Theo đó, từ ngày 1/1/2017, những doanh nghiệp này được phép xuất khẩu gạo sang Trung Quốc và mốc thời gian tính từ ngày hàng rời cảng của Việt Nam. Đây là những doanh nghiệp có đủ điều kiện về cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống quản lý chất lượng, phù hợp với Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc và những yêu cầu khác của phía Trung Quốc về quản lý chất lượng đối với gạo nhập khẩu.
Theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, việc 22 doanh nghiệp đủ điều kiện xuất khẩu gạo sang Trung Quốc là cơ hội tốt để đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường này trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây cũng là cơ sở để các doanh nghiệp chưa đủ điều kiện có lộ trình nâng cao năng lực chế biến, có vùng nguyên liệu ổn định để đảm bảo nguồn hàng chất lượng. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi khi xuất khẩu sang Trung Quốc mà còn sang các thị trường khác, bởi gạo là một trong những mặt hàng có tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm khá cao.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, thông tin này cũng là một tin vui cho xuất khẩu gạo Việt Nam, khi Thái Lan vừa qua đợt kiểm tra tương tự, nhưng chỉ có 17/60 doanh nghiệp được Trung Quốc cấp phép.
Trước đó, từ ngày 15 đến 30/11/2016, đoàn công tác của Tổng cục Kiểm nghiệm Kiểm dịch và giám sát chất lượng quốc gia Trung Quốc đã kiểm tra thực tế tại 31 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và chế biến gạo Việt Nam về cơ sở hạ tầng, hệ thống quản lý chất lượng theo Nghị định thư về kiểm dịch thực vật đối với gạo Việt Nam xuất sang Trung Quốc đã được ký kết. 31 doanh nghiệp này là những doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu gạo qua Trung Quốc được Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổng hợp đề xuất.
Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu gạo chính của Việt Nam, chiếm khoảng 35% thị phần xuất khẩu. Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm khá mạnh.