Kiểm soát qua thiết bị giám sát hành trình
Ngư dân Trần Trung Nam (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên) - chủ tàu cá PY-96201TS cho biết, tàu cá của anh có chiều dài trên 15m, công suất 75CV. Để đảm bảo các thủ tục xuất cảng, anh Nam đã tiến hành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá của mình và thực hiện vận hành thiết bị theo đúng quy định, không tự ý ngắt kết nối. Khi thiết bị giám sát hành trình bị hư hỏng, anh Nam chủ động đưa tàu cá quay về cảng trong vòng 10 ngày để báo cáo, sửa chữa rồi mới tiếp tục vươn khơi.
Anh Nam cho biết, thiết bị giám sát hành trình bị hư hỏng thường là do máy cũ, dông sét gây chập điện. Mỗi lần đưa tàu cá quay về báo cáo khi thiết bị hư hỏng sẽ ảnh hưởng đến sản lượng khai thác. Do vậy, anh mong muốn được lắp đặt thêm một thiết bị giám sát hành trình để cơ quan chức năng kiểm soát và cho phép tiếp tục khai thác theo lịch trình. Đây cũng là mong muốn chung của nhiều ngư dân tại Phú Yên đang khai thác hải sản trên biển.
Theo Ban Quản lý cảng cá Đông Tác (thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên), mỗi tháng có khoảng gần 100 tàu cá xuất cảng để khai thác thủy sản. Ban Quản lý đã thực hiện đảm bảo các thủ tục cho các chủ tàu cá khai báo số lượng thuyền viên, nhiên liệu, giấy phép khai thác, các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy và đảm bảo thiết bị giám sát hành trình. Khi các điều kiện này đảm bảo, Ban mới cho phép tàu cá xuất cảng, góp phần giám sát hoạt động tàu cá trên biển, không khai thác trái phép vùng biển nước ngoài.
Tỉnh Phú Yên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho 96% tàu cá có chiều dài 15m trở lên theo quy định. Số tàu còn lại chưa lắp đặt thiết bị này chủ yếu là do tàu không đủ khả năng sản xuất hoặc chờ xử lý do nợ ngân hàng. Theo ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đã giúp cho cơ quan chức năng của tỉnh kiểm soát hiệu quả các hoạt động của tàu cá khi khai thác trên biển; ngăn chặn kịp thời các hành vi khai thác trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Từ đầu năm 2022 đến nay, thông qua hệ thống giám sát tàu cá, cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên đã giám sát, thông báo cho 217 lượt tàu cá mất kết nối giám sát hành trình trên biển, phối hợp xử lý 64 trường hợp tàu cá vi phạm; trong đó, có 3 trường hợp tàu cá mất kết nối 3 ngày nhưng không báo cáo vị trí và không về bến theo quy định đã bị xử phạt 20 triệu đồng/trường hợp.
Từ tháng 3/2020 đến nay, cơ quan chức năng tỉnh đã cảnh báo 939 tàu cá mất kết nối giám sát hành trình trên biển; trong đó có 83 trường hợp mất kết nối trên 10 ngày; phát hiện 17 tàu cá vượt ranh giới cho phép trên biển. Trước đó, những tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài từ năm 2010 đến năm 2018 cũng đã được đã lập hồ sơ xử lý nghiêm.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã ra quyết định xử phạt 5 tàu với mức phạt tiền 70 triệu đồng/trường hợp, đồng thời áp dụng hình phạt bổ sung như: cấm chuyển nhượng tàu, không cho hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước, giao chính quyền địa phương tổ chức kiểm điểm nhằm giáo dục các chủ tàu cá, thuyền trưởng không tái phạm.
Ông Đào Quang Minh cho biết, việc tăng cường kiểm tra, giám sát tàu cá thông qua thiết bị giám sát hành trình, xử phạt nghiêm các tàu cá vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài từ trước năm 2019 và tăng cường tuyên truyền vận động trong thời quan đã nâng cao nhận thức của ngư dân về tuân thủ các quy định khai thác thủy sản, không vi phạm vùng biển nước ngoài, góp phần gỡ bỏ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) cho ngành thủy sản Việt Nam.
Hướng đến ghi nhật ký điện tử
Việc ngăn chặn tàu cá của tỉnh Phú Yên vi phạm khai thác trái phép vùng biển nước ngoài được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá cao nhưng tỷ lệ ngư dân trong tỉnh ghi nộp nhật ký khai thác còn thấp. Đây cũng là tiêu chí ảnh hưởng đến việc gỡ bỏ "thẻ vàng" của Ủy ban châu Âu về khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) đối với ngành thủy sản Việt Nam.
Hiện nay, trách nhiệm kiểm tra ghi nộp nhật ký khai thác thủy sản thuộc về Ban Quản lý cảng cá. Việc ghi nộp nhật ký khai thác thủy sản của ngư dân tại Phú Yên chủ yếu được thực hiện bằng hình thức viết tay trên giấy nên dễ xảy ra sai sót, nhầm lẫn.
Theo Ban Quản lý cảng cá Đông Tác, mặc dù cơ quan chức năng thường tập huấn, hướng dẫn ngư dân ghi nộp nhật ký khai thác thủy sản nhưng vẫn xảy ra trường hợp sai sót, nhầm lẫn. Do vậy, qua những lần kiểm tra, Ban Quản lý lồng ghép hướng dẫn các quy định để ngư dân ghi đúng, ghi đủ, không bị ảnh hưởng trong việc truy xuất nguồn gốc thủy sản.
Theo ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên, trong thời gian tới, địa phương hướng đến việc ghi nộp nhật ký khai thác thủy sản bằng hình thức điện tử để ngư dân thuận tiện hơn và cơ quan chức năng dễ quản lý hơn. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện được phải có kinh phí, lộ trình, quá trình đào tạo, đảm bảo máy móc, thiết bị và đồng bộ từ ngư dân đến cơ quan quản lý nhà nước.
Hiện nay, tại tỉnh Phú Yên có một số doanh nghiệp sẵn sàng phối hợp với Chi cục Thủy sản để giới thiệu, đưa ra áp dụng một số phần mềm thực hiện việc truy xuất nguồn gốc thủy sản; trong đó có việc ghi nộp nhật ký khai thác điện tử. Thời gian tới, chi cục sẽ nghiên cứu áp dụng rộng rãi để vừa đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng vừa đảm bảo tính kịp thời trong ghi chép nhật ký khai thác thủy sản và giảm được thời gian, nhân lực cho ngư dân cũng như doanh nghiệp thu mua thủy sản.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, tỉnh tiếp tục chỉ đạo toàn hệ thống chính trị, nhất là cấp xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho ngư dân trong việc khai thác thủy sản hợp pháp, không vi phạm vùng biển nước ngoài; tăng cường kiểm tra tàu cá cập cảng và rời cảng; xử lý nghiêm các tàu cá hoạt động vượt ranh giới vùng biển Việt Nam, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, không ghi nộp nhật ký khai thác thủy sản và báo cáo khai thác theo quy định.