120 công ty của 12 quốc gia tham gia Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt may 2018

Ngày 19/9, tại Trung tâm Triển lãm Quốc tế ICE - 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội đã diễn ra khai mạc Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt may - HanoiTex 2018 do Công ty Triển lãm CP Hongkong (CP Exhibition) phối hợp với Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) tổ chức.

Chú thích ảnh
Khách tham quan gian trưng bày máy cắt may tự động tại triển lãm. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

HanoiTex 2018 thu hút gần 120 công ty đến từ 12 quốc gia và lãnh thổ như: Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pakistan, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Việt Nam...với  tổng diện tích trưng bày trên 6.000 m2.

Triển lãm đã giới thiệu các sản phẩm vải in hoa, nhuộm màu, nhuộm hoàn tất đến vải dệt công nghệ cao, vải micro-fibre, sợi, lụa, các nguyên liệu sử dụng sợi tre, sợi đay, nguyên liệu dệt kim chống khô, các loại vải không dệt, vải cotton 100% chỉ số cao…Đồng thời, triển lãm cũng giới thiệu các thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại tự động hóa cao, các loại máy may, thêu, thiết bị nhuộm, hoá chất nhuộm và nhiều loại phụ liệu khác.

Phát biểu tại khai mạc HanoiTex 2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, ngành dệt may Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng đáng mừng, nhưng năm 2018 tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với ngành trong giai đoạn cần sự bứt phá chuyển mình để tiến lên một vị thế mới, một vai trò mới trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu. Đó  là, chuyển từ sản xuất gia công (CMT) sang mua nguyên liệu, bán thành phẩm (FOB), sản xuất theo thiết kế và thương hiệu riêng (ODM và OBM) với mong muốn mang lại giá trị cao hơn trong chuỗi cung ứng.

Chú thích ảnh
Gian trưng bày máy đính khuy tự động đến từ Hàn Quốc. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Bên cạnh đó, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng có tác động lớn đến ngành dệt may, buộc các doanh nghiệp phải thay đổi và đầu tư mạnh mẽ hơn cho thiết bị, cũng như nhân sự. Bài toán đối với ngành dệt may hiện nay không còn là số lượng đơn hàng, giá trị đơn hàng và mức tăng trưởng, mà thay vào đó là không ngừng đổi mới công nghệ, thiết bị, đào tạo nhân sự kỹ thuật, thiết kế, đội ngũ quản lý đơn hàng, đội ngũ marketing với trình độ cao hơn.

Cùng với hỗ trợ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, HanoiTex 2018 là một trong những hoạt động thiết thự chỗ trợ phát triển ngành dệt may Việt Nam. HanoiTex 2018 sẽ giúp các doanh nghiệp dệt may có cơ hội tham quan, tìm hiểu, lựa chọn thiết bị có trình độ công nghệ hiện đại được sản xuất từ các nước công nghiệp tiên tiến để định hướng đầu tư thêm công nghệ mới. Điều này nhằm tăng dần tỷ lệ nội địa hoá và có thêm nguồn nguyên phụ liệu, chủ động đáp ứng nhu cầu của khách mua hàng nước ngoài, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm.

Chú thích ảnh
Gian trưng bày máy may đến từ Hàn Quốc. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Từ đó, góp phần vào việc phát triển ngành dệt may Việt Nam, hội nhập hiệu quả hơn với khu vực và quốc tế. Đây cũng là cơ hội thuận lợi để các tổ chức, doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực tài chính, đầu tư, sản xuất - kinh doanh trong và ngoài nước gặp gỡ đối tác, quảng bá thương hiệu, tìm kiếm bạn hàng, mở rộng thị trường và xây dựng chiến lược đầu tư, hợp tác lâu dài.

Bên lề HanoiTex 2018 cũng sẽ diễn ra hội thảo với những chủ đề và thời gian như: Hội thảo “ Xây dựng Chuỗi liên kết Sợi – Dệt - May”;  “ Chương trình Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành dệt may đáp ứng nhu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4”.

Dự kiến, triển lãm sẽ kết thúc ngày 21/9/2018 .

Hằng Trần (TTXVN)
Triển lãm 'Biển, đảo và Người chiến sĩ Hải quân'
Triển lãm 'Biển, đảo và Người chiến sĩ Hải quân'

Ngày 19/9, tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), Quân chủng Hải quân Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tổ chức triển lãm với chủ đề “Biển, đảo và Người chiến sĩ Hải quân” - “ Điện Biên chung sức xây dựng và bảo vệ chủ quyền biên giới - Biển, đảo Tổ quốc”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN