Vươn khơi khai thác xa bờ
Kiên Giang là một trong những tỉnh có nghề khai thác hải sản phát triển mạnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh có gần 20 loại nghề nhưng tập trung chủ yếu thuộc 5 nhóm nghể chính là lưới kéo, lưới vây, lưới rê, nghề câu và hậu cần nghề cá, trong đó hai nhóm nghề lưới kéo và lưới rê chiếm tỉ lệ lớn. Sản lượng khai thác hải sản hàng năm của tỉnh chiếm khoảng 16% tổng sản lượng khai thác hải sản của cả nước và trên 40% sản lượng khai thác hải sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Năm 2029, sản lượng khai thác của tỉnh đạt 600.145 tấn.
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, tỉnh thực hiện tái cơ cấu toàn diện khai thác hải sản, tổ chức đoàn tàu cá theo hướng vươn khơi khai thác xa bờ, không tăng thêm số lượng tàu. Sắp xếp, cơ cấu lại nghề cá ven bờ, không đóng mới phương tiện công suất nhỏ đánh bắt ven bờ. Nghiêm cấm và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác mang tính tận diệt, tăng cường bảo vệ, tái sinh, phục hồi nguồn lợi hải sản gần bờ, đi đôi với thực hiện đồng bộ, hiệu quả đào tạo, chuyển đổi nghề cho ngư dân.
Cùng với đó, tỉnh rà soát, củng cố và phát triển các hình thức liên kết sản xuất trên biển, gồm: Tổ, đội, hợp tác xã, liên kết các khâu khai thác, thu mua, tiêu thụ hải sản theo chuỗi giá trị. Đầu tư các khu neo đậu trú bão tại các địa phương trọng điểm nghề cá. Xây dựng trung tâm nghề cá lớn Kiên Giang gắn với ngư trường biển Tây Nam tại huyện An Biên.
Trước mắt, tỉnh thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm áp lực khai thác đánh bắt ven bờ, nâng cao hiệu quả khai thác xa bờ gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Tập trung hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên gần 4.000 tàu cá đúng quy định. Đào tạo, cung ứng nguồn lao động trực tiếp trên tàu, thực hiện nghiêm quy định về đánh bắt và truy xuất nguồn gốc thủy sản; quản lý khai thác thủy sản theo đúng quy định trong nước và phù hợp với các quy định theo thông lệ quốc tế, tiến tới chấm dứt tình trạng khai thác trái phép, không đăng ký, không khai báo, nhất là tình trạng đưa tàu cá khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài của ngư dân…
Nuôi trồng thủy sản an toàn, bền vững
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh quy hoạch và xây dựng dự án nuôi trồng thủy sản theo hướng nuôi biển, ven biển, quanh các đảo và vùng ven bờ, gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển, đảo. Chuyển mạnh nuôi trồng hải sản theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường biển, thu hút đầu tư sản xuất giống chất lượng cao, khỏe mạnh, kháng bệnh, đồng thời nhanh chóng tiếp cận, ứng dụng công nghệ nuôi biển hiện đại ở vùng khơi.
Nuôi biển ở Kiên Giang chủ yếu là nuôi cá lồng bè trên biển, phát triển mạnh tại các xã đảo thuộc huyện Kiên Hải, Phú Quốc, Kiên Lương và thành phố Hà Tiên, với khoảng 4.500 lồng bè nuôi, sản lượng cá thương phẩm năm 2019 trên 3.550 tấn, dự kiến năm 2020 hơn 4.300 tấn. Đối tượng nuôi cá lồng bè trên biển của ngư dân Kiên Giang chủ yếu là cá bóp, cá mú, cá chim, cá hồng mỹ, cá chim vây vàng… trong đó cá bóp, cá mú chiếm tỷ trọng cao nhất.
Thời gian gần đây, tỉnh đã thử nghiệm nuôi thành công một số loài như: Cá khế vây vàng, cá bè cụp, cá bè vẫu, cá háo… mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ngoài ra, tôm hùm cũng đang được thử nghiệm nuôi tại một số xã đảo của tỉnh.
Đặc biệt, Công ty Trấn Phú đầu tư mô hình nuôi cá biển công nghiệp với 2 loài chính là cá chim và cá hồng mỹ ứng dụng công nghệ Nauy lồng tròn, đường kính 20 - 30 m tại xã Gành Dầu (Phú Quốc). Sau giai đoạn nuôi thử nghiệm, bước đầu cho kết quả khá cao, sản lượng khoảng 35 tấn cá/lồng.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang cho biết, để nghề nuôi biển, nhất là nuôi cá lồng bè trên biển an toàn, bền vững và hiệu quả trong thời gian tới, tỉnh quy hoạch khu vực nuôi phù hợp với điều kiện môi trường biển tự nhiên, hướng dẫn kỹ thuật, chuyển giao quy trình công nghệ nuôi cá tiên tiến cho ngư dân, đào tạo cán bộ chuyên ngành; nghiên cứu khoa học, công nghệ nuôi cá lồng bè trên biển… góp phần thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang nhấn mạnh, tỉnh đầu tư sản xuất giống các đối tượng cá biển đảm bảo chủ động về số lượng, kiểm soát chất lượng nguồn giống thả nuôi. Đầu tư cơ sở hạ tầng về điện, giao thông… cho các xã đảo phục vụ sinh hoạt, sản xuất của cư dân trên đảo. Quảng bá, giới thiệu, xây dựng thương hiệu cá nuôi lồng bè trên biển kết hợp với xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước và thế giới.
Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, công nghệ để phát triển nuôi cá theo hướng hiện đại, đặc biệt là nghiên cứu, hoàn thiện và chuyển giao quy trình công nghệ sản xuất giống nhân tạo và nuôi thương phẩm một số đối tượng có giá trị kinh tế cao. Cụ thể như: Nuôi cá hồng mỹ tại Phú Quốc, Kiên Hải; cá khế vằn tại Kiên Hải, cá bè quỵt tại Kiên Lương…
Trong phát triển nuôi biển thời gian tới, tỉnh tích cực kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư nuôi cá theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao… Đồng thời, mời gọi đầu tư phát triển một số đối tượng có giá trị kinh tế cao như: Tôm hùm, ngọc trai, ốc hương…
Bài 3: Tạo đột phá trong một số ngành