Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành nền kinh tế mới nổi tăng trưởng nhanh nhất trong tài khóa 2015-2016, với mức tăng GDP dự kiến đạt 7,5%, nhờ các biện pháp cải cách, thu hút đầu tư và giá dầu mỏ thấp. Trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cũng đưa ra dự đoán lạc quan về nền kinh tế Ấn Độ khi cho rằng quốc gia Nam Á này đang hướng tới mức tăng trưởng cao hơn và toàn diện hơn. Các hoạt động kinh tế gần đây của Ấn Độ đều theo chiều hướng đi lên, với mức tăng trưởng mạnh, lạm phát và thâm hụt tài khoản vãng lai giảm. WB dự đoán tăng trưởng GDP của Ấn Độ sẽ đạt 7,5% trong tài khóa 2015-2016 và có thể lên tới 8% trong tài khóa tiếp theo, nhờ lợi thế từ giá dầu mỏ thấp, các biện pháp cải cách kinh tế của Chính phủ Ấn Độ, cũng như lòng tin của giới đầu tư được cải thiện.
Người dân Ấn Độ mua bán rau quả tại khu chợ ở Mumbai. Ảnh: AFP-TTXVN |
Cũng theo WB, Ấn Độ đứng đầu trong nhóm 10 quốc gia có lượng kiều hối đổ về nước nhiều nhất thế giới năm 2013, với 70 tỷ USD. Đứng thứ hai trong danh sách là Trung Quốc, với 60 tỷ USD. Tiếp đó là Philippines 25 tỷ USD; Mexico 22 tỷ USD; Nigeria 21 tỷ USD; Ai Cập 17 tỷ USD; Pakistan 15 tỷ USD; Bangladesh 14 tỷ USD; Việt Nam 11 tỷ USD; và Ukraine 10 tỷ USD. Tổng số kiều hối Ấn Độ nhận được trong năm 2013 nhiều hơn so với con số 65 tỷ USD mà nước này thu được từ kim ngạch xuất khẩu dịch vụ phần mềm – trụ cột của nền kinh tế.
Tổng lượng kiều hối của toàn khu vực Nam Á trong năm 2013 chỉ tăng 2,3% lên 111 tỷ USD, thấp hơn mức tăng trung bình 13% của ba năm trước đó. Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ lệ kiều hối trên GDP, Tajikistan đứng đầu, với lượng kiều hối nhận được trong năm 2013 tương đương 52% GDP. Tiếp đến là Kyrgyzstan 31%; Nepal và Moldova mỗi nước đều tương đương 25% GDP.
Nguyên nhân dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc giảm kỷ lục
Dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm kỷ lục trong quý I năm nay, làm gia tăng những đồn đoán rằng Ngân hàng trung ương nước này (PBoC) đã bán bớt dự trữ ngoại tệ để hỗ trợ đồng NDT khi dòng vốn chảy ra khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Theo số liệu do PBoC công bố hôm 14/4, dự trữ ngoại tệ của nước này đã giảm 113 tỷ USD xuống 3.730 tỷ USD, ghi dấu sự sụt giảm quý thứ ba liên tiếp.
Hu Yuexiao, nhà kinh tế của Shanghai Securities Co Ltd cho rằng trong quý I/2015, PBoC đã can thiệp vì dòng vốn chảy ra nước ngoài rất nghiêm trọng. Đồng USD phục hồi và những số liệu kinh tế yếu kém ở Trung Quốc đã khiến dòng vốn chảy mạnh, và tình trạng này có thể sẽ tiếp tục trong năm nay. Vì vậy, PBoC sẽ tiếp tục can thiệp để giữ đồng NDT ổn định.
Mặc dù PBoC không tiết lộ các loại ngoại tệ trong nguồn dự trữ ngoại hối của mình, nhưng việc đồng euro giảm 11% trong quý đầu năm nay đã làm tăng giá trị đồng USD mà Trung Quốc đang nắm giữ. Theo số liệu của Bloomberg, đồng USD đã mạnh lên so với 14 trong tổng số 16 đồng tiền chủ chốt khác trong quý I năm nay. Bloomberg Dollar Spot Index, chỉ số theo dõi đồng bạc xanh của Mỹ với 10 loại tiền tệ chủ chốt khác, đã tăng 6,2%.
Mark Williams, chuyên gia kinh tế thuộc Capital Economics Ltd (có trụ sở ở London), cho rằng “đồng USD đã rất mạnh trong quý vừa qua và tác động tới giá trị của lượng dự trữ ngoại tệ mà Trung Quốc nắm giữ. Thời kỳ can thiệp mạnh mẽ để làm đồng NDT không mạnh lên đã kết thúc”.
Sự sụt giảm dự trữ ngoại tệ có thể “bị tác động bởi sự can thiệp của PBoC nhằm giúp đồng NDT từ chỗ mất giá chuyển thành tăng giá vừa phải trong những tháng gần đây”, Australia & New Zealand Banking Group Ltd nhận định.
Minh Lý, Hải Yến (TTXVN)