Thực hiện Chỉ thị số 32 ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) và phát triển bền vững ngành thủy sản", các tỉnh ven biển phía Nam có chung đường bờ biển và ngư trường gồm: Ninh Thuận, Bình Thuận và Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai nhiều hoạt động với quyết tâm cùng cả nước thực hiện mục tiêu sớm gỡ cảnh báo "thẻ vàng" IUU; đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện sắp xếp lại nghề cá theo hướng phát triển bền vững, có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Để làm rõ vấn đề trên, nhóm phóng viên TTXVN đã thực hiện 2 bài viết với chủ đề: "Tổng lực chống khai thác IUU".
Để chống lại tình trạng khai thác IUU, các tỉnh ven biển phía Nam có chung ngư trường Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận và Ninh Thuận đang khẩn trương hoàn thành công tác quản lý đội tàu, đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản, đánh dấu tàu cá. Đồng thời, xử lý dứt điểm tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác hải sản) và thực hiện "3 đúng" (đúng vùng, đúng tuyến, đúng quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và quy định quốc tế) nhằm góp phần nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam.
Quản lý chặt tàu cá "3 không"
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 2.623 tàu cá hoạt động vùng khơi. Đến nay, số tàu cá lắp thiết bị giám sát hành trình đạt 97,48% (còn 73 tàu chưa lắp do nằm bờ không còn hoạt động). Để quản lý chặt chẽ đội tàu, địa phương đã hoàn thành vẽ số đăng ký tạm cho 1.140 tàu cá "3 không" để quản lý, giám sát; đồng thời hướng dẫn cho các chủ tàu cá "3 không" chuẩn bị hồ sơ khai báo thuế trước bạ và hồ sơ để đăng ký theo quy định, dự kiến trước ngày 30/12 sẽ hoàn thành cấp giấy đăng ký cho 100% tàu cá.
Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, không chỉ tàu cá "3 không" mà các tàu cá khác đã đăng ký nhưng chưa đáp ứng điều kiện xuất bến như chưa đăng kiểm, chưa có giấy phép, chưa lắp máy giám sát hành trình, hoặc các dạng lỡ mua, lỡ bán nằm bờ không hoạt động đều đưa về khu neo đậu để các Đồn, Trạm biên phòng địa phương tập trung quản lý, không cho xuất bến.
Trong khi đó, tỉnh Bình Thuận đã hoàn thành 100% việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho 1.943 tàu cá đang hoạt động dài từ 15m trở lên thuộc diện phải lắp đặt, giúp tăng cường khả năng theo dõi và kiểm soát hoạt động khai thác trên biển. Đến nay, có 2.166 tàu cá "3 không" đã làm thủ tục hồ sơ để đăng ký, đạt 85,6% trong tổng số tàu đã công bố.
Theo ông Huỳnh Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận, để ngăn chặn hiệu quả tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã rà soát, thống kê, lập danh sách 173 tàu cá thuộc diện nguy cơ; trong đó, 86 tàu cá thuộc diện nguy cơ cao theo dõi đặc biệt, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương phân công đơn vị chức năng theo dõi, giám sát chặt chẽ; đồng thời triển khai nhiều mô hình, giải pháp để nâng cao hiệu quả quản lý, giám sát đội tàu như: Mô hình "mỗi biên phòng giám sát 3 tàu cá" ở Đồn Biên phòng Phước Hội (thị xã La Gi); nhóm phản ứng nhanh ở huyện đảo Phú Quý; đội giám sát IUU xã Tân Thuận (huyện Hàm Thuận Nam)...
Đối với Ninh Thuận, toàn tỉnh hiện có 2.384 tàu cá từ 6 m trở lên; trong đó, có 885 tàu có kích thước từ 15 m trở lên. Số lượng tàu đang hoạt động là 876 tàu, tất cả đều được trang bị thiết bị giám sát hành trình. Để quản lý chặt chẽ đội tàu cá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực triển khai đăng ký và quản lý các tàu cá và đã có gần 90 tàu/417 tàu cá "3 không" đã được đăng ký và dự kiến sẽ hoàn thành việc đăng ký cho toàn bộ nhóm tàu này trước ngày 30/12. Đến nay, không có trường hợp tàu cá Ninh Thuận tham gia khai thác hải sản trên biển xâm phạm, vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, trả về.
Tích cực hưởng ứng chống khai thác IUU
Nhờ sự giám sát chặt chẽ kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền của các đơn vị, chính quyền địa phương, nhận thức của ngư dân về chống khai thác IUU đã và đang có những chuyển biến tích cực. Ông Huỳnh Văn Minh (xã Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, là một ngư dân sống nhờ biển nên ông ý thức rất lớn về việc gỡ "thẻ vàng" IUU. Hiện nay, ngoài tuân thủ các thủ tục, yêu cầu của cơ quan chức năng trước khi ra khơi đánh bắt ông còn áp dụng phần mềm truy xuất điện tử eCDT để thay thế cho việc ghi chép nhật ký khai thác thủ công trước đây.
Ông Minh cho hay, từ khi thực hiện khai báo trên phần mềm eCDT thì tất cả các thông tin như sản lượng, loại hải sản, vùng biển đánh bắt, người thu mua… đều thể hiện trong app. Phần mềm này đăng nhập, khai báo rất thuận lợi.
"Hành nghề đánh bắt xa bờ mình chỉ tránh xa vùng cấm khai thác là được, sau đó nhập thông tin đánh bắt vào app. Làm nghề đánh bắt xa bờ như ngư dân chúng tôi thì phải khai báo rõ ràng, mình vi phạm sẽ bị phạt, làm sao đừng vi phạm ảnh hưởng đến việc gỡ thẻ vàng EC của Việt Nam", ông Minh chia sẻ.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu hiện có 170 doanh nghiệp tham dự trong lĩnh vực chế biến thủy sản; trong đó, 50 doanh nghiệp xuất khẩu sang châu Âu, Nga, Nhật, Hàn Quốc với kim ngạch đạt 342 triệu USD/năm. Thực hiện khuyến nghị của EC, hai năm qua các doanh nghiệp chế biến thủy sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã cam kết chỉ thu mua nguyên liệu tại các tàu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, nói không với các loài hải sản quý hiếm, không thu mua các loại hải sản nhỏ hơn quy định.
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Baseafood (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, sản phẩm của công ty đã có mặt tại 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thời gian qua, việc thu mua nguyên liệu của công ty đối với các tàu cá trên địa bàn tỉnh, công ty đã được các chủ tàu cá cung cấp đầy đủ giấy tờ truy xuất nguồn gốc cho phía doanh nghiệp khi thu mua nguyên liệu.
"Đây là việc làm khó nhưng tôi nghĩ bắt buộc phải làm, giữa ngư dân và doanh nghiệp cùng hợp sức với nhau thì thời gian tới sẽ sớm gỡ được "thẻ vàng" IUU của EC", ông Dũng nói.
Kiểm tra hồ sơ tàu cá, nhật ký khai thác, hành trình chuyến biển tại văn phòng các cảng cá chính là cách để ngăn chặn khai thác bất hợp pháp IUU. Đây là công việc bắt buộc đối với mỗi chủ tàu cá ở tỉnh Ninh Thuận phải thực hiện trước và sau mỗi chuyến biển.
Ngư dân Nguyễn Thanh Hiền (xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) chia sẻ: "Tàu cá của nhà tôi mang số hiệu NT 91334 TS, đã được lắp thiết bị giám trình hành trình 3 năm nay. Từ khi tàu cá rời cảng đến khi cập cảng phải bật thiết bị giám sát hành trình liên tục 24/24 giờ để lực lượng chức năng theo dõi, giám sát, cảnh báo để tàu không xâm nhập vùng biển nước ngoài. Trường hợp mất tín hiệu, ngư dân phải báo cho đơn vị đơn vị cung cấp thiết bị giám sát hành trình xử lý. Nếu để mất tín hiệu kéo dài, tàu cá khi vào bờ sẽ bị phạt nặng nên bà con chấp hành nghiêm túc".
Trực tiếp kiểm tra hồ sơ khai thác của ngư dân, ông Nguyễn Phạm Lưu Hiển, Trưởng Cảng cá Đông Hải (huyện Ninh Hải, Ninh Thuận) cho biết, đơn vị cắt cử lực lượng trực, tổ chức làm việc 24/24 giờ, kể cả Thứ 7, Chủ nhật và ngày lễ để phục vụ ngư dân. Qua kiểm tra, đa số các chủ phương tiện, ngư dân đều thực hiện tốt quy định phòng, chống trong khai thác IUU. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện phương tiện không đủ điều kiện, đơn vị phối hợp với Chi cục Thủy sản không cho phương tiện xuất bến và chờ bổ sung đầy đủ thủ tục, hồ sơ mới cho chủ phương tiện xuất bến.
Ông Nguyễn Văn Chiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, nhờ kết hợp tuyên truyền, kiểm tra, giám sát vừa thực hiện các biện pháp chế tài gắn trách nhiệm của từng cấp, từng ngành và người đứng đầu mà đến nay ngư dân trong tỉnh đã có nhiều chuyển biến trong việc chấp hành các quy định về chống khai thác IUU. Ngư dân đã chấp hành khai báo trước khi rời, cập cảng, ghi nộp nhật ký khai thác; từng bước nâng cao nhận thức của ngư dân về nghề cá có trách nhiệm.
Nhờ đó, tình trạng tàu cá vi phạm pháp luật về khai thác thủy sản đã giảm đáng kể. Đặc biệt từ giữa năm 2023 đến nay, Bình Thuận không xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài hoặc bị nước ngoài bắt giữ.
Xử lý nghiêm vi phạm khai thác IUU
Mặc dù việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đã được triển khai rộng rãi, song tình trạng tàu cá mất kết nối vẫn diễn biến phức tạp. Bên cạnh những nguyên nhân khách quan như sự cố kỹ thuật, điều kiện thời tiết, một bộ phận chủ tàu cố tình ngắt kết nối VMS, đặc biệt khi hoạt động gần vùng biển giáp ranh hoặc chuyển đổi thiết bị giữa các tàu. Hành vi này không chỉ gây khó khăn cho quản lý, kiểm soát mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ như xâm phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản bất hợp pháp.
Thời gian qua, Trung tâm giám sát tàu cá tỉnh Bình Thuận đã tăng cường theo dõi, giám sát, lũy kế đến nay phát hiện 1 lượt/1tàu cá vượt ranh giới trên biển (đã quay lại vùng biển Việt Nam); 5.528 lượt/717 tàu mất kết nối trên biển trên 6 giờ (đã phát hành 277 thông báo, xác minh 699 tàu, xử phạt 1 trường hợp); có 134 lượt/134 tàu cá mất kết nối trên biển trên 10 ngày (đã phát hành 17 thông báo, xác minh 61 trường hợp, xử phạt 21 trường hợp). Từ đầu năm 2024 đến nay, cơ quan chức năng tỉnh Bình Thuận đã phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính 372 vụ với tổng số tiền gần 3 tỷ đồng liên quan đến các vi phạm trong khai thác IUU.
Tại Ninh Thuận, từ đầu năm đến nay qua theo dõi từ hệ thống giám sát hành trình tàu cá, cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 3.000 lượt tàu cá bị mất kết nối VMS trên biển, Chi cục Thủy sản, Bộ đội biên phòng đã thông báo để chủ tàu, thuyền trưởng biết khắc phục kịp thời, đồng thời lập biên bản làm việc khi tàu trở về bờ. Lực lượng chức năng cũng đã phát hiện, xử lý 4 trường hợp tàu cá trong tỉnh, ngoài tỉnh vi phạm quy định về thiết bị giám sát hành trình (VMS), xử lý phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền 100 triệu đồng.
Trong khi đó, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cũng đã khởi tố 2 vụ liên quan đến hợp thức hóa hồ sơ tại Cảng cá Hưng Thái và Cảng xí nghiệp cơ khí tàu thuyền, 1 vụ việc liên quan đến gửi, vận chuyển thiết bị VMS của tàu cá (19 tàu cá tại xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tháo thiết bị VMS gửi trên tàu cá BTh 89576-TS), 1 vụ xuất cảnh trái phép đưa tàu cá đi khai thác bất hợp pháp (theo quy định tại Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao) và mới đây nhất vào ngày 17/9, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh bắt tạm giam đối với bốn ngư dân về tội "cản trở hoặc gây rối hoạt động của phương tiện điện tử", gửi thiết bị, vận chuyển thiết bị VMS trên tàu cá.
Để ngăn chặn các tàu cá vi phạm khai thác IUU, giám sát chặt chẽ tàu các nguy cơ cao, kịp thời ngăn chặn từ sớm, từ xa, kiên quyết không để tàu cá của địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài, UBND các tỉnh yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương, nhất là chính quyền cơ sở (cấp huyện, cấp xã) tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, yêu cầu các chủ tàu, thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài; phát huy vai trò của các tổ chức hội, đoàn thể tham gia tuyên truyền, nắm tình hình, giám sát đối tượng nguy cơ cao (gồm tàu cá, thuyền trưởng, lao động trên tàu cá), vận động nhân dân tố giác các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ để chủ động ngăn chặn kịp thời.
Thực hiện đợt cao điểm chống khai thác IUU, các tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Bà Rịa – Vũng Tàu thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ (tại Chỉ thị 32-CT/TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư và Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22/4/2024 của Chính phủ), ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về IUU và các văn bản khác có liên quan. Các cơ quan chức năng tiếp tục khẩn trương tập trung điều tra, củng cố hồ sơ để đề nghị truy tố, đưa ra xét xử các trường hợp vi phạm khai thác IUU theo Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân tối cao để tạo sức răn đe.
Bài cuối: Phát triển tàu cá bền vững và có trách nhiệm