Ngư dân Ninh Thuận trúng mùa khai thác rong biển

Liên tục trong những tuần gần đây, rong xanh xuất hiện nhiều ở vùng biển thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Chú thích ảnh
Ngư dân dùng vợt vớt rong xanh trôi dạt vào bờ biển xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam. 

Nếu có sức khỏe tốt, một người đi vớt rong biển trong thời gian này có thể kiếm được từ 500.000 – 700.000 đồng/ngày.

Lúc 10 giờ, dưới cái nắng ở vùng biển cuối tháng Tư đến rát da, ông Lê Văn Bình ở xã Phước Dinh cùng cậu con trai cật lực dùng vợt vớt những mảng rong xanh nổi trên mặt nước được sóng biển đưa vào gần bờ. Ngồi nghỉ đợi cho rong biển ráo nước, ông Bình vui vẻ cho biết, từ đầu tháng đến nay, rong xanh xuất hiện dày đặc, chỉ cần dùng vợt quơ vài vòng là đầy sau đó kéo vào bờ. Trên bờ, con gái ông đợi sẵn vận chuyển từng giỏ rong xanh lên phơi ngay trên bãi cát.

Nếu được nắng to thì chỉ cần trong ngày là rong khô, thu dọn cho vào bao tải để bán. Mỗi ngày chịu nắng, chịu ướt cần mẫn như vậy, gia đình ông Bình thu hoạch khoảng 500kg. Nếu có thêm người nhà đi vớt, có thể được 1 tấn rong khô (khoảng 4 kg rong tươi phơi được 1 kg rong khô) với giá bán từ 3.500 - 4.000 đồng/kg, cho thu nhập bình quân khoảng 2 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Ngư dân vận chuyển rong xanh lên phơi trên bãi cát. 

Cách đó không xa, bà Lê Thị Tới cũng đang nhanh tay rải những tảng rong xanh phơi trên nền cát biển trắng xóa. Theo bà Tới, công việc vớt rong chủ yếu dành riêng cho đàn ông có sức khỏe, còn phụ nữ thì bưng lên phơi. Mỗi ngày ở địa phương có hàng chục người đi vớt rong biển. Giá bán rong tươi cho thương lái là 1.000 đồng/kg, còn rong khô có giá 4.000 đồng/kg. Sau đó, rong biển được đưa đến các cơ sở chế biến thức ăn gia súc, phân bón...

Người dân địa phương cho hay, rong xanh là nguồn lợi tự nhiên của biển, có rất nhiều ở vùng biển Phước Dinh. Rong  xanh có quanh năm nhưng mùa thu hoạch cao điểm nhất là từ tháng 3 đến tháng 6. Năm nay, rong biển bắt đầu trôi dạt vào bờ nhiều gấp hai đến ba lần những năm trước nên bà con trúng đậm.

Ông Nguyễn Thành Du, trưởng thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh cho biết, dưới lòng biển có các rạn san hô chạy dài là nơi cho các loại rong rêu biển sinh sôi. Rong biển ở vùng biển xã Phước Dinh có hai loại chính gồm rong xanh và rong mơ. Rong xanh thường từ ngoài biển theo sóng trôi dạt vào các rạn gần bờ, bà con không tốn chi phí khi đi vớt rong biển, người nào chịu khó sẽ vớt được nhiều. Hiện hầu hết những hộ dân trong thôn và khu vực lân cận đều tranh thủ vớt rong biển để kiếm thêm thu nhập. Rong mơ thì phải lặn cắt dưới biển, có giá bán cao hơn và được dùng để biến thực phẩm, nước giải khát…

Chú thích ảnh
Ngư dân tập kết lượng rong xanh khai thác được vào bờ biển để phơi khô. 

Lượng rong xanh vớt được nhiều cùng với giá bán cao giúp ngư dân địa phương có thu nhập đáng kể để trang trải cho sinh hoạt sau thời gian dài phải chịu tác động của đại dịch COVID-19. Ngoài các loại rong xanh, rong mơ người dân còn thu được rong chân vịt, rong câu... có nhiều tại các vùng biển dọc các xã Phước Dinh, Phước Diêm, Cà Ná (huyện Thuận Nam), xã Thanh Hải, Nhơn Hải (huyện Ninh Hải).

Chính quyền các địa phương đang đẩy mạnh vận động, tuyên truyền để bà con khai thác hợp lý, đảm bảo sinh kế, bảo vệ môi trường biển trong sạch, giảm thiểu tác hại đến môi trường sống của sinh vật biển để duy trì nguồn lợi bền vững.

Tin, ảnh: Nguyễn Thành (TTXVN)
Bến Tre trúng mùa, được giá vụ lúa Đông Xuân
Bến Tre trúng mùa, được giá vụ lúa Đông Xuân

Phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt, cùng với thời tiết thuận lợi, nông dân tỉnh Bến Tre đang bước vào thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2021-2022 với niềm vui trúng mùa, được giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN