Quảng Ngãi: Nhiều tàu cá bị bán đấu giá để thu hồi nợ

Ngày 18/3, đại diện lãnh đạo Chi cục Thủy sản Quảng Ngãi thông tin, hiện có khoảng 80% tàu cá đóng theo nguồn vốn vay Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản quy định (gọi tắt là tàu 67) hoạt động kém hiệu quả dẫn tới thua lỗ nặng. Trong số đó, có một số trường hợp bị ngân hàng khởi kiện ra tòa và yêu cầu thi hành án xử lý tài sản để thu hồi nợ.

Chú thích ảnh
Ngư dân Quảng Ngãi chuẩn bị ngư lưới cụ cho chuyến đi biển. Ảnh (minh họa): Phước Ngọc/TTXVN

Điển hình như trường hợp tàu cá vỏ thép có tên gọi Biển Đông 1, mang số hiệu Qng 90999- TS của ngư dân Võ Văn Hân, trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Hạ thủy vào năm 2016, từng được các cấp chính quyền, sở, ngành của tỉnh kỳ vọng sẽ vươn khơi đánh bắt hiệu quả, mở ra “chương mới” tươi sáng cho ngành thủy sản tỉnh nhà.

Tuy nhiên, con tàu đã không làm tròn “bổn phận” khi mỗi chuyến ra khơi là mỗi lần chịu lỗ. Hiện tại, con tàu đang neo đậu tại cảng Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi và hư hỏng khá nghiêm trọng. Chẳng ai nghĩ khối tài sản lên tới 14 tỷ đồng lại chịu “kết cục” đau lòng đến vậy, còn chủ nhân của con tàu thì lâm vào cảnh không thể thực hiện trả nợ gốc, lãi đúng kỳ hạn theo hợp đồng ký kết cho vay giữa chủ tàu với ngân hàng dẫn đến nợ xấu và bị kiện ra tòa.

Theo thông tin từ Trung tâm Dịch vụ đấu giá, Sở Tư pháp tỉnh Quảng Ngãi, con tàu đã được đưa ra đấu giá với giá khởi điểm 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đấu giá không thành công khi hết thời hạn mà không có người đăng ký tham gia đấu giá (từ ngày 25/2/2022 đến 11 giờ ngày 14/3/2022).

Đến thời điểm này, các ngân hàng cho vay vốn đã xử lý xong nợ xấu đối với 7 tàu 67.

Đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi lý giải, nguyên nhân chính dẫn tới việc thua lỗ của các chủ tàu 67 là do nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt bởi sự gia tăng nhanh chóng về số lượng lưới rê xù và tần suất khai thác quá lớn. Ngoài ra, việc giá nhiên liệu “leo thang” cộng với giá thủy sản lao dốc khiến các chủ tàu buộc phải cho tàu “nằm bờ” vì sợ ra khơi sẽ tổn thất. Không những thế, trong quá trình đánh bắt trên biển, một số chủ tàu để mất ngư lưới cụ với chi phí đầu tư lên tới vài tỷ đồng, không có khả năng mua sắm lại đành phải chuyển đổi nghề với hi vọng thay đổi cách sản xuất để có thu nhập và do không thành thạo nên liên tục gặp thất bại…

Theo thống kê từ Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Ngãi, toàn tỉnh hiện có 62 tàu cá đóng theo nguồn vốn vay Nghị định số 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; trong đó có 11 tàu vỏ thép và 51 tàu vỏ gỗ. Tổng vốn đầu tư hơn 387 tỷ đồng.

Lê Phước Vĩnh Trọng (TTXVN)
Rà soát đánh giá hiệu quả hoạt động thực tế của các tàu Nghị định 67
Rà soát đánh giá hiệu quả hoạt động thực tế của các tàu Nghị định 67

Tỉnh Nghệ An đang tích cực phối hợp với các địa phương và các ngành, doanh nghiệp liên quan để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN