Dịp này, tỉnh Phú Yên tập trung quảng bá đến người dân và du khách những nét đặc sắc văn hóa, tiềm năng, sức hấp dẫn về du lịch, những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu; trong đó điểm nhấn là sản phẩm cá ngừ đại dương Phú Yên.
Cá ngừ đại dương (người dân Phú Yên gọi là cá bò gù), sinh sống ở vùng biển ấm, cách bờ độ 185 km. Là loại hải sản đặc biệt thơm ngon, được chế biến thành nhiều loại món ăn và tạo nguồn hàng xuất khẩu có giá trị.
Theo số liệu điều tra nguồn lợi cá nổi lớn vùng biển Việt Nam -Viện Nghiên cứu Hải sản, trữ lượng cá ngừ vây vàng (yellowfin tuna) và cá ngừ mắt to (bigeye tuna) ở biển Đông khoảng 45.000 tấn, khả năng khai thác trung bình khoảng 17.000 tấn đến 21.000 tấn/năm. Thời gian khai thác cá ngừ đại dương từ tháng 6 đến tháng 12 hàng năm.
Phú Yên là “cái nôi” của nghề câu cá ngừ đại dương ở Việt Nam. Từ những năm 1990 những ngư dân Phú Yên đã tìm ra phương pháp câu, sau đó nghề này dần lan rộng, trở thành thế mạnh của ngư dân các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ.
Đến nay, Phú Yên có đội tàu câu 540 chiếc, chủ yếu là tàu vỏ gỗ có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên, công suất máy tàu phổ biến lớn hơn 250 CV. Hầu hết tàu đều trang bị đèn chiếu sáng cao áp, máy thu câu, máy vô tuyến điện, thiết bị giám sát hành trình, VX-1700, hầm bảo quản bằng xốp thường vách gỗ. Tổng số lao động khai thác cá ngừ đại dương của tỉnh khoảng 3.200 người, sản lượng khai thác cá ngừ đại dương đạt khoảng 3.100 - 4.300 tấn/năm, chủ yếu là cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to.
Theo ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, thành phố Tuy Hòa, Phú Yên là nơi khởi xướng nghề câu cá ngừ đại dương. Ngư dân áp dụng biện pháp câu bằng cần, bố trí ở 2 mũi và 2 lái thả ở độ sâu từ 80 - trên 100 mét phù hợp độ sâu và tập tính thích bắt mồi sống của cá ngừ đại dương. Cùng với đó, ngư dân sử dụng ánh sáng của hệ thống bóng đèn cao áp với công suất 1.000 W/bóng và mồi mực xà sống để dẫn dụ cá.
“Đến nay kỹ thuật câu cá ngừ đại dương của ngư dân trong tỉnh vẫn hoàn toàn bằng phương pháp thủ công. Hầu hết đội tàu khai thác cá ngừ đại dương hoạt động sản xuất theo hình thức tổ đội, cùng đi, cùng về. Thời gian khai thác trên biển từ 20 đến 60 ngày ở các ngư trường trong nước. Ngư dân phần lớn bảo quản sản phẩm bằng hầm vật liệu xốp ghép, hiện một số tàu đã tiến hành lắp đặt hầm bảo quản bằng công nghệ xốp thổi, đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm tốt hơn”, ông Phan Thuẫn nói.
Hiện Phú Yên có 9 cơ sở thu mua cá ngừ đại dương; trong đó có 1 cơ sở có nhà máy chế biến cá ngừ đóng hộp tại thị xã Sông Cầu, 5 cơ sở thu mua có cơ sở chế biến, bảo quản tại khu công nghiệp Hòa Hiệp thị xã Đông Hòa, và khu công nghiệp An Phú, thành phố Tuy Hòa.
Theo ông Đào Quang Minh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Phú Yên, sản phẩm cá ngừ đại dương ở Phú Yên hiện đang được chế biến xuất khẩu đi Mỹ và một số nước châu Âu. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đẩy mạnh quảng bá tiêu thụ nội địa thông qua hoạt động dịch vụ, du lịch.
Để phát triển mạnh nghề khai thác, chế biến, xuất khẩu cá ngừ, tháng 11/2021, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Kiyomura Nhật Bản. Đây là những lĩnh vực Phú Yên rất chú trọng nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hai bên cam kết sẽ triển khai các hoạt động cụ thể như trao đổi kinh nghiệm và những thực tiễn tốt về các mô hình phát triển thủy sản, đặc biệt là tổ chức và phát triển sản phẩm cá ngừ đại dương; khởi động những dự án chung nhằm chia sẻ thông tin về các vấn đề như khai thác kinh tế và công nghệ, quản trị và marketing sản phẩm thủy sản.
Bên cạnh đó, trong tháng 12/2021, tỉnh Phú Yên cũng đã thành lập Hợp tác xã Cá ngừ công nghệ cao. Đây là mô hình hợp tác xã đầu tiên của tỉnh áp dụng công nghệ cao vào khai thác, đánh bắt cá ngừ đại dương; mô hình này cũng phù hợp với phát triển chuỗi khai thác, bảo quản, thu mua, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu thủy hải sản.
Theo bà Hồ Thị Nguyên Thảo, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên, việc hợp tác phát triển ngành thủy sản đối với đối tác Nhật Bản, đặc biệt là phát triển sản phẩm cá ngừ đại dương là điều kiện thuận lợi để Phú Yên phát triển bền vững nghề khai thác, chế biến cá ngừ đại dương. Hợp tác xã Cá ngừ công nghệ cao sẽ là hạt nhân để kết nối, hợp tác phát triển nghề khai thác cá ngừ đại dương, khắc phục được những bất cập còn tồn tại từ lâu nay, giúp nâng cao giá trị cá ngừ, nâng cao thu nhập cho ngư dân sau mỗi chuyến biển. Tỉnh Phú Yên không khuyến khích ngư dân tăng số lượng tàu cá, mà tập trung sâu các khâu bảo quản sau khai thác để nâng cao chất lượng cá ngừ.
Hiện nay, cá ngừ đại dương đang là nguồn hàng xuất khẩu quan trọng và được lựa chọn là món ẩm thực chính ở các nhà hàng, khách sạn; trong đó mắt và sasumi cá ngừ là món ăn được ưa thích nhất đối với du khách trong và ngoài nước khi đến Phú Yên.
Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, trong 5 năm gần đây, nghề câu cá ngừ dại dương đang có dấu hiệu giảm sút về năng suất, phương tiện khai thác của ngư dân Phú Yên chủ yếu là thuyền nhỏ, vỏ tàu bằng gỗ không đảm bảo độ cứng, vững, kín nước, khó bố trí, trang bị máy móc cơ giới hóa các khâu sản xuất, công nghệ khai thác, bảo quản sản phẩm trên tàu thủ công.
Đặc biệt, trong sản xuất cá ngừ đại dương chưa tạo được sự liên kết trong chuỗi giá trị ngành hàng từ khai thác, bảo quản, thu mua, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu. Hoạt động khai thác, thu mua, chế biến và tiêu thụ cá ngừ chưa được định hướng phát triển để xứng tầm với tiềm năng về nguồn lợi, tính đặc thù của ngành hàng; chưa đáp ứng với nhu cầu tiêu thụ và xu thế của thị trường.