Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trịnh Minh Hoàng dẫn đầu đoàn kiểm tra thực tế tại các mô hình nuôi biển công nghệ cao trên địa bàn tỉnh, trong đó khu vực Đầm Bấy (phường Nha Trang).
Khu vực Đầm Bấy là điểm nhấn nổi bật với những bước đi tiên phong trong phát triển nghề nuôi biển ứng dụng công nghệ cao tại vùng biển từ 3 đến 6 hải lý. Đây là những mô hình đầu tiên tại Khánh Hòa được cấp giấy phép nuôi trồng thủy sản trên biển theo hướng hiện đại, an toàn, quy mô lớn.
Cụ thể, 5 cá nhân tại phường Nha Trang đã được cấp giấy phép nuôi biển tại khu vực Đầm Bấy gồm: ông Bùi Văn Hội, ông Lê Công Suất, ông Vũ Trọng Hùng, bà Huỳnh Thị Dễ Thương (mỗi người được giao 1.000 m² mặt nước để nuôi cá chim vây vàng, sản lượng dự kiến 20 tấn/năm/hộ) và ông Vũ Khắc Mười (nuôi cá chim vây vàng và cá bớp, quy mô 1.000 m² mặt nước, sản lượng ước đạt 30 tấn/năm).
Sau khi được Chi cục Thủy sản, Biển và Hải đảo cấp phép, các hộ đã tiến hành đặt lồng và thả con giống nuôi từ 2 - 3 tháng. Hệ thống lồng nuôi sử dụng công nghệ cao, gồm 2 lồng tròn HDPE mỗi hộ, đường kính 13m, dung tích khoảng 300 m³/lồng, có khả năng chịu sóng gió tốt, phù hợp cho vùng biển xa bờ.
Lồng nuôi công nghệ cao có tính ổn định, hiệu quả lao động cũng tăng gấp 3 - 4 lần.
Ông Vũ Khắc Mười, người đầu tiên triển khai nuôi song song cá chim vây vàng và cá bớp tại Đầm Bấy cho biết, dù chi phí đầu tư ban đầu lớn, nhất là khâu vận chuyển và nhân công nhưng đổi lại cá sinh trưởng nhanh, ít dịch bệnh, lại thân thiện với môi trường. Với sản lượng 10 - 15 tấn mỗi lồng, hoàn toàn có thể bù chi phí và có lãi.
Theo ông Mười, điểm khác biệt lớn nhất giữa lồng nuôi công nghệ cao và truyền thống chính là tính ổn định: Lồng gỗ truyền thống dễ hư hại, gây ô nhiễm, năng suất thấp. Còn lồng nhựa HDPE vừa sạch, vừa bền, lại dễ quản lý bằng các thiết bị giám sát tự động. Hiệu quả lao động cũng tăng gấp 3 - 4 lần.
Đánh giá kết quả bước đầu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng cho rằng, việc triển khai mô hình nuôi biển công nghệ cao tại khu vực biển xa là bước đi đột phá, thể hiện quyết tâm của Khánh Hòa trong việc phát triển kinh tế biển bền vững. Các hộ dân tại Đầm Bấy chính là những hạt nhân tiên phong để nhân rộng ra toàn tỉnh trong thời gian tới.
Hiện nay, ngoài khu vực Đầm Bấy, tỉnh Khánh Hòa đang triển khai mô hình thí điểm tại các vùng biển phía Bắc tỉnh như Cam Lâm, Cam Ranh, Ninh Hòa và Vạn Ninh với 45 hộ tham gia. Các đối tượng nuôi chủ yếu là cá chim vây vàng, cá bớp với tổng lượng giống đã thả lên đến hàng trăm nghìn con. Tại nhiều nơi, cá đang sinh trưởng tốt, chưa ghi nhận dịch bệnh, hứa hẹn sản lượng cao trong thời gian tới.
Khu vực Đầm Bấy, Phường Nha Trang được nuôi biển hở, cách đất liền 3-6 hải lý.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Khánh Hòa, sản lượng thủy sản nuôi trồng của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt gần 12.900 tấn, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, phần lớn vẫn đến từ mô hình nuôi ven bờ, sử dụng lồng gỗ truyền thống. Việc đẩy mạnh chuyển đổi sang công nghệ cao tại vùng biển xa bờ được xem là giải pháp tất yếu để phát triển nghề nuôi biển an toàn, bền vững và hiệu quả hơn.
Thời gian tới, tỉnh Khánh Hòa sẽ tiếp tục hoàn thiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi lồng nuôi, trình HĐND tỉnh phê duyệt chính sách bảo hiểm cho người lao động trên biển, đồng thời ban hành bộ tiêu chí phân loại lồng công nghệ cao, làm cơ sở nhân rộng mô hình trên toàn địa bàn.
Với định hướng chiến lược, sự đồng hành từ chính quyền và nỗ lực tiên phong của người dân, nghề nuôi biển ở vùng biển hở tại Khánh Hòa đang từng bước khẳng định vai trò là ngành kinh tế biển mũi nhọn trong tương lai.