá trình thi công vừa phải đảm bảo an toàn cho công nhân trên công trường, vừa phải đảm bảo an toàn giao thông. Đại diện Chỉ huy công trường cho biết, nhà thầu đã chia nhiều mũi thi công đồng bộ mặt đường và hạ tầng, đi kèm theo phương châm mặt bằng giải phóng đến đâu sẽ thi công gọn đến đó.
Năm 2023, tổng kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh Lào Cai theo các Nghị quyết Hội đồng nhân dân tỉnh giao (bao gồm cả vốn năm 2022 được phép kéo dài sang năm 2023) là 6.560 tỷ đồng. Đến hết tháng 9/2023, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Lào Cai đạt 55% kế hoạch và đạt 65% vốn Trung ương giao, cao hơn so với mặt bằng chung cả nước.
Tuy có tỷ lệ giải ngân cao nhưng theo dự báo, trong các tháng còn lại của năm 2023, áp lực giải ngân của Lào Cai còn rất lớn. Địa phương xác định tăng cường kỷ luật, kỷ cương, đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và kịp thời nắm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải ngân với quyết tâm cao nhất.
Vừa qua, tại cuộc họp bàn giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, ông Nguyễn Quang Bình - Chủ tịch UBND huyện Bát Xát cho biết, trên địa bàn huyện thực hiện nhiều công trình, dự án trọng điểm. Khối lượng công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng rất lớn, trong khi nhân lực có hạn vì vậy đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai.
Ông Hoàng Trường Minh, Quyền Chủ tịch UBND huyện Mường Khương nêu rõ, năng lực thi công của một số nhà thầu hạn chế khiến dự án chậm tiến độ, dẫn đến giải ngân chưa đạt yêu cầu. Có những dự án giao thông đang chuẩn bị thực hiện đi qua diện tích canh tác một số cây trồng có giá trị nên rất khó khăn trong giải phóng mặt bằng.
Để đạt được mục tiêu giải ngân được 100% lượng vốn trong bối cảnh thời gian không còn nhiều, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai Nguyễn Trọng Hài yêu cầu chủ đầu tư rà soát, cập nhật kế hoạch chi tiết giải ngân để điều hành theo từng tuần, từng tháng. Đối với vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, Phó chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương đánh giá khó khăn ở đâu, thuộc về thẩm quyền cấp nào, cơ chế thực hiện giải phóng mặt bằng từng dự án để linh hoạt áp dụng giải pháp.
Đối với khó khăn giải ngân nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là nguồn vốn sắp xếp dân cư thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được nhiều địa phương phản ánh, ông Nguyễn Trọng Hài chỉ đạo thành lập tổ công tác liên ngành đi cơ sở, nắm rõ thực chất đang vướng mắc ở đâu để khẩn trương tháo gỡ, đảm bảo điều kiện sống tốt nhất cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, tại "Chỉ thị về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2023", Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu người đứng đầu các đơn vị sử dụng vốn cam kết giải ngân gắn với xếp loại mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao trong năm 2023 của tập thể, cá nhân.
Các cơ quan, đơn vị và địa phương triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ triển khai công trình, dự án trọng điểm; xác định đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tập trung ưu tiên trong chỉ đạo điều hành. Riêng đối với nguồn vốn kéo dài, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai yêu cầu các đơn vị, chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành giải ngân trước ngày 30/10/2023.
Chỉ thị yêu cầu các sở ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, tháo gỡ các khó khăn vướng mắc về đất đai, tài nguyên...; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định pháp luật các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; thay thế kịp thời những cán bộ, công chức, viên chức yếu kém về năng lực, trì trệ, gây nhũng nhiễu, phiền hà, kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cực, tham nhũng trong quản lý đầu tư công.