Hiện, lũy kế số thu NSNN từ đầu năm đến 25/12/2016 đạt 261.490 tỷ đồng, bằng 96,82% dự toán năm; bình quân thu được 1.255 tỷ đồng/ngày làm việc.
Theo Tổng cục Hải quan, có nhiều nguyên nhân khiến số thu ngân sách chưa đạt như kỳ vọng. Cụ thể, giá dầu thô giảm so với khi xây dựng dự toán (xây dựng dự toán là 60 USD/thùng; thực tế 10 tháng bình quân đạt 43,5 USD/thùng), làm giảm thu từ dầu thô xuất khẩu.
Thu ngân sách ngành hải quan đạt gần 97% dự toán. Ảnh: TTXVN |
Riêng đối với mặt hàng xăng dầu nhập khẩu ngoài ảnh hưởng bởi giá giảm còn do thực hiện các Hiệp định FTAs nên thuế suất các thị trường Hàn Quốc, ASEAN thấp hơn so với thuế suất MFN (thuế suất ưu đãi áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu có xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam). Do đó, các doanh nghiệp chuyển hướng sang nhập khẩu từ các thị trường có thuế suất thấp làm giảm thu mạnh.
Mặt khác, dự toán 2016 được xây dựng trên các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô GDP đầu năm dự báo là 6,7%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10%. Thực tế GDP năm 2016 chỉ đạt khoảng 6%, kim ngạch xuất khẩu chỉ tăng khoảng 7% cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh không đạt như kỳ vọng; làm ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước của ngành hải quan.
Từ năm 2017 trở đi sẽ ngày càng có nhiều dòng thuế của các mặt hàng sẽ được điều chỉnh và giảm dần về 0%. Như vậy, nhìn vào cơ cấu thu của ngành hải quan: thuế xuất khẩu, nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng dễ nhận thấy, hai sắc thuế có khả năng bù đắp nguồn thu trong những năm tới chính là thuế Bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Nếu muốn đảm bảo ngân sách, cơ cấu nguồn thu cần có sự điều chỉnh hợp lý.
Ông Lê Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục thuế Xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan cho biết, hiện thu thuế giá trị gia tăng được áp dụng theo Luật Thuế giá trị gia tăng. Số thu của sắc thuế này tăng chỉ phụ thuộc vào kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá. Mức thuế quy định rõ trong luật và chưa có chính sách sửa đổi. Mức thuế giá trị gia tăng đang áp dụng là 5% và 10%; mức này tương đối thấp so với các nước trong khu vực. Một số nước áp dụng mức là 12%.
Hiện ngành hải quan áp dụng giải pháp để tăng thu: tạo thuận lợi về thủ tục cộng đồng doanh nghiệp giảm chi phí để tăng hoạt động xuất nhập khẩu; biện pháp chống gian lận thương mại... Tuy nhiên, ông Hùng cũng cho rằng, đây chỉ là những biện pháp truyền thống, nếu không có sự thay đổi cơ cấu thu rất khó thu ngân sách trong lĩnh vực hải quan những năm tới.
Bên cạnh đó, ngành hải quan tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thông qua việc kịp thời tháo gỡ khó khăn; vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu số 107/2016/QH13. Đồng thời, toàn ngành chủ động rà soát, kiểm tra mặt hàng có thuế suất cao, kim ngạch lớn, các mặt hàng trọng điểm. Từ đó xác định các dấu hiệu nghi vấn khai số lượng, trị giá thuế suất để đảm bảo thu đúng, thu đủ tiền thuế vào ngân sách nhà nước.