Tạo động lực lan tỏa từ phát triển vùng ven biển

Phát triển vùng ven biển sẽ tạo động lực lan tỏa hỗ trợ phát triển cho vùng sâu, vùng xa, trung du và miền núi, đồng thời tạo cơ sở phát triển một nền kinh tế biển vững chắc và lâu dài mang tầm chiến lược.

Khác với trên đất liền, không gian kinh tế biển rộng mở, tiềm năng không gian biển cho phát triển còn rất lớn, tập trung chủ yếu vào các mảng không gian vùng bờ (ven biển và ven bờ); không gian biển; không gian đảo và không gian đại dương.

Trong đó phát triển vùng ven biển sẽ tạo động lực lan tỏa hỗ trợ phát triển cho vùng sâu, vùng xa, trung du và miền núi, đồng thời tạo cơ sở phát triển một nền kinh tế biển vững chắc và lâu dài mang tầm chiến lược. Đây chính là tiền đề cho việc quyết định trong Chiến lược kinh tế biển tầm cỡ gắn với một nền quốc phòng và an ninh trên biển, phù hợp với xu thế phát triển của một quốc gia biển như nước ta.

Du lịch lồng bè nuôi cá luôn thu hút đông đảo du khách khi tới đảo Phú Quý, Bình Thuận. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Theo phân tích đánh giá của Tiến sĩ Hoàng Ngọc Phong, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển-Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Vùng ven biển là “bàn đạp’ tiến ra biển, là hậu phương hỗ trợ các hoạt động trên biển thông qua các trung tâm kinh tế hải đảo. Do đó dọc ven biển phải kiến tạo các cực phát triển lớn trong khu vực Biển Đông; các hành lang kinh tế biển để lôi kéo không chỉ nội vùng và lân cận, mà còn vào sâu nội địa và lan rộng ra ngoài biển.

Theo đó, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Phong đề xuất tổ chức lại 4 vùng biển và ven biển của Việt Nam, theo định hướng của Chiến lược khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Bao gồm vùng biển và ven biển phía Bắc từ Móng Cái đến Ninh Bình; vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ, duyên hải Trung Bộ từ Thanh Hóa đến Bình Thuận; vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Thành phố Hồ Chí Minh; vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ từ Tiền Giang-Cà Mau đến Hà Tiên.

Gắn kết chặt chẽ với các vùng nội địa

Vùng biển và ven biển Bắc Bộ là cửa ngõ ra biển của các tỉnh, thành phố phía Bắc. Vì vậy định hướng phát triển các ngành như công nghiệp đóng tàu ở Quảng Ninh-Hải Phòng; phát triển cảng Cái Lân, Hải Phòng và một số cảng khác ở 2 địa phương này, với tổng công suất đến năm 2020 đạt 120 triệu tấn/năm; khai thác tổng hợp tài nguyên du lịch biển đảo Hạ Long, Cát Bà-Đồ Sơn, cùng với khai thác dầu khí và hình thành khu dịch vụ dầu khí trong vùng.

Ngọn hải đăng Long Châu, nằm trên đảo Long Châu cách Cát Bà khoảng 10 hải lý về phía Đông Nam. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN

Việc tổ chức lại không gian kinh tế của tiểu vùng này phải đặt trong mối quan hệ tổng thể gắn kết chặt chẽ với các vùng nội địa. Cụ thể là xây dựng khu vực Hải Phòng-Hạ Long thành một trung tâm kinh tế biển mạnh, là đầu tầu lôi kéo cả vùng phát triển. Với việc xây dựng và hình thành Khu Vân Đồn và Đình Vũ, Cát Hải trở thành Khu kinh tế tổng hợp, là trung tâm hướng ra biển của phía Bắc theo 2 hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh và Nam Ninh-Lạng Sơn-Hà Nội-Hải Phòng và vành đai kinh tế Vịnh Bắc Bộ.

Hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp trên cơ sở kết hợp giữa sắp xếp lại các khu công nghiệp hiện có, với xây dựng các khu công nghiệp mới nhằm tạo ra bộ khung kinh tế cho tiêu vùng. Đối với các khu công nghiệp nằm trong các thành phố ven biển như Khu công nghiệp Cái Lân, Hải Phòng, chủ yếu đầu tư chiều sâu, đổi mới trang thiết bị, từng bước hiện đại hóa nhằm đồng bộ hóa sản xuất. Kiên quyết chuyển hoặc rỡ bỏ các xí nghiệp cũ gây độc hại tới môi trường.

Trong tương lai, sự hình thành và phát triển cảng biển lớn, các khu công nghiệp tập trung, các trung tâm du lịch và dịch vụ. Do vậy cần kiến thiết lại hệ thống đô thị ven biển một cách hợp lý, hình thành các “cực thu hút” và các “tuyến lực” dọc ven biển để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội trong vùng.

Tạo đà đi lên cho miền Trung

Vùng biển và ven biển Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung có đầy đủ điều kiện để phát triển cảng nước sâu, cảng trung chuyển Vân Phong; phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu thủy; công nghiệp chế biến dầu khí và các sản phẩm dầu; khai thác và chế biến hải sản; khai thác muối chất lượng cao; khai thác khoáng sản như quặng sắt, thủy tinh…và phát triển du lịch. Hướng tổ chức không gian của tiểu vùng này là phát triển có trọng điểm, tạo ra những mũi đột phá, những trục động lực từ phía biển, từ đó tạo đà đi lên cho miền Trung.

Cụ thể là xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm kinh tế biển mạnh của vùng, là một trong ba trung tâm kinh tế biển của Việt Nam. Bởi Đà Nẵng nằm ở vị trí trung độ của cả nước, nhìn thẳng ra Biển Đông, là đầu mối giao thông lớn nhất của vùng cả về đường sắt, đường bộ, đường không và đường thủy. Với những lợi thế này, Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển tổng hợp kinh tế biển, từng bước trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của vùng, đồng thời làm bàn đạp để đẩy mạnh khai thác các vùng biển khơi. Nên sớm hình thành một trung tâm nghề cá mạnh của cả nước tại thành phố này, kết hợp bảo vệ chủ quyền và an ninh chính trị trên biển, nhất là các vùng biển Trường Sa và Hoàng Sa.

Hướng tổ chức không gian công nghiệp trong tiểu vùng này là hoàn chỉnh và đồng bộ hóa các khu công nghiệp hiện có. Dọc ven biển từ Đèo Ngang đến Mũi Dinh đã hình thành các khu công nghiệp, phân bố tại các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa. Các khu công nghiệp chủ yếu là chế biến lương thực, thực phẩm và sản xuất vật liệu xây dựng. Đối với các khu công nghiệp này hướng chủ yếu là tổ chức sắp xếp lại sản xuất phù hợp với tính chất của các đô thị công nghiệp-dịch vụ, đầu tư đổi mới thiết bị, công nghệ hiện đại. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến, lâm thủy sản đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu và phát triển lan tỏa kinh tế khu vực nông thôn, vùng sâu và phí Tây.

Đặc biệt là xây dựng cảng Vân Phong trở thành trung tâm ra biển và là cảng trung chuyển quốc tế của vùng. Vì nếu nhìn từ góc độ địa lý hàng hải, không có cảng biển nào ở Việt Nam tốt hơn và thuận lợi hơn cảng Vân Phong. Cảng này rất phù hợp với “thiên thời và địa lợi”. Còn vấn đề “nhân hòa” đó là cho áp dụng cơ chế tương đồng của một cảng trung chuyển quốc tế, biến Khu kinh tế Vân Phong thành “khu kinh tế mở” và cảng Vân Phong thành “cảng tự do”, đủ điều kiện phát triển và cạnh tranh với các cảng trong khu vực.

Phát triển công nghiệp, dịch vụ dầu khí và du lịch

Vùng biển và ven biển Nam Bộ có lợi thế đặc biệt là khai thác dầu khí, nơi nghỉ mát nổi tiếng với địa danh thành phố Vùng Tàu. Thành phố này nằm ở trung tâm tiểu vùng và là cửa ngõ ra biển lớn nhất của vùng Nam Bộ giao lưu với kinh tế nước ngoài. Để duy trì tốc độ phát triển nhanh và ổn định, cần sắp xếp lại hợp lý kinh tế của thành phố Vũng Tàu, theo chức năng của thành phố công nghiệp và dịch vụ tổng hợp biển. Trong đó các ngành công nghiệp dịch vụ dầu khí, cảng và công nghiệp gắn với cảng, du lịch và dịch vụ là các khâu đột phá quan trọng. Mặt khác tổ chức hợp lý ngành khai thác và chế biến hải sản. Đầu tư xây dựng cảng cá và đồng bộ các công trình hậu cần; trang bị đội tàu lớn; từng bước hình thành một căn cứ nghề cá mạnh để đủ sức vươn ra khai thác các vùng khơi xa.

Cùng với đó là xây dựng các khu công nghiệp tập trung, khu chế xuất dọc theo tuyến dựa trên cơ sở các nguyên liệu từ biển và lợi thế về cảng biển. Bao gồm Khu công nghiệp Tam Phước, An Phước, Nhơn Thạch, Gò Dầu, Mỹ Xuân-Phú Mỹ, Long Sơn, Cái Mép và phát triển các loại hình dịch vụ, sẽ hình thành một loạt các đô thị vừa và nhỏ, tạo thành một hệ thống đô thị vệ tinh giảm bớt sức ép cho các đô thị lớn. Còn các khu công nghiệp của Thành phố Hồ Chí Minh như Linh Trung, Tân Thuận, Lê Minh Xuân, Cát Lái tạo điều kiện cho các khu công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dung, thu hút được đông đảo lao động trong vùng cũng như các vùng lân cận.

Phát triển toàn diện ngành hải sản


Cảng Phú Quý luôn có nhiều loại hải sản tươi sống. Ảnh: Nguyễn Thanh/TTXVN

Định hướng phát triển không gian kinh tế biển tại vùng biển và ven biển Tây Nam Bộ trọng tâm là phát triển toàn diện ngành hải sản, xây dựng thành tiểu vùng kinh tế hải sản trọng điểm của cả nước. Bao gồm khai thác, nuôi trồng, chế biến và hậu cần dịch vụ. Phát triển mạnh nghề đánh bắt xa bờ. Đầu tư đồng bộ cho những đội tàu lớn, làm lực lượng nòng cốt cho ngư dân khai thác các vùng khơi Vịnh Thái Lan và vùng khơi Đông Nam Bộ. Kết hợp chặt chẽ giữa khai thác với phát triển mạng lưới cơ sở chế biến và hậu cần phục vụ nghề cá ven bờ và trên một số đảo quan trọng như Rạch Giá, Phú Quốc, Thổ Chu, Nam Du, Năm Căn, Gành Hào, Hòn Khoai. Riêng xây dựng huyện đảo Phú Quốc được định hướng đến năm 2020 về cơ bản trở thành trung tâm giao thương quốc tế, vừa là trung tâm du lịch sinh thái biển-đảo của khu vực và quốc tế.

Các tỉnh Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang tập trung phát triển nuôi trồng hải sản mặn, lợ, nhất là nuôi tôm xuất khẩu. Đi đôi với nuôi trồng thủy sản với bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn. Xây dựng các mô hình sản xuất nông, lâm, ngư phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng khu vực, nhằm khai thác tổng hợp có hiệu quả tiềm năng các bãi triều ven biển. Phát triển mạnh việc nuôi đặc sản biển và quanh các đảo, nhất là đồi mồi, cá có hiệu quả kinh tế cao và nhuyễn thể tại khu vực Hà Tiên kết hợp với du lịch.

Hình thành tuyến kinh tế Cần Thơ-Sóc Trăng chủ yếu phát triển công nghiệp chế biến nông, hải sản và công nghiệp nhẹ phục vụ xuất khẩu. Dải ven biển Rạch Giá-Hà Tiên chủ yếu phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn, nhất là khai thác chế biến hải sản, công nghiệp vật liệu xây dựng và du lịch dịch vụ, tạo động lực thúc đẩy kinh tế của các vùng khác trong tiểu vùng. Tuyến hành lang kinh tế ven biển phía Đông (Bạc Liêu-Gành Hào-Cà Mau-Năm Căn) không chỉ là nơi tập trung nguồn nguyên liệu cho chế biến, mà còn là khu vực trọng điểm sản xuất nông nghiệp cho tiểu vùng.

Văn Hào (TTXVN)
Biển, đảo Việt Nam: Tiềm năng và lợi thế
Biển, đảo Việt Nam: Tiềm năng và lợi thế

Nhờ khai thác những lợi thế về đường bờ biển dài trên 3.260km, kinh tế biển và vùng ven biển Việt Nam hiện đang đóng góp khoảng 50% GDP cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN