Trong tổng số kinh phí đã hỗ trợ cho ngư dân, tiền dầu diesel chiếm đến hơn 414 tỷ đồng cho trên 6.370 chuyến biển đánh bắt hải sản xa bờ.
Ngư dân Khánh Hòa đóng mới nhiều tàu cá theo Nghị định 67/NĐ-CP. |
Số tiền này được hỗ trợ theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg của Chính phủ về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.
Ngư dân Nguyễn Thuận, 37 tuổi, Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Thọ, thành phố Nha Trang cho biết, mỗi năm có 4 chuyến biển được hỗ trợ tiền dầu diesel, mỗi chuyến 100 triệu đồng.
Việc hỗ trợ tiền dầu diesel đã tạo động lực rất lớn cho ngư dân vươn khơi, nhất là ở những thời điểm hải sản mất mùa hoặc được mùa mất giá.
Bên cạnh đó, ngư dân Khánh Hòa cũng nhận được hỗ trợ khác theo Quyết định 48/2010/QĐ-TTg, Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản…
Cụ thể, tỉnh Khánh Hòa đã hỗ trợ cho ngư dân 450 máy thông tin liên lạc có tổng giá trị trên 13,1 tỷ đồng, gần 1.380 trường hợp bảo hiểm thân tàu với 10,3 tỷ đồng, khoảng 6.900 bảo hiểm thuyền viên với gần 2,3 tỷ đồng, đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hơn 5,8 tỷ đồng…
Hiện nay, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục triển khai nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân như: đào tạo kỹ thuật giúp ngư dân đi biển an toàn, thành lập các tổ, đội liên kết sản xuất trên biển, nghiệp đoàn nghề cá...
Tỉnh đang đẩy nhanh việc phê duyệt cho ngư dân vay vốn đóng mới, nâng cấp, cải hoán tàu cá, tàu dịch vụ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã kiến nghị với Trung ương, cần trang bị các thiết bị hướng dẫn phương án giám sát tàu thuyền hiện đại để kịp thời hỗ trợ cứu nạn khi có sự cố xảy ra trên biển; có chính sách đối với ngư dân tham gia liên kết theo chuỗi giá trị từ khai thác, thu mua đến chế biến; quy định rõ từng mức hỗ trợ cụ thể đối với lao động bị tai nạn, mất tích trên biển...
Tỉnh Khánh Hòa hiện có khoảng 10.000 tàu cá, trong đó có trên 1.200 tàu đánh bắt xa bờ.