Chưa lo thiếu lương thực
Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa của cả nước. Vụ đông xuân 2015 -2016, khu vực này gieo cấy 1,5 triệu ha thì đã có 1/3 diện tích bị ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Trong đó, trên có 150.000 ha bị thiệt hại nặng (trên 70% diện tích) và khoảng 340.000 ha bị thiệt hại từ 30 - 70%. Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn sẽ tăng lên vì xâm nhập mặn sẽ diễn ra gay gắt nhất vào giữa tháng 4/2016. Tính riêng vụ đông xuân này, ĐBSCL có thể bị thiệt hại khoảng trên 1 triệu tấn lúa. Vụ hè thu cũng phải dừng lại để đợi mưa, có nước để rửa mặn mới có thể tiếp tục gieo cấy.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT), để đảm bảo an ninh lương thực, mức tiêu thụ bình quân/người là 140 - 150 kg gạo/người/năm. Tuy nhiên, do cơ cấu tiêu dùng lương thực đang thay đổi nên mức tiêu thụ thực tế khoảng 130 kg gạo/người/năm. Hơn nữa, nguồn cung gạo xuất khẩu trung bình hàng năm khoảng 7 triệu tấn gạo nhưng năm nay dự kiến chỉ xuất khẩu khoảng 6 triệu tấn gạo. Do vậy, lượng cung lương thực trong nước vẫn đảm bảo.
Nông dân huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang thu hoạch lúa đông xuân. |
Cùng chung quan điểm trên, ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, nỗi lo về an ninh lương thực không lớn, vì hàng năm sản xuất lúa gạo vẫn còn thừa 7 - 8 triệu tấn gạo để xuất khẩu. Do hạn hán, xâm nhập mặn có thể cân đối lại lượng gạo xuất khẩu để đảm bảo an ninh lương thực trong nước, trong đó chú trọng đến các khu vực bị ảnh hưởng thiên tai.
“Thực tế qua các nghiên cứu cho thấy, nếu thu nhập càng tăng thì xu hướng ăn gạo càng ít đi, họ chuyển sang ăn thịt, cá, trái cây… Điều này đúng không chỉ ở riêng Việt Nam mà ở các nước khác cũng vậy. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần thận trọng, nếu thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài, thì cũng sẽ ảnh hưởng tới sản lượng gạo trong nước. Do vậy, cần có những giải pháp lâu dài cho vấn đề cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu”, TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nêu quan điểm.
Thích ứng với biến đổi khí hậu
Theo các chuyên gia nông nghiệp để thích ứng với biến đổi khí hậu, ngoài việc phát triển các giống lúa chịu mặn, ngắn ngày, đối với những vùng bị xâm nhập mặn thường xuyên có thể chuyển hẳn sang nuôi thủy sản.
TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn đề xuất, đối với những vùng đất ngập mặn thì chúng ta có thể xen canh lúa tôm, lúa cá để phù hợp với điều kiện tự nhiên. Một số vùng bị xâm nhập mặn thường xuyên thì có thể chuyển sang chuyên canh nuôi trồng thủy sản.
Theo tính toán của Bộ Tài nguyên và Môi trường, năm 2015, Việt Nam có trên 4 triệu ha trồng lúa. Dự kiến sẽ quy hoạch còn 3,76 triệu ha đất trồng lúa vào năm 2020. Với hệ số sử dụng đất bình quân là 1,95 lần thì diện tích gieo trồng lúa hàng năm đạt trên 7 triệu ha. Năng suất bình quân khoảng 60 tạ/ha/năm thì sản lượng lúa đạt 42 triệu tấn/năm, bình quân khoảng 420 kg/người/năm, đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực quốc gia. |
Cùng quan điểm này, ông Ma Quang Trung cho rằng, với những khu vực bị xâm nhập mặn thường xuyên, không giống lúa, cây nào chịu đựng được thì phải quy hoạch để nuôi tôm hoặc một vụ tôm, một vụ lúa. Thực tế, một số tỉnh đã có kiến nghị chuyển thành một vụ lúa, một vụ tôm, hoặc chuyển hẳn sang nuôi thủy sản, gia cầm...
Còn theo chuyên gia về lúa gạo GS.TS Võ Tòng Xuân, chúng ta phải dần thích nghi với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn. Từ đó mới có các giải pháp, cách làm phù hợp. Với những vùng nhiễm mặn thì có thể xen canh lúa tôm. Nhiều vùng ở ĐBSCL đã áp dụng phương pháp này và thu được kết quả khả quan hơn cả trồng lúa.
Liên quan đến việc giảm diện tích đất trồng lúa, mới đây Chính phủ đã đề nghị Quốc hội về việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, trong đó đề xuất sẽ giảm diện tích đất trồng lúa khoảng 400.000 ha.
Theo Bộ Tài Nguyên và Môi trường, trong 3,76 triệu ha đất trồng lúa hiện nay, có thể cho phép chuyển đổi khoảng 400.000 ha sang các cây trồng khác nhưng không làm mất các điều kiện tự nhiên phù hợp để khi cần thiết vẫn có thể quay lại trồng lúa trở lại nhằm mục tiêu vừa nâng cao hiệu quả sử dụng đất, vừa duy trì quỹ đất trồng lúa.
Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, phần diện tích chuyển đổi phần lớn là diện tích thường xuyên bị hạn hán, xâm nhập mặn do chịu tác động của biến đổi khí hậu, không thể tiếp tục trồng lúa hoặc trồng lúa nhưng hiệu quả thấp. Do vậy, Ủy ban Kinh tế Quốc hội tán thành với đề xuất của Chính phủ về điều chỉnh diện tích đất trồng lúa và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vì vẫn đảm bảo an ninh lương thực.