Phát triển kinh tế biển bền vững gắn với bảo vệ môi trường

Phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững, gắn liền với bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu từ lâu đã được chú trọng ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Chú thích ảnh
Mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Bạc Liêu. Ảnh tư liệu: Chanh Đa/TTXVN

Nhiều năm qua, các địa phương ven biển trong vùng đã nỗ lực triển khai nhiều phương hướng, giải pháp quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Phát triển bền vững kinh tế biển

Nghị quyết số 48-NQ/TW của Chính phủ về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đã xác định rõ, đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Bến Tre sẽ trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển mạnh và bền vững về kinh tế biển, trọng tâm là phát triển năng lượng tái tạo, thủy sản và du lịch.

Để đạt được mục tiêu đề ra, tỉnh Bến Tre ưu tiên phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, khai thác thủy sản xa bờ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản. Tỉnh tập trung hoàn thiện cơ chế chính sách, đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân trong việc sản xuất, nuôi trồng thủy, hải sản; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bến Tre đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền trên loa phát thanh của từng thôn, xóm, cụm dân cư để nâng cao nhận thức của người dân về trách nhiệm bảo vệ môi trường, nhất là việc bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp. Mặt khác, tỉnh kiên quyết không cấp phép đối với các mô hình xây dựng hoặc kinh doanh của cá nhân, tổ chức tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân.

Tỉnh Bạc Liêu có vùng đặc quyền kinh tế rộng hơn 20.742 km2 và ngư trường rộng trên 40.000 km2, trữ lượng hải sản khá phong phú gồm nhiều loại thủy, hải sản mang lại giá trị kinh tế cao như: tôm biển, cá gộc, cá sao, cá thu, cá đường… Với những tiềm năng, lợi thế vốn có nên công tác bảo vệ đa dạng sinh học, tài nguyên biển gắn với bảo vệ môi trường luôn được tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung thực hiện tốt thông qua chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được UBND tỉnh ban hành.
Theo đó, Bạc Liêu tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ vào các công trình dự báo, cảnh báo, chủ động phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai từ biển, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Tỉnh xây dựng, phát triển đô thị, khu đô thị ven biển hiện đại theo mô hình sinh thái, tăng trưởng xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nằm ở địa đầu phía Nam Tổ quốc, tỉnh Cà Mau có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế biển. Tuy nhiên, cùng với phát triển kinh tế, gia tăng các ngành nghề dịch vụ, khai thác cũng như tập trung dân cư, đô thị hóa các vùng ven biển đã tạo áp lực đến môi trường biển, hải đảo địa phương. Để giảm nguy cơ ô nhiễm, hướng đến phát triển kinh tế biển bền vững, tỉnh xác định cần có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, hơn hết là sự đồng bộ các giải pháp ngay từ cơ sở.

Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường Cà Mau Đỗ Quang Hưng cho rằng, cần tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng, hạn chế rác thải trên biển và vùng ven biển. Qua đó, nâng cao ý thức bảo vệ sinh vật thủy sinh, môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển. Các đơn vị chức năng cần phổ biến kiến thức về nguy cơ, hiểm họa của sự cố tràn dầu để bảo vệ môi trường, chủ động phòng tránh và kịp thời ứng phó sự cố tại địa phương.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Chú thích ảnh
Huyện Thới Bình (Cà Mau) chú trọng phát triển sản xuất nông nghiệp, thủy sản từ việc quy hoạch tiểu vùng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đến ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. Ảnh: Huỳnh Thế Anh/TTXVN

Trong Quy hoạch tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 điểm đáng chú ý nhất là định hướng phát triển về hướng Đông. Bến Tre định hướng phát triển 50.000 ha về hướng biển, bao gồm cả lấn biển. Khu vực này sẽ tập trung phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, phòng chống sạt lở bờ biển và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam nhấn mạnh, một số nhiệm vụ trọng tâm được tỉnh tập trung thực hiện là tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh (dự kiến trong tháng 7/2024); khởi công cầu Ba Lai 8, khởi động tuyến đường ven biển và nhà máy hydro xanh… Tỉnh đẩy mạnh tiến độ thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư xây dựng cầu Cửa Đại kết nối Bến Tre và Tiền Giang, cầu Cổ Chiên 2 kết nối Bến Tre và Trà Vinh; các công trình, dự án liên quan đến phát triển về hướng Đông, đặc biệt là cầu Rạch Miễu 2 và đường gom vào cầu Rạch Miễu 2; hạ tầng Khu công nghiệp Phú Thuận…
Bến Tre cũng đưa ra các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính như: nhân rộng các mô hình nông nghiệp carbon thấp, phát triển nông nghiệp hữu cơ, các nhà máy phát điện gió nối lưới,…

Nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, tỉnh Bạc Liêu tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ mới trong khai thác, nuôi trồng, bảo quản, chế biến thủy sản sau thu hoạch; chuyển từ nuôi trồng thủy sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp có ứng dụng công nghệ hiện đại, năng suất, chất lượng cao đi đôi với công tác bảo vệ môi trường. Tỉnh chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ mới trong chuỗi giá trị khép kín, giúp tạo ra các sản phẩm chất lượng, có giá trị kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Bên cạnh đó, tỉnh nghiên cứu và ứng dụng các quy trình công nghệ khai thác, sử dụng tài nguyên biển ít gây tác động môi trường và hạn chế ô nhiễm biển; phát triển công nghệ cao, kỹ thuật hiện đại và quy trình tiên tiến phục vụ điều tra nghiên cứu, khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên biển, bảo vệ môi trường. Tỉnh giám sát và dự báo thiên tai, sự cố môi trường biển bằng các thiết bị hiện đại, công nghệ cao và tăng cường năng lực cho hệ thống trạm quan trắc, phục vụ dự báo và cảnh báo các hiện tượng thời tiết bất thường trên biển.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau, thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện tốt các chương trình, dự án đang thực hiện và các chương trình, dự án đang trình UBND tỉnh chủ trương thực hiện như: Dự án Thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển tỉnh Cà Mau và Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tỉnh Cà Mau; dự án thả rạn nhân tạo bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản; dự án Điều tra đánh giá nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ, vùng lộng phục vụ khai thác thủy sản bền vững và chuyển đổi nghề trên địa bàn tỉnh; dự án thành lập khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau…

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau Đỗ Quang Hưng cho rằng, cần đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái và phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển; các dự án đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường (khu xử lý tập trung chất thải nguy hại, chất thải rắn, trạm xử lý nước thải...) tại các khu công nghiệp, khu đô thị ven biển và ưu tiên các dự án bảo vệ hệ sinh thái khu vực ven biển.

Hồng Đạt (TTXVN)
Kinh tế biển - nền tảng phát triển bền vững
Kinh tế biển - nền tảng phát triển bền vững

Việt Nam là quốc gia ven Biển Đông với 28/63 tỉnh, thành phố ven biển, chiếm 42% diện tích đất liền và 45% tổng dân số. Việt Nam được đánh giá là quốc gia có lợi thế và tiềm năng lớn về tài nguyên biển, hải đảo...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN