Thực hiện Chiến lược biển Việt Nam, tỉnh Tiền Giang coi trọng phát triển đội tàu đánh bắt hùng hậu. Cùng đó, đẩy mạnh chuyển giao những tiến bộ kỹ thuật để nâng cao hiệu quả khai thác nguồn lợi từ biển, giải quyết việc làm và thu nhập cho ngư dân mà còn góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo quê hương.
Nghề biển là nghề truyền thống của nhiều địa phương trong tỉnh như: thành phố Mỹ Tho, huyện Gò Công Đông, thị xã Gò Công, huyện Tân Phú Đông… đã giúp cho ngư dân tạo dựng nên cơ nghiệp bền vững. Gần đây, thực hiện chiến lược kinh tế biển gắn với an ninh quốc phòng, đồng thời phát huy tốt tiềm năng và thế mạnh ngành nghề truyền thống, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khuyến khích ngư dân chuyển hướng sang đầu tư nâng cấp, sửa chữa và đóng mới tàu thuyền công suất lớn, trang thiết bị hiện đại, đủ khả năng vươn ra khơi xa khai thác hải sản và chống việc khai thác cạn kiệt nguồn lợi.
Địa phương cũng triển khai nhanh và kịp thời những chính sách hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư đóng mới. Ngoài ra nâng cấp tàu thuyền, trang bị ngư lưới cụ và thiết vị hiện đại phục vụ nghề cá, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật mới giúp tăng sản lượng đánh bắt qua từng chuyến biển…
Theo đó, Tiền Giang đã xây dựng và đưa vào hoạt động hai cảng cá nằm trong hệ thống các cảng cá quốc gia, đó là cảng cá Vàm Láng tại huyện ven biển Gò Công Đông và cảng cá Mỹ Tho thuộc thành phố Mỹ Tho. Cùng đó, đầu tư xây dựng hai khu tránh trú bão cho tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản trên biển tại Đèn Đỏ (xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông) và thị trấn Vàm Láng (huyện Gò Công Đông).
Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang chuyển giao nhiều tiến bộ kỹ thuật mới trên lĩnh vực khai thác hải sản xa bờ mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đưa các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về kinh tế biển vào đời sống. Cụ thể như mô hình ứng dụng máy dò ngang Sonar trên tàu khai thác xa bờ giúp ngư dân đo độ sâu ngư trường đồng thời chủ động dò tìm đàn cá xung quanh tàu trong bán kính 400 m. Nhờ công nghệ này, sản lượng đánh bắt tăng hơn 50% so với khi chưa sử dụng máy dò ngang, hiệu quả tăng cao vừa tiết kiệm chi phí nhờ không phải tốn nhiều công sức di chuyển dò tìm đàn cá như trước.
Hay mô hình ứng dụng đèn tiết kiệm điện chuyên dùng trên tàu cá giúp ngư dân tiết kiệm đến 60% nhiên liệu so với dùng đèn không tiết kiệm điện, nâng cao sản lượng đánh bắt vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường… Mô hình lưới rê cá dưa và lưới rê hỗn hợp mở ra triển vọng mới cho ngư dân, giúp bà con chuyển đổi ngành nghề đúng hướng vừa mang lại hiệu quả kinh tế.
Trung tâm Khuyến nông Tiền Giang cũng xây dựng mô hình chuyển đổi từ sợi cước đơn của lưới cá đỏ sang dạng sử dụng nhiều sợi cước đơn tết lại (sợi cước xù) của lưới rê cá dưa và lưới rê hỗn hợp. Đây là loại lưới có độ nhạy cao, giúp tăng sản lượng đánh bắt lên gấp 3 – 4 lần so với trước. Mỗi chuyến biến kéo dài từ hai tháng rưỡi đến ba tháng, mội tàu thu lợi nhuận từ 400 - 600 triệu đồng. Nhờ vậy, làng nghề khai thác lưới cá đỏ ở Gò Công Đông không chỉ tránh được nguy cơ mai một mà còn phát triển theo hướng bền vững, ngư dân phấn khởi.
Phát triển và nhân rộng những mô hình liên kết trên biển, xây dựng đội tàu dịch vụ hậu cần phục vụ nghề đánh bắt xa bờ cũng là một nét mới trên lĩnh vực khai thác hải sản, tiếp thêm sức mạnh cho đội tàu khai thác tỉnh Tiền Giang trong nỗ lực bám biển quê hương. Toàn tỉnh hiện thành lập được 42 tổ hợp tác, 1 hợp tác xã khai thác trên biển thu hút nhiều tàu cá, tham gia và có 330 tàu chuyên làm dịch vụ hậu cần ngay trên biển như: thu mua sản phẩm, cung ứng vật tư, cung ứng nguyên liệu và nhu yếu phẩm phục vụ đánh bắt...
Theo ông Võ Văn Xồi, tổ trưởng Tổ hợp tác khai thác thủy sản Chí Tâm (ấp Xóm Lưới, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông), mô hình mới này giúp giảm chi phí, tăng thời gian bám biển khai thác, năng suất và hiệu quả đánh bắt tăng lên vừa đảm bảo an toàn và tương trợ lẫn nhau khi gặp rủi ro, thiên tai trên biển…
Bí thư Tỉnh ủy Tiền Giang Nguyễn Văn Danh cho biết, sau 10 năm thực hiện Chiến lược biển gắn với an ninh quốc phòng, địa phương đã phát triển đội tàu đánh bắt hải sản phát triển mạnh, đặc biệt là những đội tàu khai thác xa bờ đã góp phần tích cực trong việc giữ gìn chủ quyền biển, đảo và đảm bảo an ninh – quốc phòng trên biển.
Từ đầu năm đến nay, triển khai chương trình tín dụng cho vay phát triển thủy sản theo chủ trương Chính phủ, Tiền Giang đã cho vay đóng mới 32 tàu cá, nâng cấp 11 tàu cá với tổng doanh số cho vay 255,9 tỷ đồng. Nhờ vậy, giúp ngư dân tháo gỡ khó khăn về vốn, đầu tư phương tiện đủ mạnh và trang bị hiện đại vươn ra các vùng biển khơi xa của Tổ quốc, làm chủ ngư trường, khai thác hải sản làm giàu.
Sau mười năm thực hiện Chiến lược biển, sản lượng khai thác toàn tỉnh đã đạt trên 101.000 tấn thủy sản các loại/năm, gấp 1,34 lần so với năm 2008; trong đó, khai thác hải sản gần 97.500 tấn, với sản lượng hai nghề lưới kéo và lưới vây kết hợp ánh sáng chiếm đến trên 50% tổng sản lượng khai thác.
Theo ông Lê Văn Nghĩa, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tiền Giang, trong 9 tháng năm 2018, tỉnh đạt tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác trên 200.000 tấn thủy sản các loại, tăng 4,7% so cùng kỳ; trong đó, đã khai thác biển được gần 91.000 tấn hải sản, tăng gần 7% so cùng kỳ năm trước.