Vẫn còn không ít tồn tại
Năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài – một trong những đạo luật đầu tiên của thời kỳ đổi mới được ban hành, là chủ trương rất đúng đắn để thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Để rồi bắt đầu từ năm 1988 cho đến nay, trải qua hành trình 30 năm, khu vực kinh tế FDI đã, đang ngày càng thể hiện được vai trò quan trọng và đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Tính đến hết tháng 8/2018, đã có hơn 26.500 dự án FDI với tổng vốn đăng ký trên 334 tỷ USD và số vốn thực hiện khoảng 184 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài đóng góp gần 20% GDP và là nguồn vốn bổ sung quan trọng cho đầu tư phát triển với tỷ trọng chiếm gần 24% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Đặc biệt, 58% tổng vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp của cả nước. Bên cạnh đó, khu vực này cũng đã tạo gần 4 triệu việc làm trực tiếp và khoảng 5-6 triệu việc làm gián tiếp.
Mặc dù vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 30 năm thu hút FDI, vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được khắc phục. Chẳng hạn, mức độ kết nối, lan tỏa của khu vực FDI đến khu vực đầu tư trong nước còn chưa đạt được như kỳ vọng; thu hút và chuyển giao công nghệ từ khu vực FDI còn khiêm tốn; thu hút FDI vào một số ngành, lĩnh vực ưu tiên và từ các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế; còn hiện tượng một số doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế hoặc chưa nghiêm túc thực hiện quy định về bảo vệ môi trường...
Ông Lê Dương Quang, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho biết, thực tiễn 30 năm qua cho thấy, việc tham gia của doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi cung ứng của khu vực FDI còn không ít khó khăn, trở ngại. Các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài thiếu chú ý đến khuyến khích doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước kết nối, hợp tác với nhau. Vì vậy, doanh nghiệp trong nước khó tiếp cận và tham gia vào chuỗi cung ứng.
Vấn để thứ hai ông Quang cho rằng, doanh nghiệp FDI thường yêu cầu rất cao về chất lượng hàng hóa, dịch vụ cung cấp và tiến độ giao hàng, trong khi doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được. Do vậy, nếu doanh nghiệp Việt Nam không tự vươn lên thì sẽ không thể giam gia cuộc chơi chung được. Bên cạnh đó, quá trình cải cách thủ tục hành chính vẫn chưa mang tính đột phá. Một số doanh nghiệp phụ trợ có nhu cầu xây cất hoặc mở rộng nhà xưởng, kho bãi, vay vốn, nhập khẩu thiết bị… vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.
Còn theo ông Hironobu Kitagawa, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, theo kết quả điều tra hoạt động của doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, những rủi ro kinh doanh khi đầu tư ở Việt Nam được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra là: Chi phí nhân công tăng cao, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh, vận dụng pháp luật chưa rõ ràng hay tính phức tạp trong các thủ tục hành chính, thuế quan.
Về phía địa phương, ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho rằng, cũng như tình hình chung của cả nước, hoạt động thu hút vốn FDI tại Long An cũng bộc lộ những hạn chế như: Các dự án phần lớn có quy mô nhỏ, giá trị gia tăng chưa cao. Các dự án FDI còn tập trung nhiều vào các ngành hàng thâm dụng lao động như dệt may, da giày... ít dự án đầu tư ngành hàng sản xuất công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ cao, chưa có nhiều tập đoàn quy mô lớn, thương hiệu nổi tiếng đầu tư sản xuất, kinh doanh tại tỉnh.
Thực tế, sau 30 năm thu hút FDI, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, vẫn còn có những hạn chế, bất cập trong thu hút FDI. Chẳng hạn, còn có hiện tượng doanh nghiệp chuyển giá, trốn thuế, gây ô nhiễm môi trường; tác động lan tỏa và liên kết giữa khu vực FDI và khu vực trong nước chưa được như kỳ vọng; định hướng thu hút FDI theo ngành, đối tác còn hạn chế; tuy đã thu hút được nhiều công nghệ tốt, nhưng chưa đạt được mục tiêu thu hút công nghệ cao, công nghệ nguồn, cũng như về chuyển giao công nghệ…
Do vậy, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tổng kết 30 năm thu hút FDI, nhìn về phía trước, chúng ta phải có chính sách để làm sao khắc phục được những tồn tại, hạn chế này. Hơn nữa, những thay đổi trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, khu vực và trong nước cũng đang đặt ra yêu cầu phải có những thay đổi trong định hướng chiến lược về thu hút FDI giai đoạn tới.
Quy mô dòng vốn FDI toàn cầu đang có xu hướng giảm, các hình thức và phương thức đầu tư phi truyền thống có xu hướng gia tăng. Chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ và chống tự do hóa thương mại đa phương cũng đang làm thay đổi xu hướng của dòng vốn đầu tư toàn cầu.
Và đặc biệt, cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra nhanh chóng, có tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới, làm thay đổi mạnh mẽ từ tổ chức sản xuất, cung ứng dịch vụ, phương thức kinh doanh đến cách thức tiêu dùng, cách thức giao tiếp, thậm chí làm thay đổi cả con người…
Không thu hút những dự án có công nghệ lạc hậu
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, mục tiêu tổng quát trong thời gian tới là thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vốn, công nghệ cao, tiên tiến, quản trị hiện đại, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, góp phần nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng công nghiệp 4.0.
Ông Trần Văn Cần, Chủ tịch UBND tỉnh Long An, Long An cũng cho rằng, tập trung mời gọi đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ (gồm cơ khí - chế tạo máy, điện tử - tin học, sản xuất linh kiện, lắp ráp…), công nghiệp chế biến nông sản, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đô thị vệ tinh và dịch vụ hậu cần cảng. Đây là những lĩnh vực mà tỉnh có nhiều lợi thế thu hút đầu tư.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Trúc, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương, trong thời gian tới, Bình Dương hướng đến một nền kinh tế năng động dựa trên nền tảng sáng tạo, trở thành một khu vực sản xuất công nghệ cao có khả năng cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và mạng lưới các DN lớn và nhà cung cấp có năng lực, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bình Dương đã ban hành nhiều kế hoạch nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế làm nền tảng phát triển xã hội văn minh, xanh, sạch hơn, như: Kế hoạch đổi mới thu hút đầu tư, kế hoạch phát triển dịch vụ chất lượng cao phục vụ phát triển công nghiệp và đô thị, kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng trọng điểm.
Về định hướng ngành, lĩnh vực, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, cần tập trung ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sản xuất thiết bị y tế, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp 4.0.
Đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tào nguồn nhân lực trong nướctrong thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, sẽ đẩy mạnh liên kết giữa nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia, với khu vực doanh nghiệp trong nước, hình thành và phát triển các cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị.
Tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành mà Việt Nam vẫn đang có lợi thế như dệt may, da giày..., nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
Về định hướng theo địa phương, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài phù hợp với lợi thế, điều kiện, trình độ phát triển và quy hoạch từng địa phương trong mối liên kết vùng, đảm bảo hiệu quả tổng thể kinh tế - xã hội - môi trường. Đối với những địa bàn, khu vực nhạy cảm, liên quan đến quốc phòng, an ninh, khu vực biên giới, vùng biển, hải đảo, vùng đặc quyền kinh tế, việc thu hút thu hút đầu tư nước ngoài cần được xem xét chặt chẽ, vấn đề bảo đảm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia phải được đặt lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo động lực mới cho thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoàivào các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao và khu nông nghiệp công nghệ cao.
Về định hướng thị trường và đối tác, đẩy mạnh đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút đầu tư nước ngoàitừ các thị trường và đối tác tiềm năng. Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn, tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại.
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, sẽ không thu hút những dự án có công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường vào Việt Nam từ một số nước trong khu vực. Thu hút đầu tư nước ngoài từ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án quy mô nhỏ, siêu nhỏ phải đảm bảo điều kiện nâng cấp công nghệ và gia nhập mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công nghiệp hỗ trợ. Tận dụng lợi thế của Việt Nam trong thị trường của Cộng đồng Kinh tế ASEAN và cơ hội do các hiệp định thương mại tự do tạo ra để thu hút đầu tư nước ngoài.
"Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi mong muốn các bạn đến với Việt Nam trong tâm thế của những nhà đầu tư có thiện chí, có trách nhiệm, với những cam kết và hành động cụ thể, thực chất để đầu tư kinh doanh lâu dài trên cơ sở hài hòa lợi ích của nhà đầu tư, của Nhà nước và của cộng đồng", Bộ trưởng Dũng cho biết.