Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa, từ năm 2021 - 2023, địa phương đã có sự tăng trưởng trong sản lượng thủy sản khai thác và nuôi trồng. Thủy sản là ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Khánh Hòa, góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn, tạo việc làm cho khoảng hơn 82.900 người chiếm gần 10% tổng lao động tại địa phương.
Ông Lê Văn Hoan - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa cho biết, Chiến lược phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh đặt mục tiêu phát triển thủy sản thành ngành sản xuất hàng hóa xuất khẩu lớn với cơ cấu sản xuất hợp lý, sản phẩm đa dạng; đồng thời, chú trọng bảo vệ môi trường và nguồn lợi thủy sản.
Khánh Hòa hiện có 4 vùng nuôi thủy sản chính là huyện Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa, huyện Cam Lâm và thành phố Cam Ranh với tổng diện tích hàng năm trên 4.000 ha, tổng sản lượng nuôi trồng thủy sản hàng năm đạt trên 18.000 tấn.
Ngoài ra, Khánh Hoà còn là một trong những địa phương có số lượng cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản lớn tại khu vực miền Trung. Đối tượng giống thủy sản sản xuất đa dạng gồm nhiều loài hải đặc sản có giá trị kinh tế cao như: tôm sú và tôm chân trắng, ốc hương, cá biển, tu hài, cua, hải sâm. Nguồn giống thủy sản của Khánh Hòa không chỉ cung cấp cho nhu cầu của địa phương mà còn xuất đi các tỉnh miền Tây và phía Bắc.
Tại tỉnh hiện có 5 cảng cá và 1 khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đủ điều kiện hoạt động và phục vụ các tàu cá khai thác xa bờ gồm: Cảng cá Hòn Rớ và chợ thủy sản Nam Trung Bộ, cảng cá Đá Bạc, cảng cá Vĩnh Lương, cảng cá Đại Lãnh, cảng cá Quảng Hội và khu neo đậu tránh trú bão Ninh Hải (diện tích vùng nước neo đậu là 4 ha, đáp ứng cho 300 tàu vào neo đậu tránh trú bão).
Để tạo điều kiện cho nghề cá phát triển bền vững, tỉnh quan tâm đầu tư xây dựng để phát triển cơ sở hạ tầng hậu cần nghề cá. Khánh Hoà còn có thế mạnh về khai thác và quản lý hoạt động khai thác thủy sản. Toàn tỉnh hiện có gần 3.200 tàu cá các loại, sản lượng thuỷ sản khai thác bình quân hàng năm đạt 95.000 tấn. Riêng 11 tháng của năm 2023 tổng sản lượng thủy sản khai thác đạt 95.652,7 tấn, tăng 0,87% so cùng kỳ năm trước.
Phát triển đội tàu khai thác hiệu quả, bền vững, giảm thiểu khai thác hủy diệt, và đào tạo lao động chuyên ngành là những bước đi quan trọng trong việc hiện đại hóa ngành khai thác thủy sản của Khánh Hòa.
Trong thời gian qua, khâu kiểm tra, kiểm soát và quản lý hoạt động của tàu cá thông qua các Văn phòng kiểm tra, kiểm soát đã đi vào hoạt động ổn định, hiệu quả, đáp ứng được việc kiểm soát tàu cá ra, vào cảng; sản lượng lên bến của tàu cá đảm bảo được khâu truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác làm căn cứ cho việc xác nhận nguyên liệu thủy sản khai thác và chứng nhận nguồn gốc.
Bên cạnh đó, Khánh Hòa đã thành lập 8 nghiệp đoàn nghề cá và 70 tổ hợp tác tại các địa phương ven biển. Quy mô của mỗi tổ đội hợp tác thường từ 3 - 10 tàu, nguồn kinh phí hoạt động do các tổ viên đóng góp. Việc phát triển theo mô hình tổ hợp tác bước đầu khắc phục việc sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, phát huy sức mạnh tập thể, hỗ trợ lẫn nhau trên biển khi gặp thiên tai, sự cố. Việc cung cấp dịch vụ hậu cần trên biển, vận chuyển sản phẩm vào bờ nhằm tiết kiệm và nâng cao hiệu quả khai thác; đồng thời sự hiện diện của ngư dân tham gia mô mình tổ đội trên các vùng biển góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Hiện Khánh Hòa có 6 hợp tác xã trong khai thác thủy sản và đã đưa vào sử dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử (phần mềm eCDT) để theo dõi, kiểm soát tính minh bạch, hợp pháp theo quy định về xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác trong nước.
Nhằm bảo tồn và phát triển nguồn lợi thuỷ sản, Khánh Hoà đã hình thành các khu bảo tồn biển và kết hợp hoạt động du lịch cộng đồng; nuôi trồng thuỷ sản theo hướng đầu tư cơ sở hạ tầng; áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất giống thủy sản; chuyển đổi hình thức nuôi truyền thống sang công nghệ mới, tạo nên những bước tiến quan trọng trong phát triển nuôi trồng thủy sản.
Với những kế hoạch và chiến lược đã đề ra, Khánh Hòa đang trên đường hướng tới một tương lai phát triển mạnh mẽ cho ngành thủy sản, không chỉ đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn mở rộng tiêu thụ các sản phẩm thủy sản ra thị trường quốc tế, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội.
Thời gian quan, UBND tỉnh Khánh Hoà đã quan tâm, đầu tư xây dựng các khu công nghiệp để đưa nhà máy sản xuất chế biến thuỷ sản về tập trung sản xuất như Khu công nghiệp Suối Dầu tại huyện Cam Lâm, Khu công nghiệp Đắc Lộc - Nha Trang… Toàn tỉnh có 64 cơ sở sản xuất, chế biến thủy sản xuất khẩu được bố trí tập trung ở Khu công nghiệp Suối Dầu, Cam Lâm; được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ngành.
Tính đến cuối tháng 10, kim ngạch xuất khẩu hàng thủy sản của Khánh Hòa đạt trên 511 triệu USD. Đáng chú ý, triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), một số sản phẩm chế biến từ thuỷ sản của tỉnh đã được các chủ thể đăng ký tham gia. Tính đến năm 2023, Khánh Hòa có 29 sản phẩm chế biến từ thuỷ sản của 13 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP đang được các địa phương đánh giá công nhận.
Tuy nhiên, ngành thủy sản địa phương vẫn còn những hạn chế, khó khăn. Nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ quản lý hoạt động khai thác thủy sản, chống khai thác IUU, chế biến thủy sản; năng lực chuyên môn, lực lượng còn thiếu, một số xã, phường trọng điểm chưa có cán bộ phụ trách lĩnh vực thủy sản, bố trí kinh phí thực hiện còn hạn chế.
Nguồn lực hỗ trợ đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá chưa được quan tâm đầu tư đúng mức để đáp ứng nhu cầu phát triển và đảm bảo phù hợp với quy mô, quy hoạch.