Áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có tác động tích cực đến ngành mía đường

Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan tới tác động của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với mặt hàng đường mía Thái Lan, tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 17/6 tại Hà Nội, ông Lê Triệu Dũng- Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại cho biết, việc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với sản phẩm đường mía của Thái Lan được Bộ Công Thương khởi xướng từ tháng 9/2020 trên cơ sở hồ sơ đề nghị của ngành sản xuất trong nước.

Việc này đã được Bộ Công Thương tiến hành một cách khẩn trương theo đúng các quy định của Luật Quản lý ngoại thương cũng như quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). 

Chú thích ảnh
Đường đóng túi được bày bán tại một siêu thị lớn ở Bangkok. Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN

Sau một thời gian điều tra, tới ngày 9/2/2020, Bộ Công Thương đã có Quyết định 477 về việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tạm thời đối với đường mía xuất xứ từ Thái Lan. Sau khi có quyết định sơ bộ, Bộ Công Thương cũng đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Mía đường và các đơn vị liên quan thực hiện các bước điều tra tiếp theo. 

Ngày 15/6 vừa qua, Bộ Công Thương đã có Quyết định 1578, quyết định áp dụng thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp chính thức đối với đường mía xuất xứ từ Thái Lan.

Về nội dung điều tra, Bộ Công Thương đã xem xét kỹ lưỡng việc chống bán phá giá, phá giá hay việc trợ cấp của phía Thái Lan thiệt hại đối với ngành sản xuất trong nước, tác động kinh tế xã hội, kể cả tác động tới các doanh nghiệp hạ nguồn sử dụng sản phẩm đường mía.

Kết quả điều tra cho thấy, đường mía có xuất xứ từ Thái Lan đã bán phá giá ở mức 42,99%, được trợ cấp mức 4,65%. Tổng cộng mức độ bán phá giá và trợ cấp là 47,64%. 

Nguyên nhân chính của việc ngành mía đường trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng trong thời gian qua là do lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan gia tăng đột biến, lên tới 1,3 triệu tấn năm 2020 và tăng 330,4% so với năm 2019. 

Trên cơ sở kết quả điều tra, đánh giá tác động kinh tế xã hội và ý kiến của các bên liên quan cũng như cân đối tình hình cung cầu, Bộ Công Thương đã ban hành áp thuế và quyết định áp thuế chính thức. Kể từ khi áp thuế sơ bộ (2/2021), Bộ Công Thương đánh giá, việc áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp đối với đường mía nhập khẩu từ Thái Lan đã có tác động tích cực đối với ngành mía đường.
Cụ thể, lượng đường nhập khẩu Thái Lan từ tháng 3/2021 cho tới thời điểm này giảm đáng kể, từ mức bình quân là 110 nghìn tấn năm 2020, tới nay chỉ còn khoảng 28 nghìn tấn, giảm 75%.

Việc này đã làm giảm tác động cạnh tranh không bình đẳng của đường Thái Lan đối với ngành sản xuất trong nước và từ đó giúp giá đường trong nước nhích lên, đồng thời giá thu mua mía đối với người nông dân được tăng từ 100 ngàn đến 200 ngàn đồng/tấn. Qua đó, giúp người nông dân lần đầu tiên qua nhiều năm tiêu thụ toàn bộ hơn 6 triệu tấn mía. 

Theo phản ánh của Hiệp hội Mía đường, các cơ quan báo chí và của nhiều đơn vị sản xuất, tại nhiều địa phương, nông dân đã có kế hoạch mở rộng diện tích trồng mía cho niên vụ mía 2021 – 2022 sắp tới.

Bên cạnh đó, cung - cầu trên thị trường được ổn định, giá đường trong nước có nhích lên nhưng trong mức độ chấp nhận được và cũng trong phương án tính toán. Tất cả các yếu tố mục tiêu, chính sách đề ra cũng đã đạt được.

 "Chúng tôi đang kết hợp chặt chẽ với Hiệp hội Mía đường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát tình hình nhập khẩu với tác động biện pháp này để có các biện pháp phù hợp, đảm bảo hiệu quả của biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp cũng như đảm bảo cung cầu, ổn định thị trường theo đúng quy định", ông Lê Triệu Dũng cho hay.

Cũng tại buổi họp báo, xung quanh tình hình buôn bán hàng lậu, hàng giả trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19, ông Trần Hữu Linh-Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho hay, thời gian qua khi dịch bệnh bùng phát trở lại, tình hình gian lận thương mại diễn ra tinh vi hơn với những mặt hàng đa dạng hơn.

Do nhu cầu lớn, hiện nay đã bắt đầu xuất hiện những sản phẩm “xách tay” thẩm lậu từ các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng được bán trong thị trường nội địa. Theo ông Trần Hữu Linh, đối với những mặt hàng này phải được Bộ Y tế cấp phép, kiểm nghiệm thì mới có hiệu lực.

Đáng lưu ý, hiện nay online là kênh tiêu thụ, kênh quảng cáo rất phổ biến. Từ đầu năm đến nay, vấn đề gian lận thương mại với các mặt hàng không chỉ các thiết bị y tế mà các mặt hàng từ tiêu dùng rồi cả thực phẩm và những mặt hàng xa xỉ chủ yếu vi phạm trên môi trường online, qua các sàn giao dịch thương mại điện tử và mạng xã hội như Facebook và Zalo.

Bởi vậy, lực lượng quản lý thị trường đã và đang phối hợp với các cơ quan chức năng để có phương án điều tra, xác minh và xử lý.

"Đề nghị người tiêu dùng hết sức lưu ý khi đặt mua các sản phẩm, phải kiểm tra rõ ràng thông tin nguồn gốc xuất xứ và xem có được cấp phép của Bộ Y tế hay không", Tổng Cục trưởng Trần Hữu Linh khuyến cáo.

Uyên Hương (TTXVN)
Tạo lập thị trường cạnh tranh công bằng để phát triển ngành mía đường
Tạo lập thị trường cạnh tranh công bằng để phát triển ngành mía đường

Ngành mía đường đang đứng trước nhiều thách thức khi hàng nhập lậu tràn lan và sự cạnh tranh không lành mạnh từ hàng ngoại nhập. Theo các chuyên gia, cần có những giải pháp để tháo gỡ “nút thắt” cho ngành mía đường như áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, xây dựng liên kết chuỗi…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN