Đây là những ngành nghề kinh tế cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế biển Kiên Giang, thực hiện “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Các lĩnh vực mũi nhọn
Lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang cho biết, tỉnh khẩn trương quy hoạch, xây dựng, tổ chức triển khai đồng bộ, có hiệu quả các cảng biển tổng hợp, cảng trung chuyển, cảng chuyên dùng, hạ tầng phát triển dịch vụ logictics; tập trung đầu tư phát triển các cảng trọng điểm tại các huyện Phú Quốc, Kiên Lương, Kiên Hải và thành phố Hà Tiên. Trước mắt, tỉnh huy động nguồn lực xây dựng cảng Hòn Chông (Kiên Lương), cảng nước sâu Nam Du (Kiên Hải); cảng tổng hợp Bãi Đất Đỏ và kho ngoại quan, cảng biển Vịnh Đầm, cảng hành khách quốc tế Dương Đông (Phú Quốc), cảng hành khách Rạch Giá; cảng Bãi Nò (TP Hà Tiên), cụm cảng Hà Tiên - Kiên Lương.
Tiếp đến, tỉnh phát triển đội tàu vận tải biển, đáp ứng nhu cầu vận tải nội địa, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng vận tải quốc gia, phát triển thêm các tuyến vận tải hành khách ven biển, hải đảo phục vụ hoạt động du lịch. Hoàn thiện hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy và hàng không, kết nối với các vùng, địa phương trong nước và quốc tế để thu hút đầu tư, khai thác tiềm năng kinh tế biển.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Kiên Giang Nguyễn Văn Dũng cho biết, tỉnh tập trung hoàn thành xây dựng các tuyến giao thông kết nối vùng kinh tế biển với các trục giao thông trọng điểm quốc gia và các tỉnh trong vùng biển và ven biển phía Tây. Cụ thể là tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi, Kênh Cụt - Tắc Cậu, Rạch Giá - Hòn Đất, Hòn Đất - Kiên Lương, tuyến đường hành lang ven biển phía Nam đoạn qua địa bàn tỉnh Kiên Giang, các tuyến đường Quốc lộ 80, 61, 63, N1 và tỉnh lộ để tạo hành lang kết nối với khu vực kinh tế biển.
Tỉnh nghiên cứu xây dựng trung tâm logistics tại tỉnh. Phát triển Cảng Hòn Chông có thể tiếp nhận tàu biển trọng tải lớn gắn với dự án đường hành lang ven biển phía Nam thuộc chương trình hợp tác tiểu vùng sông Mekong mở rộng với chiều dài 950 km từ Bangkok (Thái Lan) tới Cà Mau (Việt Nam) nhằm thiết lập tuyến đường bộ kết nối các khu vực kinh tế quan trọng của ba nước Việt Nam, Campuchia và Thái Lan cùng các nước khác trong khu vực ASEAN; nghiên cứu mở hướng phát triển vận tải biển sang Campuchia, Thái Lan, Malaysia; trong đó, ưu tiên tuyến vận tải ven biển kết nối Việt Nam (Kiên Giang) - Campuchia - Thái Lan. Đầu tư hạ tầng đồng bộ, hiện đại trở thành trung tâm lưu thông và phân phối hàng hóa, phục vụ tốt cho sản xuất, xuất nhập khẩu của tỉnh, của vùng.
Tỉnh mời gọi đầu tư phát triển năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới, thúc đẩy đầu tư khai thác điện gió, điện khí, điện sóng, điện mặt trời... và năng lượng tái tạo khác; trong đó, ưu tiên đầu tư phát triển năng lượng tái tạo trên các đảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt, bảo đảm quốc phòng an ninh. Tỉnh quan tâm phát triển một số ngành kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên đa dạng sinh học biển như: Dược liệu biển, nuôi trồng và chế biến rong, tảo, cỏ biển; quy hoạch và phát triển vùng nuôi chim yến... Tỉnh tập trung các ngành kinh tế biển mới nổi như: Năng lượng tái tạo từ biển, khai thác mỏ dưới đáy biển, công nghệ sinh học biển, an toàn và giám sát hàng hải, dịch vụ và sản phẩm biển công nghệ cao...
Phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển
Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư Kiên Giang, phát triển kinh tế biển phải gắn với xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển, tập trung phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế, đóng góp nhiều cho tăng trưởng và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Tỉnh phát triển ổn định công nghiệp vật liệu xây dựng, gắn với sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái. Đầu tư phát triển mạnh công nghiệp chế biến nông - thủy - sản, công nghiệp cơ khí phục vụ nông nghiệp, nông thôn. Tỉnh chú trọng phát triển công nghiệp phụ trợ, công nghiệp cơ khí - đóng, sửa chữa tàu, chế biến thực phẩm, vật liệu mới, công nghiệp sử dụng nhiều lao động như may mặc, giày da, điện tử...
Tỉnh huy động nguồn lực phát triển các khu, cụm công nghiệp theo quy hoạch, trong đó, tập trung xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư vào 3 khu công nghiệp, gồm: Thạnh Lộc (Châu Thành), Thuận Yên (TP Hà Tiên), Xẻo Rô (An Biên). Tỉnh hình thành các cụm công nghiệp: Vĩnh Hòa Hưng Nam (Gò Quao), Lình Huỳnh (Hòn Đất), Bắc Vĩnh Hiệp (TP Rạch Giá), Hà Giang (TP Hà Tiên) và một số cụm công nghiệp ở những nơi có điều kiện.
Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Đỗ Thanh Bình cho biết, tỉnh đẩy mạnh thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển các khu đô thị ven biển trên cơ sở nâng cấp mở rộng các đô thị hiện có và xây dựng mới cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại theo mô hình, tiêu chí tăng trưởng xanh, đô thị thông minh. Xây dựng đảo Phú Quốc trở thành thành phố du lịch biển đảo tầm cỡ quốc gia và khu vực. Hình thành và phát triển các đô thị ở huyện đảo Kiên Hải nhằm thúc đẩy phát triển vùng hải đảo thông qua đó gắn kết với phát triển vùng đất liền. Xây dựng thành phố Rạch Giá là một trong 4 đô thị của vùng kinh tế trọng điểm thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là trung tâm thương mại đầu mối cấp vùng, trung tâm kinh tế biển...
Thực hiện “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị khẳng định, tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của chính quyền các cấp, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.
Tỉnh khẩn trương hoàn thiện các quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển đảo, rà soát, bổ sung, xây dựng mới các quy hoạch liên quan đến biển đảo theo hướng quản lý tổng hợp, phù hợp với hệ sinh thái biển, bảo đảm sự gắn kết hài hòa, đồng bộ giữa bảo tồn và phát triển các vùng đất liền, vùng ven bờ, vùng biển và hải đảo của tỉnh và các tỉnh lân cận.
Tỉnh tập trung mọi nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế biển, khuyến khích, thu hút mạnh các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực kinh tế biển, nhất là nuôi trồng, khai thác thủy sản và chế biến thủy sản, các ngành kinh tế biển mới như: Khai thác mỏ dưới đáy biển, công nghệ sinh học biển, an toàn và giám sát hàng hải và các ngành biển khác có lợi thế của tỉnh.
Bài cuối: Xây dựng Phú Quốc thành trung tâm dịch vụ, du lịch tầm quốc tế