Trong nửa thế kỷ, ông Takeo Nakajo hành nghề đánh bắt katsuo “cá ngừ vằn” – nguyên liệu không thể thiếu trong ẩm thực Nhật Bản với đa dạng cách chế biến, từ ăn sống, phơi khô hay làm nước dùng.
Tuy nhiên, ông và những ngư dân khác tại Kure (tỉnh Kochi, Tây Nam Nhật Bản) đã nhận thấy một hiện tượng đáng lo ngại trong 2 năm qua - một số lượng cá ngừ béo bất thường chưa từng thấy.
Trong khi cá ngừ cân nặng hơn đồng nghĩa với nhiều lợi nhuận hơn song người dân địa phương và các chuyên gia cho rằng cân nặng bất thường của cá ngừ cũng phản ánh tình trạng biến đổi khí hậu và nguy cơ biến mất đối với loài sinh vật này do nhu cầu ngày càng tăng và đánh bắt quá mức.
Ông Nakajo (70 tuổi) chia sẻ: “Cá ngừ béo lên liên quan đến nhiệt độ nước. Tôi lo rằng một ngày nào đó cá ngừ vằn sẽ không xuất hiện tại vịnh và chúng tôi không biết phải làm gì".
Noriaki Ito, bếp trưởng của nhà hàng Tsukasa có tuổi đời hàng thế kỷ ở thành phố Kochi, cho biết ông chưa bao giờ thấy những con cá ngừ béo như hiện tại.
Điều này thực sự đáng lo ngại do trước đó, sự thay đổi về khí hậu và nước biển đã “xóa sổ” một số loại cá, trong đó có con chambara-gai từng là đặc sản của Kochi. Có nguồn gốc từ biển nhiệt đới, mỗi mùa Xuân về, cá ngừ văn Thái Bình Dương lại theo dòng nước ấm chảy về phương Bắc.
Theo dữ liệu của phòng thí nghiệm thủy sản địa phương, nhiệt độ bề mặt vinh trong mùa Đông đã tăng 2 độ C trong 40 năm. Rất có thể kích thước to của cá ngừ bắt nguồn từ việc biển ấm khiến nhiều loại sinh vật sinh sôi, từ đó nguồn thức ăn cho cá cũng nhiều lên.
Tuy nhiên, về lâu dài, nhiệt độ ấm lên có thể ngăn dòng nước giàu khoáng chất nổi lên trên bề mặt, dẫn đến giảm lượng sinh vật phù du và cá nhỏ, từ đó số lượng cá ngừ văn cũng sẽ ít hơn.
Tình trạng trên xảy ra trong bối cảnh già hóa dân số tại Nhật Bản đang đang đe dọa sự bền vững của nghề đánh bắt cá địa phương và các ngành kinh doanh liên quan như sản xuất cá ngừ.
Takahiro Tanaka, một ngư dân thế hệ thứ 4 trong gia đình có truyền thống đánh bắt cá lâu đời ở Kure, nói: "Chúng tôi có thể phân biệt các vị khác nhau của cá ngừ vằn, giống như những người nông dân Pháp có thể thưởng thức sự tinh tế rượu vang. Nơi này có thể là một trong những cộng đồng cuối cùng của Nhật Bản mà cá ngừ vắn là một phần của văn hóa hàng ngày. Nhưng không có ngư dân, thì văn hóa cũng biến mất".
Thực trạng đánh bắt quá mức cũng giáng một đòn mạnh vào ngư dân ở Kochi khi họ vẫn áp dụng phương pháp đánh bắt bằng sào truyền thống thay vì đánh bắt bằng lưới vây quy mô lớn trên khắp Tây Thái Bình Dương.
Dữ liệu của chính phủ cho thấy số lượng đánh bắt ở Kochi chỉ bằng 1/4 so với mức đỉnh những năm 1980.
Hiroyuki Ukeda – Phó Hiệu trưởng Đại học Kochi - cho biết: “Chúng tôi chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về số lượng cá ngừ vằn trong 10 năm qua. Ngày càng nhiều người lo sợ có thể họ không còn được ăn cá ngừ vằn trong tương lai gần nếu xu thế này tiếp tục”.
Ngành sản xuất cá ngừ sấy khô, cá ngừ lên men, nước dùng cá ngừ cũng trở nên khó khăn. Trong 40 năm, số lượng nhà sản xuất các loại sản phẩm từ cá ngừ ở Kochi đã giảm từ hàng chục xuống còn một vài cơ sở.
Wasabi, một loại gia vị đặc biệt trong món sashimi và sushi, cũng đang phải đối mặt với những thách thức sản xuất tương tự. Masahiro Hoshina, người đứng đầu hiệp hội những người trồng wasabi ở Okutama, miền núi phía Tây Tokyo, cho biết các cơn bão và nhiệt độ tăng đã làm ảnh hưởng đến sản xuất.
Số lượng nông dân trong khu vực giảm 75% so với những năm 1950 do dân số giảm Một số người lo ngại văn hóa sushi đang bị đe dọa.
“Sự kết hợp giữa cá sống và wasabi là một nghệ thuật và chúng ta phải duy trì cả hai. Tôi không bao giờ muốn nghĩ về một tương lai mà không có sushi”, ông Ukeda bày tỏ.