Để chuẩn bị cho chuyến biển dài ngày (từ cuối tháng 3 đến giữa tháng 4) đánh bắt cá ngừ đại dương tại ngư trường Hoàng Sa, bà Phạm Thị Long, chủ tàu BĐ 96746 (phường Hoài Đức, thị xã Hoài Nhơn) đã chuẩn bị khoảng 2.000 lít dầu. Với giá dầu tăng cao như hiện nay, tổng chi phí cho nhiên liệu khai thác gần 50 triệu đồng; đây là mức chi phí cao gần gấp đôi so với thời điểm trước khi giá dầu tăng. Tuy nhiên, bà Long cùng 5 bạn thuyền vẫn quyết định ra khơi với hy vọng đánh bắt được nhiều cá ngừ đại dương, có lãi sau khi đã trừ các chi phí.
Bà Long cho biết, hiện nay giá dầu tăng cao nhưng giá cá ngừ đại dương cũng ở mức cao với từ 150.000 đồng/kg trở lên nên nếu ra khơi đánh bắt được số lượng cá nhiều thì sẽ cho thu nhập ổn định. Bên cạnh đó, bà Long cũng được địa phương hỗ trợ tiền dầu theo Quyết định 48/2010/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa nên giảm bớt được nhiều khó khăn trong tình hình giá dầu tăng cao hiện nay.
Cũng bị ảnh hưởng do giá dầu liên tục tăng cao trong thời gian gần đây nhưng ông Võ Minh Mùa, chủ tàu BĐ 05090 (phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn) vẫn thường xuyên thực hiện các chuyến biển gần bờ để đánh bắt các loại cá nục, hố, đuối. Mỗi ngày ông Mùa tốn khoảng 500.000 đồng tiền dầu, cao hơn nhiều so với trước đây nên ông cố gắng đánh bắt nhiều hơn, giữ được mức lãi sau khi bán cá từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng/ngày. Ông Mùa cho biết, làm nghề biển đã hơn 20 năm nay nên dù khó khăn do giá dầu tăng cao nhưng ông vẫn bám biển. Trong tình hình hiện nay, ông Mùa tận dụng nguồn lao động từ gia đình, bớt phụ thuộc vào bạn thuyền để giảm chi phí.
Theo ông Nguyễn Minh Khải, Giám đốc Ban quản lý cảng cá Tam Quan (thị xã Hoài Nhơn), hiện nay địa phương có khoảng 1.500 tàu cá hoạt động; trong đó có 80% hành nghề đánh bắt cá ngừ đại dương. Mặc dù giá dầu tăng cao nhưng hầu hết các tàu vẫn ra khơi. "Hiện nay đang vào mùa biển, sản lượng cá tôm khai thác được nhiều; bên cạnh đó ngư dân đánh bắt ở các vùng biển xa được hỗ trợ theo Nghị định 48/2010/QĐ-Ttg của Thủ tướng Chính phủ với 4 chuyến biển/năm. Ngoài ra giá cá ngừ đại dương đang tăng cao nên ngư dân hăng hái ra khơi bám biển", ông Khải nói.
Tại cảng cá Quy Nhơn (thành phố Quy Nhơn), mặc dù nhiều chủ tàu tỏ ra khá lo lắng khi giá dầu ở mức tăng cao nhưng vẫn tổ chức ra khơi đánh bắt hải sản.
Ngư dân Đào Văn Xuân (phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn) cho biết, ông cùng 5 ngư dân khác vươn khơi câu cá ngừ đại dương ở ngư trường Trường Sa. Sau gần 20 ngày khai thác trên biển, tàu cá của ông câu được 1,4 tấn cá; với giá bán 150 ngàn đồng/kg thì chuyến biển này ông thu được 210 triệu đồng. Trừ tất các chi phí, trong đó chi phí dầu khoảng 70 triệu đồng, tàu của ông còn lãi hơn 50 triệu đồng. Mặc dù lãi không cao nhưng vì mưu sinh nên tàu cá của ông Xuân vẫn thường xuyên vươn khơi bám biển.
Ông Đào Xuân Thiện, Giám đốc Ban quản lý cảng Bình Định cho biết, trong nửa đầu tháng 3/2022 có 123 tàu cá cập cảng Quy Nhơn để bán cá và neo đậu nhưng chỉ có 81 tàu xuất bến. Qua theo dõi, số tàu đang neo đậu tại cảng và chưa ra khơi chủ yếu là tàu cá đánh bắt ven bờ.
Tỉnh Bình Định hiện có khoảng 6.000 tàu cá đăng ký hoạt động. Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh có khoảng 5.000 tàu cá đánh bắt trên biển, trong đó hoạt động chủ yếu với các nghề câu, lưới vây, mành chụp. Trong 3 tháng đầu năm, thời tiết diễn biến không thuận lợi, bên cạnh đó giá nhiên liệu và một số mặt hàng nhu yếu phẩm tăng làm tăng tổn phí của chuyến biển, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, ngư dân Bình Định vẫn đảm bảo tình hình hoạt động sản xuất trên biển.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bình Định, sản lượng thủy sản quý I năm 2022 của tỉnh ước đạt hơn 47.260 tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm 2021. Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Định khuyến cáo ngư dân nên khai thác theo tổ đội, theo chuỗi liên kết để giảm chi phí, nâng cao chất lượng trong khâu bảo quản để tăng giá trị sản phẩm.