10 sự kiện nổi bật của ngành Tài chính năm 2016

Ngày 3/1, Bộ Tài chính đã công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành tài chính năm 2016.

1.Bộ Chính trị và Quốc hội ban hành các Nghị quyết riêng về cơ cấu lại ngân sách nhà nước (NSNN) và quản lý nợ công; kế hoạch tài chính 5 năm Quốc gia giai đoạn 2016-2020 trong đó xác định rõ mục tiêu, giải pháp nhằm đảm bảo nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Ngày 18/11/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”. Ngày 9/11/2016, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 25/2016/QH 14 về Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016- 2020.

Đây là những Nghị quyết vô cùng quan trọng đã xác định rõ những mục tiêu, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế tài chính quốc gia, huy động, phân phối, quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, đáp ứng yêu cầu và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; từng bước cơ cấu lại thu-chi NSNN; cân đối giữa tích lũy và tiêu dùng, triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, đầu tư hợp lý cho con người và giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính; giảm mạnh và kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách, nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia.

2. Ngành tài chính hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2016 trong điều kiện kinh tế-xã hội có nhiều khó khăn. Thu ngân sách vượt dự toán; điều hành chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm và hiệu quả; việc sử dụng tiết kiệm tài sản công, khoán xe công qua đó tạo tiền đề để sửa đổi chế độ sử dụng tài sản công và xe công trong cả nước.

Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế tại Cục thuế tỉnh Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN


3. Hoàn thành 100% chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội…Năm 2016, Bộ Tài chính đã hoàn thành 100% chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh, Nghị quyết của Quốc hội, UBTV Quốc hội… Trong đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội cho ý kiến và thông qua những dự án luật quan trọng như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật quản lý thuế; Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 55/2010/QH12 ngày 24/12/2012 của Quốc hội về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp; cho ý kiến vào dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).

4. Ngành tài chính tiếp tục triển khai mạnh mẽ cải cách hành chính và hiện đại hóa công tác quản lý tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Những nỗ lực cải cách trong quản lý đã góp phần cắt giảm chi phí và thời gian thực hiện các thủ tục hành chính về tài chính, thuế, hải quan của người dân, doanh nghiệp, được cộng đồng doanh nghiệp, người dân và nhà đầu tư trong và ngoài nước đánh giá cao.
Theo kết quả công bố xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (chỉ số PAR INDEX), tại Hội nghị tổng kết đánh giá công tác cải cách hành chính của Chính phủ (ngày 17/8/2016), Bộ Tài chính tiếp tục giữ ngôi “Á quân” trong nhóm 19 bộ, ngành về cải cách hành chính. Đây là sự nỗ lực và chủ động của các đơn vị thuộc bộ trong việc thực hiện đồng bộ, toàn diện các giải pháp từ cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy, xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, cải cách tài chính công đến hiện đại hóa quản lý hành chính. Chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2016/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ.

Riêng lĩnh vực thuế, hải quan đã hoàn thành kế hoạch đơn giản hóa thủ tục hành chính, trong đó đã rà soát bãi bỏ 92 thủ tục hành chính, quy định mới 16 thủ tục; tiếp tục tăng cường kê khai thuế qua mạng cho các doanh nghiệp với số doanh nghiệp đăng ký kê khai qua mạng đạt gần 560 nghìn doanh nghiệp với khoảng 34 nghìn bộ hồ sơ kê khai đã được tiếp nhận, đạt hơn 99,7% số doanh nghiệp đang hoạt động. Mở rộng triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử với trên 538 nghìn doanh nghiệp đã đăng ký sử dụng, với tổng số tiền nộp vào ngân sách qua Cổng thông tin nộp thuế điện tử trong 11 tháng đầu năm là trên 328 nghìn tỷ đồng; thí điểm triển khai hoàn thuế điện tử trong Quý IV với 13 Cục Thuế (Hà Nội, Đồng Nai, Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh).

5. Thị trường chứng khoán Việt Nam tròn 20 năm hoạt động, công tác huy động vốn đạt mức cao nhất từ trước đến nay và Chỉ số VN-Index năm 2016 vượt đỉnh trong 8 năm gần đây. Chỉ số VN-Index năm 2016 đạt mức đỉnh trong 8 năm trở lại đây (kể từ tháng 3/2008), thanh khoản tăng mạnh, mức vốn hóa thị trường đạt mức cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là 1 trong 5 thị trường thế giới có mức tăng trưởng cao nhất và có mức sinh lời lớn nhất trong quý II/2016 tại khu vực Đông Nam Á. Tính đến cuối tháng 11/2016, chỉ số VN-Index tăng khoảng 13,8%, HNX-Index tăng khoảng 4% so với cuối năm 2015. Mức vốn hóa thị trường đạt 1.590 nghìn tỷ đồng, tương đương 38% GDP, tăng 17% so với cuối năm 2015; Thanh khoản thị trường tăng mạnh, giao dịch bình quân 1 phiên đạt gần 6.200 tỷ đồng, tăng 25% so với 2015...

6. Bộ Tài chính điều hành quyết liệt và xuất cấp kịp thời hỗ trợ các địa phương và nhân dân vùng bị thiên tai hạn hán, lũ lụt; hỗ trợ học sinh tại các trường ở khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và vùng bị sự cố môi trường biển. Đến nay, toàn ngành dự trữ Quốc gia đã xuất cấp tổng trị giá khoảng 2.048 tỷ đồng, trong đó đã xuất cấp tổng số 150.968 tấn gạo dự trữ để hỗ trợ nhân dân các địa phương gặp khó khăn.

7. Bộ Tài chính chủ động trong công tác quản lý, điều hành, bình ổn thị trường, giá cả, góp phần kiểm soát lạm phát năm 2016. Giá cả thị trường năm 2016 cơ bản bình ổn, không xảy ra biến động đột biến về giá. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2016 tăng 4,5% so với tháng 12/2015; bình quân 11 tháng đầu năm tăng 2,47% so với cùng kỳ năm trước. Dự kiến cả năm 2016 chỉ số giá tiêu dùng khoảng 5% so với tháng 12/2015, đạt mục tiêu đặt ra.

8. Bộ Tài chính đã hoàn thành kế hoạch huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2016 với khối lượng huy động kỷ lục và kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên chiếm 91,1% tổng khối lượng phát hành. Khối lượng phát hành đạt được là rất tích cực, tính đến hết ngày 19/12/2016 đã đạt được kế hoạch huy động cả năm, trong đó 91% tổng khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên (vượt mục tiêu của Quốc hội đề ra là 70% khối lượng phát hành có kỳ hạn từ 5 năm trở lên). Kỳ hạn phát hành trái phiếu bình quân đạt 8,68 năm (cao hơn 1,70 năm so với kỳ hạn phát hành bình quân của năm 2015), nâng kỳ hạn bình quân của cả danh mục TPCP đến 19/12/2016 là 5,63 năm (thời điểm 31/12/2015 là 4,44 năm).

9. Lập nhiều chiến công chống buôn lậu, gian lận thương mại

Từ 16/12/2015 đến 15/11/2016, toàn lực lượng hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ, xử lý 18.247 vụ việc vi phạm (giảm 20,84% so với cùng kỳ năm 2015), trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 378 tỷ đồng (tăng 3,65%), thu ngân sách đạt hơn 156 tỷ đồng (tăng 36,58% so với cùng kỳ năm 2015). Đề nghị cơ quan khác khởi tố 87 vụ; Ban hành 25 quyết định tịch thu hàng vô chủ do không xác định được chủ sở hữu; Xử lý 192/208 container hàng hóa vi phạm.

10. Hợp tác tài chính được mở rộng với việc tiếp nhận vai trò chủ trì tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC năm 2017. Năm 2016, Việt Nam đã ký kết 11 Hiệp định Thương mại tự do song phương và đa phương, kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU), đang triển khai đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP), Việt Nam-Israel, Việt Nam-Cu Ba, ASEAN-Hồng Kông (Trung Quốc)…, cùng các nước ASEAN thực hiện các hành động xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Minh Phương
Tổng thu ngân sách của Hà Nội vượt 3,8% dự toán
Tổng thu ngân sách của Hà Nội vượt 3,8% dự toán

Ngày 31/12, ông Đào Thái Phúc, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố Hà Nội thông tin, tổng thu ngân sách trên địa bàn là 175.785 tỷ đồng, vượt 3,8% so với dự toán; trong đó, thu nội địa là 156.998 tỷ đồng, vượt 3,2% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 16.866 tỷ đồng, vượt 12,5% dự toán; thu từ dầu thô 1.921 tỷ đồng, bằng 83,5% dự toán.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN