8 tháng, trên 41.000 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động hoặc chờ giải thể

Trong 8 tháng, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể là 41.660 doanh nghiệp, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tháng 8 số doanh nghiệp được thành lập mới là 11.655 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 107.564 tỷ đồng. Như vậy, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 3,5% nhưng giảm 11,9% về số vốn đăng ký so với tháng trước. 

Chú thích ảnh
Làm thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại Phòng đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Tổng hợp 8 tháng đầu năm, cả nước có 87.448 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 2,4%. Tuy vậy, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn của cả nước là 21.575 doanh nghiệp, tăng 25,2% so với cùng kỳ năm 2017.

Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể, là 41.660 doanh nghiệp, tăng 45,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính theo khu vực, trong 8 tháng thì 3 khu vực có tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng so với cùng kỳ năm trước là Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (5,9%), Đông Nam Bộ (4,2%) và Đồng bằng Sông Cửu Long (1,2%). Các khu vực còn lại giảm, trong đó, tỷ lệ giảm mạnh nhất là ở Tây Nguyên (-4,7%). 

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, các vùng Đồng bằng Sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc cần đặc biệt lưu ý vì tỷ lệ doanh nghiệp ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể và doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể đều tăng cao trên 30% trong khi tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới giảm. 

Hầu hết các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh) đều trong tình trạng số lượng doanh nghiệp thành lập mới giảm hoặc chỉ tăng rất nhẹ trong khi lượng doanh nghiệp phải ngừng kinh doanh, ngừng hoạt động, chờ giải thể và giải thể tăng đáng kể.

Theo Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, đây là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, đồng thời, cũng cho thấy bối cảnh kinh tế mới mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng mang đến nhiều thách thức hơn cho doanh nghiệp, thể hiện qua tính cạnh tranh, thanh lọc của thị trường đang diễn ra rất mạnh mẽ. 

Để sớm đạt được sự phát triển ổn định hơn, bên cạnh những giải pháp hỗ trợ của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần nỗ lực hơn nữa để giải quyết những hạn chế nội tại về năng lực quản trị doanh nghiệp, ứng dụng khoa học – công nghệ và năng suất lao động.

Xuân Phong/Báo Tin tức
Phần lớn doanh nghiệp đổi mới công nghệ bằng vốn tự có
Phần lớn doanh nghiệp đổi mới công nghệ bằng vốn tự có

Kết quả khảo sát cho thấy, hoạt động đổi mới công nghệ tại các doanh nghiệp chủ yếu dựa vào nguồn vốn tự có, chưa thực sự nhận được nhiều hỗ trợ từ nhà nước, dù đã có Quỹ hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong những năm gần đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN