Ông Phạm Thanh Trực, Phó Ban Quản lý các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp thành phố cho biết, hiện HEPZA cùng với các ngành chức năng đã tiến hành kiểm tra đối với 386/618 doanh nghiệp. Trong đó, có 338 doanh nghiệp đủ điều kiện, với số lượng 38.412 công nhân lao động và 48 doanh nghiệp không đủ điều kiện để tiếp tục hoạt động theo điều kiện đặt ra của UBND thành phố về việc dừng hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nếu không đảm bảo yêu cầu về phòng, chống dịch COVID-19.
Trong 618 doanh nghiệp đăng ký phương án sản xuất “3 tại chỗ”, có một số doanh nghiệp trong thời điểm bảo trì, dừng sản xuất và chủ yếu ở lại doanh nghiệp là nhân viên bảo trì thiết bị, vệ sinh máy móc, bảo vệ… “Do đó, Ban quản lý các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp thành phố lập lại danh sách và không thực hiện kiểm tra đối với các doanh nghiệp này để tập trung cho việc kiểm tra đối với các doanh nghiệp còn lại, nhất là doanh nghiệp có nhiều công nhân, người lao động”, ông Trực chia sẻ.
Theo ông Trực, để thực hiện phương án vừa cách ly, vừa sản xuất, doanh nghiệp phải đảm bảo các tiêu chuẩn cụ thể như: doanh nghiệp có rất ít nguy cơ lây nhiễm, nơi ở tách biệt khu vực sản xuất, lối ra vào thuận tiện, có hệ thống camera giám sát… Ngoài ra, người lao động phải có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 trước khi vào lưu trú, không ra khỏi nhà máy trong thời gian áp dụng phương thức trên.
Ghi nhận tại khu công nghiệp Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh cho thấy, Công ty cổ phần Sài Gòn Food, đơn vị chuyên cung cấp thực phẩm đã kích hoạt phương án “3 tại chỗ” ngay từ khi nhận được văn bản của thành phố. Tại đây, có khoảng 400/2.000 công nhân lao động đã được xét nghiệm COVID-19 và thực hiện vừa cách ly, vừa ở lại doanh nghiệp để sản xuất.
Đại diện Công ty cổ phần Sài Gòn Food cho biết, đây là lực lượng sản xuất chủ yếu trong doanh nghiệp và hầu hết họ đều tự nguyện thu xếp việc gia đình, đăng ký vào nhà máy. Ngoài ra, để đảm bảo yêu cầu vừa sản xuất vừa chống dịch, công ty cũng chỉ hoạt động 3 trong tổng số 5 nhà máy. Hai nhà máy còn lại cùng với khu văn phòng được trang bị thêm các vật dụng cần thiết làm khu dã chiến cho công nhân ăn, ngủ, sinh hoạt, nghỉ ngơi đảm bảo sức khỏe để sản xuất.
Tương tự, Công ty cổ phần Cơ khí xây dựng thương mại Đại Dũng (Khu công nghiệp An Hạ, huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh) cũng chấp nhận việc tăng chi phí sản xuất, khích hoạt phương án “3 tại chỗ” nhằm đảm bảo các đơn hàng đúng theo thời hạn. Đây cũng là 1 trong 40 doanh nghiệp đầu tiên của thành phố thí điểm phương án “3 tại chỗ” với việc trang thiết bị vật dụng sinh hoạt thường ngày đầy đủ như: chiếu, chăn, tủ lạnh, đồ ăn khô... cho công nhân lao động.
Theo ông Trịnh Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cơ khí Xây dựng thương mại Đại Dũng, để trên 1.000 công nhân, nhân viên, người lao động an tâm lao động sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, công ty đã sử dụng toàn bộ khu văn phòng còn trống trang bị đầy đủ tiện nghi cùng 1.000m2 sàn nhà xưởng chưa sử dụng đã được lắp thêm vật dụng thiết yếu làm nơi ở, khu vệ sinh, tắm giặt, phơi quần áo...
“Hiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nếu trong doanh nghiệp xuất hiện 1 trường hợp sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hoạt động sản xuất và tiến độ thực hiện đơn hàng nội địa cũng như xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc. Do đó, mô hình vừa sản xuất, vừa cách ly là biện pháp hiệu quả để đảm bảo mục tiêu kép của doanh nghiệp”, ông Hùng chia sẻ.
Theo Công đoàn Ban quản lý các Khu chế xuất, Khu Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, để đảm bảo “mục tiêu kép” vừa chống dịch vừa an toàn sản xuất, trước đó, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức xét nghiệm dịch COVID-19, vận động người lao động thực hiện tốt các biện pháp phòng dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Nhiều doanh nghiệp đã bố trí phương án vừa cách ly, vừa sản xuất tại một khu nhà riêng biệt hoặc thuê nơi ở cho công nhân lao động theo phương án “1 cung đường, 2 địa điểm”; cung cấp cho người lao động các vật tư phòng dịch như nước sát khuẩn, nước muối súc họng, vitamin nâng cao sức đề kháng…