Thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy tính đến hết tháng 10/2014, con số xuất siêu đã đạt mức 1,87 tỷ USD. Bà Phan Thị Diệu Hà, Cục Phó Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định rằng: Con số xuất siêu này đã góp phần tích cực trong việc bảo đảm dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời là tín hiệu chứng tỏ nền sản xuất trong nước tiếp tục có dấu hiệu phục hồi.
Theo thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 10 đạt 13,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với tháng trước. Như vậy, tính gộp cả 10 tháng thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 123,1 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 40,6 tỷ USD, tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 82,5 tỷ USD, tăng 13,6%.
Tiếp theo đà tăng của những tháng trước, một số mặt hàng chủ lực tiếp tục tăng trưởng ở mức khá cao như điện thoại các loại và linh kiện đạt 19,2 tỷ USD, tăng 6,9%; dệt may đạt 17,6 tỷ USD, tăng 19,3%; giày dép đạt 8,2 tỷ USD, tăng 23,1%; thủy sản đạt 6,5 tỷ USD, tăng 20,6%; gỗ và sản phẩm gỗ đạt 5 tỷ USD, tăng 13,3%... Điện thoại và dệt may tiếp tục khẳng định vị thế là 2 mặt hàng dẫn đầu trong kim ngạch xuất khẩu và dự kiến 2 mặt hàng này sẽ vượt mốc 20 tỷ USD.
Xét về thị trường, sau 10 tháng, Hoa Kỳ tiếp tục khẳng định vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 23,4 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2013. Tiếp theo là EU đạt 22,6 tỷ USD, tăng 12,8%; ASEAN đạt 15,5 tỷ USD, tăng 0,5%; Trung Quốc đạt 12,5 tỷ USD, tăng 16,2%; Nhật Bản đạt 12,3 tỷ USD, tăng 10,9%; Hàn Quốc đạt 6,1 tỷ USD, tăng 10,9%...
Tính chung 10 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 121,2 tỷ USD, tăng 11,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu 68,7 tỷ USD, tăng 10,7%; khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 52,5 tỷ USD, tăng 12%. Điểm đáng mừng trong kết quả nhập khẩu 10 tháng qua là kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất chiếm tỷ trọng lớn có mức tăng cao so với cùng kỳ năm trước như máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng tăng 20,4%; vải tăng 13,4%; nguyên phụ liệu dệt, may, giày dép tăng 24,8%...
Trong các thị trường nhập khẩu thì Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 35,6 tỷ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo đánh giá của bà Phan Thị Diệu Hà, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu thời gian qua cao hơn tốc độ tăng nhập khẩu. Những tháng cuối năm lại thường là thời điểm kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao hơn những tháng đầu năm, nên nếu không có yếu tố đột biến, khả năng xuất khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 148 tỷ USD, tăng khoảng 12% so với năm 2013 (cao hơn mục tiêu tăng 10% do Quốc hội đề ra). Nhập khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 146,5 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2013.
Uyên Hương