Tại hội nghị chuyên đề về chống thất thu và nợ đọng thuế do Tổng cục Thuế tổ chức ngày 1/3 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã nhấn mạnh thời gian tới, ngành Thuế cần tập trung thanh tra chống thất thu ở 6 lĩnh vực trọng điểm liên quan tới vấn đề chuyển giá, hàng biên mậu, các nguồn thu từ sử dụng đất, kinh doanh qua mạng, hoàn thuế và thuế giá trị gia tăng.
Theo ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, để làm tốt được nhiệm vụ trên, ngành Thuế cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý thuế góp phần đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng. Theo đó, toàn ngành cần nghiên cứu, kiến nghị sửa đổi cơ chế chính sách phù hợp với yêu cầu thực tiễn; tập trung công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành để nâng cao hiệu quả quản lý. Hiện nay, ngành Thuế đã chuyển sang cơ chế tự khai, tự nộp, vì vậy, cán bộ thuế cần nâng cao trách nhiệm, hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp kê khai cho đúng. Từ nội dung kê khai này, tìm ra những doanh nghiệp có dấu hiệu rủi ro kịp thời thanh tra, kiểm tra đúng đối tượng.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn. Nguồn: Internet |
Trên thực tế, thời gian qua, một trong những lĩnh vực thất thu thuế được đề cập tới nhiều nhất đó chính là vấn đề chuyển giá. Đánh giá của Tổng cục Thuế cho thấy, công tác chống chuyển giá, ngành Thuế gặp phải không ít khó khăn. Một số chuyên gia trong lĩnh vực thuế đã đưa ra nguyên nhân dẫn tới vướng mắc, hiện ngành thuế đang áp dụng cơ chế chống chuyển giá theo hình thức kiểm tra tại các doanh nghiệp. Theo đó, cơ quan thuế phải chứng minh rằng giao dịch của đơn vị kiểm tra là có chuyển giá, không thực hiện theo giá thị trường. Tuy nhiên, việc xác định số liệu thông tin của doanh nghiệp còn nhiều rào cản do khó tìm được giao dịch mang tính thị trường đồng bộ để so sánh. Và công tác thanh tra chống chuyển giá này được thực hiện sau khi giao dịch đã diễn ra. Do vậy, kết quả đạt được còn ở mức khiêm tốn. Trong thời gian qua, toàn ngành đã thực hiện thanh tra, chống chuyển giá tại 921 doanh nghiệp lỗ, có dấu hiệu chuyển giá. Qua đó, xử lý giảm lỗ 6.617 tỷ đồng, truy thu và phạt 1.669 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, một số vấn đề tồn tại được đại biểu đề cập tới trong công tác thanh tra, kiểm tra thu hồi nợ thuế của năm 2011 chính là việc phối hợp với các cấp, các ngành về trao đổi thông tin, thanh tra các doanh nghiệp về vấn đề: chuyển giá, lỗ nhiều năm; kinh doanh hàng hóa tạm nhập, tái xuất qua chính sách thương mại của dân cư biên giới còn nhiều bất cập, sơ hở. Bên cạnh đó, nguồn dữ liệu thông tin về người nộp thuế phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra chưa được cập nhập đầy đủ, kịp thời. Ngoài ra, ngành Thuế cũng chưa có nhiều phần mềm chuyên biệt nên đã áp dụng kỹ thuật rủi ro trong công tác thanh tra, kiểm tra thuế của toàn ngành.
Theo báo cáo của ngành Thuế, nợ thuế năm 2011 tiếp tục tăng 29,5%. Trong đó, nợ chờ xử lý năm 2011 tăng 7,7% so với năm 2010; nợ có khả năng thu tăng 33,3%. Một số địa phương có số nợ thuế năm 2011 tăng trên 50% so với năm 2010 như: An Giang, Bắc Ninh, Bình Phước, Cao Bằng, Lào Cai, Tây Ninh.
TTXVN/ Tin Tức