Tận dụng các cơ hội từ hiệp định thương mại tự do
Các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực cũng là động lực thúc đẩy cho xuất khẩu cá ngừ Việt Nam thêm nhiều lợi thế. Đó là ưu thế cạnh tranh về thuế khi tiếp cận các thị trường châu Âu và khối châu Á Thái Bình Dương, thông qua các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, sau khi tăng vọt 108% đạt 88 triệu USD trong tháng đầu năm, xuất khẩu cá ngừ sang tháng 2/2022 tiếp tục đà tăng trưởng ở mức cao 57%, đạt 67 triệu USD. Con số này gần gấp đôi so với tháng 2/2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch COVID-19.
Bước sang tháng 3/2022, xuất khẩu cá ngừ tiếp nối sự ổn định của 2 tháng đầu năm, giúp cho xuất khẩu cá ngừ Việt Nam trong quý I/2022 đạt hơn 230 triệu USD, tăng hơn 53% so với cùng kỳ năm 2021.
Giải thích cho sự tăng trưởng này, đại diện Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, cá ngừ là một trong những mặt hàng đã tận dụng tốt các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, CPTPP để gia tăng xuất khẩu trong những tháng đầu năm 2022.
Trong quý I/2022, ngoài thị trường Mỹ tăng mạnh tới 99% với kim ngạch 80 triệu USD thì các thị trường có hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Việt Nam đều tăng cao. Trong đó thị trường khối CPTPP gồm Canada tăng 52%, Chile tăng 99%..., khối EVFTA như Hà Lan tăng mạnh 114%, Bỉ tăng 163%... Đáng chú ý, xuất khẩu sang phần lớn các thị trường trong khối EU đều tăng mạnh. Hà Lan, Đức và Bỉ hiện đang là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm nay. Trong đó, Hà Lan từ vị trí thứ 4 đã vươn lên là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối châu Âu, chiếm 3% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ.
Đáng chú ý, xuất khẩu sang phần lớn các thị trường trong khối EU đều tăng mạnh. Tính đến hết tháng 2/2022, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU đạt gần 24 triệu USD, tăng 52% so với cùng kỳ. Hà Lan, Đức và Bỉ hiện đang là 3 thị trường nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm nay. Trong đó, Hà Lan từ vị trí thứ 4 đã vươn lên là thị trường NK cá ngừ lớn nhất của Việt Nam trong khối EU, chiếm 3% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ.
Đối với thị trường CPTPP, xuất khẩu cá ngừ sang nhiều thị trường như Canada, Peru, Chile đều tăng so với cùng kỳ.
Dự kiến, xu hướng tăng trưởng xuất khẩu cá ngừ sang châu Âu sẽ còn tiếp tục trong năm nay. Do nền kinh tế các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu, đang tăng trưởng mạnh trở lại và đạt quy mô như cuối năm 2019, thời điểm trước khi diễn ra đại dịch COVID-19. Điều này đã thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại các nước châu Âu hồi phục. Bên cạnh đó, các ưu đãi thuế quan theo thoả thuận trong Hiệp định EVFTA được khởi động lại trong những tháng đầu năm 2022 đang tạo động lực thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang khối thị trường này, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản cho biết thêm.
Tận dụng cả thị trường nội địa
Tiêu thụ cá ngừ không chỉ riêng bằng con đường xuất khẩu, các doanh nghiệp còn đa dạng phương thức tiêu thụ với đa dạng sản phẩm và đa dạng khách hàng. Điều này nói lên rằng sản phẩm chất lượng sẽ được cung ứng đến tất cả người tiêu dùng muốn lựa chọn và thưởng thức.
Hiện nay, chỉ với hơn 70.000 đồng, nhiều người tiêu dùng nội địa có thể thưởng thức mắt cá ngừ đại dương như mong muốn, hoặc chỉ với 160.000 đồng, nhiều người tiêu dùng đã có thể mua được 1kg phile cá ngừ, giá vừa túi tiền cho người có thu nhập trung bình trong nước.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam, trước đây, người dân muốn thưởng thức mắt cá ngừ, hoặc các sản phẩm phi lê cá ngừ đại dương quả không dễ dàng. Bởi, sản lượng cá ngừ đại dương đánh bắt được không đủ đáp ứng các đơn hàng nhập khẩu của thị trường châu Âu và Nhật Bản. Không những vậy, các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá ngừ đại dương phải nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu từ các quốc gia khác mới đủ cung ứng cho thị trường nhập khẩu.
Với xu thế hội nhập và nhu cầu ẩm thực ngày càng tăng cao, tiêu dùng nội địa trở thành một phân khúc quan trọng để ngành khai thác, chế biến và xuất khẩu cá ngừ có thêm nhiều động lực phát triển. Với sự phát triển đa dạng của nhiều kênh truyền thông thông qua mạng xã hội, tiêu dùng trong nước là cách thức quảng bá cho xuất khẩu cá ngừ thuận lợi hơn.
Theo ông Trần Văn Tân, Giám đốc Sở Công Thương Phú Yên, câu cá ngừ được phát triển mạnh ở 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà. Nếu như trước đây, những con cá ngừ đại dương nặng hàng chục kg chỉ để xuất khẩu, thì nay người tiêu dùng trong nước dễ dàng thưởng thức. Nhiều cơ sở cung ứng sản phẩm cá ngừ đại dương cũng đã đổi phương pháp tiếp thị sang quảng bá trên các trang mạng xã hội, nhằm thu hút nhiều sự chú ý của người tiêu dùng hơn. Đồng thời, tăng cường kênh tiêu thụ nội địa vừa tạo hiệu ứng dây chuyền trong quảng bá hình ảnh cá ngừ Việt Nam, vừa giúp tăng thêm kênh tiêu thụ để cá ngừ đại dương Việt Nam linh hoạt hơn so với chỉ tiêu thụ ở một thị trường như trước đây, có thể ứng phó với biến động kinh tế, xã hội tốt nhất.
Bên cạnh đó, cá ngừ là một trong những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, đem lại kim ngạch khoảng 700 triệu USD mỗi năm. Việc tăng kim ngạch xuất khẩu cho mặt hàng cá ngừ vẫn là mục tiêu đầu tiên. Để kích cầu tiêu thụ nội địa đối với các mặt hàng thủy sản; trong đó có cá ngừ đại dương, hàng loạt vấn đề cần phải giải quyết như: chủng loại sản phẩm phải đa dạng, chất lượng phải đảm bảo, giá cả phải hợp lý...
Với công nghệ chế biến cá ngừ của các doanh nghiệp trên cả nước hiện nay, sản hẩm cá ngừ Việt Nam vẫn được người tiêu dùng đánh giá nổi trội hơn nhiều quốc gia khác. Do đó, làm hài lòng khách hàng nội địa cũng là một giải pháp để thu hút khách hàng thế giới tăng sự lựa chọn hơn đối với cá ngừ Việt Nam.