Thu hút FDI sau 30 năm: Nguồn vốn không còn là ưu tiên số 1

Hơn 30 năm thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành bộ phận quan trọng kinh tế rất quan trọng của kinh tế Việt Nam nhưng cũng có những hạn chế nhất định. Thời gian tới, nhất là khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) đang phát triển mạnh mẽ thì định hướng thu hút FDI cũng sẽ có những thay đổi. Phóng viên Báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Vũ Đại Thắng xung quanh nội dung này.

Thưa ông, Việt Nam đã thu hút FDI được 30 năm, ông đánh giá tác động của FDI với nền kinh tế Việt Nam ra sao?

Cho đến nay, Việt Nam đã thu hút vốn đăng ký cam kết đầu tư nước ngoài khoảng 320 tỷ USD và giải ngân thực tế khoảng 180 tỷ USD, nguồn vốn này đến từ khoảng gần 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Tác động của đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế nước ta rất sâu rộng. Thời kỳ đầu, đầu tư nước ngoài giúp nâng cao trình độ công nghệ trong sản xuất kinh doanh và quản lý điều hành của các doanh nghiệp.

Đến giai đoạn gần đây, đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục là kênh quan trọng để thu hút về vốn, KHCN cho phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt với sự tham gia của những nhà đầu tư lớn, thu hút FDI đã lựa chọn được dự án công nghệ hiện đại, tiệm cận với công nghệ của khu vực và thế giới. Xuất khẩu của Việt Nam vươn tới được những thị trường khó tính hiện vẫn phải dựa vào DN đầu tư nước ngoài.

Tôi cho rằng, thời gian tới chúng ta vẫn phải tiếp tục sử dụng vốn đầu tư nước ngoài một cách thông minh, sáng suốt để đảm bảo tận dụng các mặt mạnh của nguồn vốn này và phục vụ mục tiêu phát triển, tăng trưởng của đất nước ta.

Dù có những tác động tích cực đến nền kinh tế nước ta nhưng ông có cho rằng, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vẫn còn một số điểm hạn chế liên quan đến chuyển giao công nghệ, môi trường?

Các vấn đề về môi trường, KHCN có lẽ không phải riêng của đầu tư nước ngoài mà là vấn đề chung của các DN. DN của nước ngoài đến đầu tư ở Việt Nam, bộ phận lớn tôn trọng những quy định về môi trường của Việt Nam nhưng cũng có một bộ phận chưa thực hiện nghiêm túc những quy định này. Tương tự như vậy, DN Việt Nam cũng như vậy, cũng có những DN rất tôn trọng và thực thi nghiêm túc luật môi trường nhưng cũng có những DN trục lợi trên vấn đề môi trường.

Do vậy, theo tôi vấn đề quan trọng nhất về vấn đề môi trường là chúng ta thực hiện nghiêm túc những quy định của nhà nước, Chính phủ liên quan đến vấn đề môi trường không chỉ đối với DN nhà nước mà cả DN nước ngoài.

Về vấn đề chuyển giao công nghệ, đây cũng là vấn đề chúng tôi cho rằng đó là hạn chế của chúng ta trong suốt 30 năm qua. Trong 30 năm đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhưng việc các DN nước ngoài chuyển giao công nghệ cho các DN Việt Nam cũng là khá hạn chế. Có thể những DN nước ngoài chuyển giao cho DN liên doanh liên kết của họ nhưng để trực tiếp các DN Việt Nam tiếp cận với công nghệ nguồn của các nước tiên tiến thì cho đến nay cũng còn khá hạn chế. Nguyên nhân khách quan là chúng ta rất khó áp đặt việc bắt buộc DN nước ngoài chuyển giao CN cho chúng ta, nhưng ngược lại cũng nên xem xét liệu chúng ta có đủ điều kiện, phương tiện cần thiết để tiếp nhận công nghệ hay không?

Như vậy với cả 2 vấn đề chúng ta quan tâm là môi trường và KHCN với DN đầu tư nước ngoài là những vấn đề đặc biệt quan trọng và tiếp tục cần nghiên cứu nhưng đảm bảo làm sao để hài hòa, yêu cầu tất cả DN trong và ngoài nước tôn trọng những quy định của nhà nước, đặc biệt là vấn đề môi trường.

Chú thích ảnh
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Vũ Đại Thắng.

Trong thời gian tới, theo ông, chính sách thu hút đầu tư nước ngoài sẽ cần thay đổi ra sao để có hiệu quả hơn?

Liên quan đến thu hút vốn đầu tư nước ngoài thì trong quá trình tổng kết chúng tôi đã có định hướng và xây dựng mục tiêu cụ thể đối với nguồn vốn quan trọng này.

Đó là không nằm ngoài chương trình tổng thể chung của Chính phủ là thu hút nguồn lực chung phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Nhưng thu hút này không phải bằng mọi giá, mọi cách, đánh đổi môi trường. Chúng ta sẽ thu hút có lựa chọn, đảm bảo phục vụ đúng yêu cầu phát triển của đất nước theo đúng quy hoạch của định hướng chiến lược mà đất nước đặt ra. Ví dụ liên quan đến phát triển đầu tư nước ngoài gắn liền với phát triển KHCN trong nước, đảm bảo thu hút nước ngoài nhưng không gây hại đến môi trường, thu hút đầu tư nước ngoài phục vụ trực tiếp vấn đề kết cấu đầu tư hạ tầng quy mô lớn mà chúng ta đang cần.

Thời kỳ đầu, chúng ta trông chờ vào đầu tư nước ngoài mang lại 3 lợi ích: vốn, công nghệ và thị trường. Cho đến nay, tiềm lực của đất nước so với 30 năm trước đã có những chuyển biến đáng kể. Một số hệ thống tài chính ngân hàng của chúng ta có thể đủ điều kiện hỗ trợ các dự án nên dần dần thu hút đầu tư nước ngoài sẽ thiên về thu hút KHCN cao và thúc đẩy thị trường hơn là thu hút về nguồn vốn. 

Cùng với đó, cần tăng cường kết nối DN trong nước và với DN đầu tư nước ngoài. Đáng tiếc là thời gian dài vừa qua, sự gắn kết giữa DN trong nước và DN nước ngoài hầu như là chưa thực sự như mong muốn. DN nước ngoài vẫn đầu tư vào nước ta nhưng đi kèm là một loạt doanh nghiệp phụ trợ của họ, cung cấp trực tiếp cho DN chính chứ DN trong nước chúng ta chưa đảm nhận được những việc đó. Cái này có nhiều lý do trong đó có cả lý do chủ quan như: DN trong nước còn yếu về năng lực sản xuất kinh doanh và hạn chế về khả năng tài chính... 

Tuy nhiên, theo tôi, việc kết nối giữa DN nước ngoài và DN trong nước sẽ được cải thiện. Tôi lấy câu chuyện vui, gần đây, khi thấy một DN Việt Nam bắt đầu sản xuất ô tô mang tính chất cạnh tranh toàn cầu thì có nhiều DN phụ trợ nước ngoài đang muốn vào tìm hiểu phối hợp với DN đó để cung cấp sản phẩm phụ trợ cho DN của chúng ta. Điều đó cho thấy khi tiềm lực kinh tế của các DN thay đổi thì hướng tiếp cận của đầu tư nước ngoài cũng khác đi nhiều. 

Ví dụ, trước đây, chúng ta có định hướng phụ trợ cho DN nước ngoài nhưng khi các DN có bước phát triển về đầu tư, sáng tạo, và có những khả năng nhất định thì lại có thể mời gọi được DN nước ngoài vào hỗ trợ cho chúng ta. Như vậy, chắc chắn trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhiều, CMCN 4.0 hiện nay thì định hướng thu hút đầu tư nước ngoài sẽ có khác biệt so với trước đây, đặc biệt là thời kỳ đầu của 30 năm đầu tư nước ngoài.

Thưa ông, được biết, hôm nay (4/10), Bộ KHĐT tổ chức sự kiện thu hút đầu tư nước ngoài FDI 30 năm, sự kiện này có gì đặc biệt và Bộ KHĐT có những kỳ vọng như thế nào?

30 năm là quãng thời gian dài và cũng là thời điểm chúng ta nhìn lại chặng đường dài sự nghiệp Đảng và Nhà nước mở ra mời gọi nguồn lực bên ngoài vào hỗ trợ đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Những thành quả đem lại rất nhiều nhưng bên cạnh đó cũng có những hạn chế nhất định. Đây là thời điểm hợp lý để chúng ta tổ chức diễn đàn để nhìn nhận lại những gì đã đạt được và những gì còn hạn chế của nguồn vốn đầu tư nước ngoài với đất nước ta và quan trọng nhất là đưa ra định hướng mới cho đầu tư nước ngoài, nhất là trong giai đoạn CMCN 4.0 diễn biến nhanh chóng. Đặc biệt, hướng dịch chuyển của nguồn vốn và công nghệ thay đổi chứ không phải 1 chiều như trước. Đây là dịp để cơ quan địa phương, bộ ngành và nhà nước có định hướng rõ ràng làm kim chỉ nam hoạt động liên quan đến đầu tư nước ngoài trong các ngành, lĩnh vực và địa bàn cụ thể là những gì chúng tôi kỳ vọng

Hội nghị ngày 4/10 là sự kiện mang ý nghĩa lịch sử, trong hội nghị này, đại diện DN, tập đoàn lớn trên thế giới vào Việt Nam chứng kiến kết quả 30 năm vừa qua chúng ta đạt được và có thể họ sẽ đưa những cam kết về đầu tư của họ vào Việt Nam trong thời gian tới.

Trân trọng cảm ơn ông!
 

Trang Thu/Báo Tin tức
 9 tháng năm 2018, vốn FDI vào Việt Nam đạt 25,37 tỷ USD
9 tháng năm 2018, vốn FDI vào Việt Nam đạt 25,37 tỷ USD

9 tháng năm 2018, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 25,37 tỷ USD, bằng 99,6% so với cùng kỳ năm 2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN