Trong 9 tháng năm 2023, lượng vốn đầu tư công lớn hơn nhiều so với năm 2022 đã được giải ngân, đưa vào nền kinh tế. Mục tiêu kho bạc “3 không” gồm: Không khách hàng giao dịch trực tiếp, không tiền mặt và không chứng từ giấy. Tuy nhiên lãnh đạo Kho bạc Nhà nước (KBNN) thừa nhận, vẫn còn tình trạng đơn vị gửi hồ sơ giấy đến KBNN.
“Nguyên nhân chủ yếu là do có những hồ sơ thuộc dạng bảo mật hoặc hồ sơ là hợp đồng, nếu quét để gửi lên hệ thống của kho bạc thì vượt quá dung lượng đường truyền nên không thể gửi được qua Cổng Dịch vụ công Quốc gia”, bà Trần Thị Huệ cho biết.
Clip bà Trần Thị Huệ trả lời về giải quyết hồ sơ trực tuyến ở KBNN:
Để giải quyết tình trạng này, đại diện KBNN nhấn mạnh, phải có sự vào cuộc đồng bộ của các bên bao gồm KBNN, các đơn vị sử dụng ngân sách cùng nhiều Bộ, ngành liên quan. Theo đó, các đơn vị sử dụng ngân sách nên thực hiện số hóa các giấy tờ, chứng từ thanh toán, thu chi thường xuyên và chia sẻ, liên thông phần mềm kế hoạch với KBNN thông qua cổng dịch vụ công quốc gia.
Về các hồ sơ liên quan đến chi đầu tư, theo Phó Tổng Giám đốc KBNN, KBNN đã có báo cáo để xây dựng các quy định pháp lý, làm thế nào để chia sẻ, xây dựng hợp đồng điện tử, thực hiện hợp đồng số trên hệ thống đấu thầu quốc gia, từ đó chia sẻ lại với KBNN. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định về vấn đề này, dự kiến trình Chính phủ vào năm 2024.
“Về phía KBNN, đơn vị cũng đang thực hiện kế hoạch nâng cấp cổng dịch vụ công trực tuyến, kỳ vọng đến năm 2024 đủ điều kiện kỹ thuật để chia sẻ dữ liệu với các đơn vị sử dụng ngân sách về hợp đồng điện tử. Nếu các bên thực hiện được đồng bộ trên cổng dịch vụ công, sẽ giảm được chứng từ giấy, góp phần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công", bà Trần Thị Huệ kỳ vọng.
Làm rõ thêm vấn đền này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, muốn thực hiện mục tiêu “Kho bạc 3 không” thì phải thực hiện số hóa đồng bộ. KBNN phải đi trước để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và số hóa của các đơn vị sử dụng ngân sách, đơn vị đầu tư hay nhà thầu. “Thực hiện số hóa quá trình quản lý giám sát kiểm soát chi đầu tư công sẽ giúp sớm thực hiện các mục tiêu đã đề ra. Không có gì bằng việc giảm chi phí cho nền kinh tế cũng như quá trình kiểm soát chi”, ông Nguyễn Đức Chi nhấn mạnh.
Từ năm 2019, KBNN đã nâng cao việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến. Các đơn vị sử dụng ngân sách đã thực hiện thanh toán qua cổng dịch vụ công trực tuyến của KBNN. Hiện, KBNN đã hoàn thiện chương trình thanh toán tự động tiền điện, nước, viễn thông theo văn bản ủy quyền của đơn vị sử dụng ngân sách Nhà nước (NSNN); cung cấp 100% thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến của KBNN và tích hợp lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Ngoài ra, KBNN cũng tiếp tục thực hiện các quy định của Chính phủ về triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính; duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2015; thực hiện khảo sát, đánh giá mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với sự phục vụ của hệ thống KBNN đợt 2/2023.
Về nhiệm vụ trong những tháng cuối năm, đại diện KBNN cho biết, sẽ nâng cấp hệ thống nhằm nâng cao hiệu suất, chất lượng dịch vụ công trực tuyến sẵn sàng cho công tác quyết toán, khóa sổ cuối năm 2023; đồng thời hoàn thiện liên thông dữ liệu giữa các hệ thống công nghệ thông tin của KBNN phục vụ công tác kiểm soát chi đầu tư.
Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm, KBNN vừa yêu cầu Giám đốc KBNN các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức, chỉ đạo các Phòng Kiểm soát chi thuộc KBNN tỉnh và KBNN các huyện trực thuộc thực hiện tuyên truyền, phổ biến, quán triệt Công điện số 749/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 589/CT-KBNN của Tổng Giám đốc KBNN về tăng cường công tác kiểm soát chi, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng trong giao dịch thanh toán của hệ thống KBNN.
Theo đó, KBNN các tỉnh, thành phố phải phối hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án để đẩy mạnh giao dịch thanh toán qua dịch vụ công trực tuyến của KBNN và kịp thời thanh toán khối lượng hoàn thành của các dự án. Bên cạnh đó, tuân thủ thời gian giải quyết hồ sơ trong thời hạn quy định tại Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công, đáp ứng kịp thời, cấp bách nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
KBNN yêu cầu Sở Giao dịch KBNN và các đơn vị KBNN trong toàn hệ thống bám sát các chủ đầu tư, ban quản lý dự án để kịp thời nắm bắt và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư của từng gói thầu, dự án theo đúng thẩm quyền. Đối với các vướng mắc vượt thẩm quyền, cần đề xuất các giải pháp tháo gỡ với cấp có thẩm quyền để giải quyết.
Tính đến hết tháng 9/2023, toàn hệ thống KBNN đã thực hiện, kiểm soát ước đạt 711.805 tỷ đồng chi thường xuyên, bằng 60,1% dự toán chi thường xuyên năm 2023 của NSNN qua KBNN (không bao gồm chi trả nợ, viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng).
Đối với chi đầu tư, lũy kế vốn đầu tư kiểm soát, thanh toán qua KBNN thuộc kế hoạch năm 2023 là 344.361,1 tỷ đồng, bằng 51,6% kế hoạch năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn trong nước thanh toán là 333.140,1 tỷ đồng, bằng 52,1% kế hoạch năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 48,3% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và UBND tỉnh giao thêm kiểm soát chi qua KBNN. Vốn ngoài nước kiểm soát, xác nhận qua KBNN là 11.221 tỷ đồng, bằng 40,1% kế hoạch năm 2023 Thủ tướng Chính phủ giao.