Với chiếc tàu vỏ gỗ công suất 822 CV, có tổng kinh phí đóng mới 12,7 tỷ đồng; trong đó nguồn vốn vay theo Nghị định 67 là 7,8 tỷ đồng, anh Viên Đình Hiền (Quảng Cư - Sầm Sơn) chủ nhân của chiếc tàu vỏ gỗ hạ thủy đầu tiên của tỉnh cho biết, sau 7 tháng đưa tàu vào hoạt động đánh bắt cá đã mang lại rất nhiều thuận lợi cho gia đình anh.
“Điều quan trọng nhất chiếc tàu mang lại là độ an toàn, đảm bảo tính mạng cho ngư dân. Bên cạnh đó, tàu của chúng tôi có trang thiết bị, công cụ không thua kém gì tàu cá của nước ngoài, nên an tâm trong mỗi chuyến đi đánh bắt xa bờ”, anh Hiền chia sẻ.
Ngư dân Sầm Sơn, Thanh Hóa nâng cấp tàu thuyền vươn khơi. Ảnh: Quang Quyết – TTXVN |
Anh Viên Đình Hiền cho biết, nhờ nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị định 67, sự hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời của các ngành chức năng và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh Sầm Sơn, gia đình anh đã thực hiện được ước mong đóng được con tàu công suất lớn, đủ điều kiện vươn khơi bám biển.
Theo anh Hiền, hiện sau mỗi chuyến đi gia đình anh thu lãi hơn 100 triệu đồng sau khi đã trừ các chi phí của chuyến đi, trả lương cho công nhân (thuyền của anh có 10 công nhân với mức lương 9 triệu/đồng/người/tháng) và tiền lãi, gốc cho ngân hàng.
Tuy nhiên, anh Viên Đình Hiền mới trả lãi cho ngân hàng được 3 tháng gần đây, và đến tận tháng 6 năm sau mới phải trả gốc cho ngân hàng vì được hưởng ưu đãi theo chương trình.
“Thời gian tới nếu Nhà nước vẫn tiếp tục thực hiện chính sách này thì gia đình sẽ vay để đóng tiếp những con tàu mới. Hiện gia đình tôi có 4 tàu vỏ gỗ nằm trong dự án; trong đó có 3 tàu bỏ vốn đóng chung thì có 1 tàu đã chạy và 2 tàu còn lại dự kiến tháng 9/2016 sẽ hạ thủy”, anh Viên Đình Hiền cho biết thêm.
Từ khi thực hiện Nghị định 67, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt 8 đợt danh sách với 83 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới tàu cá và tàu dịch vụ khai thác hải sản xa bờ.
Thanh Hóa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phân bổ 94 tàu đóng mới theo Nghị định 67. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm, tỉnh đã phê duyệt thêm 18 chủ tàu cá đủ điều kiện đóng mới. Số tàu hạ thủy là 11. Như vậy, đến cuối tháng 6 toàn tỉnh đã có 18 tàu được hạ thủy.
Đến thời điểm cuối tháng 6/2016, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã ký hợp đồng tín dụng với 36 chủ tàu, tổng số tiền cam kết cho vay là hơn 391 tỷ đồng và đã giải ngân được gần 204 tỷ đồng. Mức cho vay theo nhu cầu của khách hàng từ 65 - 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp tàu, tài sản đảm bảo là chính con tàu đang đầu tư.
Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Thanh Hóa cho biết sau gần hai năm triển khai, đã tổ chức tiếp cận đến 100% khách hàng theo danh sách phê duyệt của UBND tỉnh, tiến hành thẩm định sơ bộ khách hàng. Đến nay, ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng cho vay được 15 tàu, tổng chi phí trên 195 tỷ đồng; trong đó vốn ngân hàng đầu tư gần 152 tỷ đồng. Hiện ngân hàng đã giải ngân trên 89 tỷ đồng. Riêng trong 6 tháng đầu năm các ngân hàng cơ sở đã thẩm định trình Giám đốc Agribank Thanh Hóa phê duyệt cho vay 8 tàu với doanh số cho vay trên 46 tỷ đồng.
Anh Viên Đình Hiền mong muốn thời gian tới, Nhà nước sẽ hỗ trợ tiền dầu máy cho ngư dân trong những chuyến đánh bắt đến vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa, và vào những mùa mưa bão để giúp ngư dân có thể vươn khơi bám biển, bảo vệ chủ quyền đất nước.
Thuận lợi là thế nhưng việc triển khai thực hiện Nghị định 67 vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Lê Quang Tuyến, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ thủy sản tỉnh Thanh Hóa, khó khăn lớn nhất vẫn là vốn vay do các chủ tàu không chứng minh được nguồn tài chính để tham gia dự án.
Bên cạnh đó, nhiều chủ tàu cũng chưa tích cực, chủ động trong việc lựa chọn mẫu tàu (hoặc thiết kế tàu), tiếp cận với chi nhanh ngân hàng thương mại để lập hồ sơ vay vốn tín dụng đóng tàu. Các chủ tàu vẫn còn trông chờ, ỷ lại vào các cơ quan Nhà nước, hoặc chờ các chủ tàu khác làm trước để làm theo. Hay sau một thời gian dài lại đề nghị thay đổi loại tàu định đóng (từ vỏ sắt sang vỏ gỗ) và nghề khai thác (từ mành chụp sang nghề lưới rê).
Ngoài những khó khăn đến từ phía chủ tàu, ông Lê Quang Tuyến chỉ ra một số khó khăn về phía các ngân hàng thương mại khi thời gian xử lý hồ sơ xin vay vốn của các chủ tàu nộp về ngân hàng quá dài. Hay các ngân hàng yêu cầu chủ tàu thực hiện một số công việc mà khó hoàn thành được như: đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh lại kinh phí dự kiến trong Quyết định phê duyệt do tổng số vốn đề nghị vay vượt nhiều so với kinh phí dự kiến; yêu cầu chủ tàu phải có tài sản thế chấp để đảm bảo tiền vay; không cho vay khoản tiền nộp thuế giá trị gia tăng...
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ông Lê Quang Tuyến cho biết thời gian tới tỉnh Thanh Hóa sẽ tăng cường tuyên truyền để người dân nắm rõ về nội dung, quy định, quy trình, hồ sơ, thủ tục, từ đó lựa chọn nhóm chính sách phù hợp với điều kiện thực tế.