Thống kê từ Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong tháng 8 cả nước đã xuất siêu nhẹ với 100 triệu USD. Theo đó, nếu gộp chung cả 8 tháng năm 2014, Việt Nam đã xuất siêu khoảng 1,7 tỷ USD.
Vị thế của Việt Nam trong buôn bán quốc tế đã được cải thiện đáng kể thông qua các con số xuất siêu. |
Bà Phan Thị Diệu Hà, Cục Phó Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định rằng: Đây là tín hiệu chứng tỏ nền sản xuất trong nước tiếp tục có dấu hiệu phục hồi. Con số xuất siêu này đã góp phần tích cực trong việc bảo đảm dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô.
Thống kê từ Cục này cũng cho thấy kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trong tháng 8 đạt 13 tỷ USD, tăng 10,2% so với tháng 8 năm 2013. Như vậy, nếu tính chung cả 8 tháng thì tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả nước đạt 96,98 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng lưu ý, khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đạt 31,75 tỷ USD, chiếm 32,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Còn lại kim ngạch xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 65,23 tỷ USD, tăng 15,6%.
Cơ cấu của nhóm ngành hàng ngày càng đa dạng và đều đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2013. Riêng nhóm hàng công nghiệp chế biến có mức tăng trưởng cao nhất chiếm 72,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, xuất khẩu của nhóm hàng nông lâm thủy sản cũng có mức tăng trưởng cao như thủy sản, cà phê, hạt tiêu, rau quả…
Nhìn nhận về thị trường, bà Phan Thị Diệu Hà cho biết: Hòa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 18,5 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm 2013; tiếp đến là EU với 17,9 tỷ USD, tăng 13,3%; ASEAN đạt 12,4 tỷ USD, tăng 0,5%...
Song hành với xuất khẩu, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trong tháng 8 đạt 12,9 tỷ USD, tăng 14,3% so với tháng 7. Đặc biệt, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 53,37 tỷ USD, tăng 10,9%, chiếm tỷ trọng 56% tổng kim ngạch hập khẩu cả nước. Ngoài ra, kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 41,92 tỷ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2013.
Theo đánh giá của bà Phan Thị Diệu Hà, lượng hàng hóa nhập khẩu từ đầu năm đến nay vẫn tập trung chủ yếu vào nhóm hàng cần cho sản xuất, tiêu dùng trong nước và các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, về thị trường vẫn tập trung chủ yếu vào Trung Quốc với kim ngạch đạt 27,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2013 nhưng đã thấp hơn mức tăng 27% của cùng kỳ năm ngoái.
Uyên Hương