Ngư dân linh hoạt tiết kiệm chi phí trước tác động giá nhiên liệu tăng cao

Giá nhiên vật liệu tăng cao thời gian qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động vươn khơi bám biển, đánh bắt hải sản của ngư dân ở 28 tỉnh, thành ven biển của cả nước; trong đó có Ninh Thuận. Đối diện với bão giá, ngư dân ở Ninh Thuận vẫn chủ động vươn khơi bám biển, linh hoạt thích ứng, tiết kiệm tối đa chi phí để mang lai hiệu quả khai thác.

Chú thích ảnh
Ngư dân ở xã Cà Ná, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận) chuẩn bị đưa tàu vươn khơi đánh bắt vùng biển xa. 

Lực cản từ bão giá

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, những năm gần đây, ngư dân đã chuyển đổi đầu tư sang nghề khai thác cá nổi theo hướng vươn khơi đánh bắt trên các vùng biển xa bờ (nghề lưới chụp, lưới rê hỗn hợp, vây khơi). Sự phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ mà nòng cốt là các tàu đóng mới theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP đã góp phần đưa sản lượng khai thác hải sản của Ninh Thuận tăng nhanh từ 4 - 5%/năm. Đặc biệt, chủng loại hải sản khai thác cũng thay đổi đáng kể. Các loại cá, mực, tôm có giá trị kinh tế cao chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu hải sản đánh bắt được.

Tuy nhiên, ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 trong 2 năm qua và sự tăng giá đến chóng mặt của nhiên vật liệu hiện nay đã làm cho ngư dân đối mặt với nhiều thách thức. Chủ tàu cá ở các địa phương ven biển Ninh Thuận cho biết, những tháng qua, ngư trường thường xuyên xuất hiện đàn cá nổi nên hoạt động đánh bắt cá ngoài khơi của ngư dân vẫn duy trì. Một số tàu cá ngại vươn khơi do tác động của xăng dầu tăng giá nhưng không có tình trạng tàu cá nằm bờ.

Tại cảng cá Cà Ná (xã Cà Ná, huyện Thuận Nam), tiếng máy nổ inh ỏi, nhiều chủ tàu cùng với lao động biển khẩn trương lo sắp xếp ngư lưới cụ, nước đá, dầu… chuyển vào khoang tàu để chuẩn bị ra khơi đánh bắt. Anh Trần Sang (thôn Lạc Sơn, xã Cà Ná) chủ tàu cá 400 CV hành nghề lưới rút cho biết, trước đây vươn khơi đánh bắt, mỗi ngày đêm chỉ tiêu tốn khoảng 7 triệu đồng tiền dầu, nay phải mất 10 triệu đồng. Nếu đánh bắt ở vùng biển đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) phải mất cả tuần và chi phí còn cao hơn nhiều.

Xăng dầu tăng còn kéo theo một số mặt hàng như nước đá, gas nấu, thực phẩm… tăng theo. Đơn cử như việc thuê xe ba gác máy vận chuyển lưới lên bờ, trước đây giá chỉ 150 nghìn đồng/chuyến, giờ lên 200 nghìn đồng/chuyến. Gần đây anh chủ yếu đánh bắt cá nổi gần bờ như cá cơm, cá nục, cá chỉ. Cá cơm được mùa nhưng giá cả không lên, chỉ cần hơi dày cá (được mùa) thì cá cơm lại giảm giá từ 250 nghìn đồng/giỏ xuống còn dưới 200 ngàn đồng/giỏ, trừ đi chi phí thì không lãi bao nhiêu - anh Sang chia sẻ.

Ông Phạm Minh Vương (xã Phước Diêm, huyện Thuận Nam) chủ tàu 580 CV hành nghề pha xúc cho biết, trước đây, tàu ghe đi một đêm chỉ tốn từ 3 - 4 triệu đồng tiền dầu. Nay cũng thời gian đó mà phải tốn khoảng 13 triệu đồng tiền dầu, đó là chưa nói đến chi phí khác như nước đá, thực phẩm, gas... nhưng giá cá lại có chiều hướng ngày càng giảm.

Theo phân tích của ngư dân xã Cà Ná, thông thường, khi tàu cập bến thì hải sản khai thác được bán và chia đều theo tỷ lệ 5/5 (tức chủ tàu 5 và những lao động biển 5). Một chuyến biển nếu đánh bắt được nhiều thì mới có dư. Do đó, mỗi chuyến vươn khơi chủ tàu đều phải xem xét thời tiết vùng biển, xác định kỹ ngư trường theo thông tin hướng dẫn của Chi cục Thủy sản tỉnh. Có vậy mới mong đánh bắt hiệu quả, tăng sản lượng khai thác để đủ chi tiêu.

Chủ động đánh bắt để giảm chi phí

Chú thích ảnh
Ngư dân phường Đông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm (Ninh Thuận) trúng mùa cá ngừ. 

Trước tác động của giá nhiên liệu tăng cao, việc chủ động vùng khai thác để tiết kiệm nhiên vật liệu đang là giải pháp tích cực được các ngư dân ở Ninh Thuận áp dụng hiện nay. Hơn thế nữa, nhiều ngư dân còn chủ động hợp tác khai thác trên biển theo kiểu tổ, đội… để tránh tình trạng tàu nằm bờ.

Ông Trịnh Ngọc Tuấn (xã Cà Ná) - chủ tàu nghề lưới vây rút công suất 723 CV cho biết, hiện giá dầu đã giảm một chút, còn trên 26 ngàn đồng/lít nhưng vẫn còn quá cao nếu so với mức giá trước kia là 11 - 13 nghìn đồng/lít. Để giảm bớt tác động của giá nhiên liệu, ông Tuấn đã chủ động thăm dò chắc chắn vùng biển khai thác, luồng cá nổi để tàu ra đánh bắt đúng vị trí ngư trường, vừa khai thác hiệu quả, vừa tiết kiệm được nhiên liệu…

Thời gian qua, ngư dân Ninh Thuận chủ động hợp tác khai thác trên biển. Đây được coi là một trong những phương cách hoạt động hữu hiệu trong thời bão giá. Ngư dân hỗ trợ nhau tìm ra ngư trường khai thác mới, giúp tiết kiệm nhiên liệu tiêu hao và chi phí cho chuyến đi biển dài ngày. Khi có cá, đã có tàu trong tổ vận chuyển, các tàu còn lại cứ ở tại chỗ đánh bắt tiếp. Nếu làm ăn cá thể, các chủ tàu phải tự đánh bắt, tự vận chuyển, ra vào như vậy rất tốn kém, chưa nói nếu không có cá còn tổn thất hơn nhiều - ngư dân tên Sang cho hay.

Ninh Thuận hiện có khoảng 170 tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển,  với hơn 1.000 tàu cá tham gia, chiếm gần 90% số tàu cá khai thác tại vùng biển khơi. Tất cả tàu trong tổ đoàn kết khi hoạt động đều được hỗ trợ về thông tin ngư trường, thông báo và hướng dẫn thông tin thời tiết nguy hiểm trên biển…

Các chủ tàu chủ động gắn kết, cùng nhau khai thác, phân công tàu vận chuyển hải sản về đất liền, chở nhiêu vật liệu cung cấp cho các tàu khác đang bám biển khai thác…, nhờ đó đã giúp chủ tàu tiết kiệm tối đa vật tư, nhiên liệu, tăng hiệu quả khai thác trong bối cảnh khó khăn này. Hiện tổ đoàn kết đánh bắt hải sản trên biển của ngư dân ở Ninh Thuận đã trở thành nhân tố thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu tàu cá, tạo chuyển biến tích cực cho hoạt động đánh bắt hải sản xa bờ theo hướng kết hợp làm kinh tế gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Hỗ trợ ngư dân bám biển

Theo Chi cục Thủy sản - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, từ đầu năm đến nay, thời tiết trên biển không mấy thuận lợi nên hoạt động khai thác hải sản của ngư dân cũng gặp nhiều khó khăn, đó chưa kể là giá nhiên vật liệu cứ leo thang.

Để ngư dân khai thác có hiệu quả, tiết kiệm được chi phí ra biển, Chi cục luôn khuyến cáo ngư dân theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trước khi vươn khơi; đồng thời phải theo dõi thông tin ngư trường do Chi cục cung cấp để kịp thời cho tàu vươn khơi khai thác.

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Thuận cho biết, Chi cục đã tạo nhóm trên Zalo với các chủ tàu ở từng địa phương (cảng Cà Ná, Đông Hải, Ninh Chữ, Mỹ Tân), đựac biệt là các tàu đánh bắt xa bờ để ngư dân cập nhật thông tin dự báo ngư trường khai thác; đồng thời, dự báo xa trong tháng và dự báo ngay trong ngày về địa điểm ngư trường xuất hiện cá giúp các tàu tăng hiệu quả đánh bắt.

Để hỗ trợ chi phí nhiên liệu cho ngư dân đánh bắt ở vùng biển xa theo Quyết định 48/2010/QĐ-CP về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa, Chi cục Thủy sản Ninh Thuận đang tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND tỉnh phê duyệt bổ dung danh sách tàu cá đủ điều kiện khai thác thủy sản, dịch vụ khai thác thủy sản trên biển.

Từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ra quyết định phê duyệt cho 69 tàu cá đủ điều kiện khai thác thủy sản và tàu dịch vụ khai thác thủy sản trên vùng biển xa. Cùng đó, Ninh Thuận cũng tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể và đầy đủ về cách thức ghi chép nội dung hoạt động khai thác trong sổ nhật ký khai thác thủy sản sau chuyến biển đến ngư dân tham gia hoạt động khai thác ở vùng biển xa được hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48/2010/QĐ-CP. Từ đó, giúp ngư dân hạn chế chi phí nhiên liệu, giảm thiểu chi phí đầu vào…

Bài và ảnh: Công Thử (TTXVN)
Âu tàu - điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển
Âu tàu - điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi bám biển

Những năm qua, các âu tàu tại huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa được xây dựng đồng bộ, cung cấp các dịch vụ hậu cần nghề biển góp phần đồng hành cùng ngư dân vươn khơi đánh bắt hải sản, khẳng định chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN