Hỗ trợ ngư dân phát triển kinh tế biển bền vững

Nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, thành phố Đà Nẵng, đời sống kinh tế của nhiều hộ ngư dân trên địa bàn đã phát triển bền vững, mạnh dạn đầu tư nâng cấp các phương tiện đánh bắt xa bờ.

Nhiều giải pháp đã được thành phố Đà Nẵng triển khai nhằm mục tiêu phát triển bền vững kinh tế-xã hội đặc biệt đối với vùng biển đảo. Trong đó, việc xây dụng mô hình tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn và "Thí điểm giới thiệu đảng viên Bộ đội Biên phòng giữ mối liên hệ thường xuyên với cấp ủy, chi bộ khu dân cư ven biển trên địa bàn thành phố” đã phát huy hiệu quả bước đầu, góp phần xây dựng thành phố giàu về kinh tế, mạnh về quốc phòng - an ninh; chủ quyền biên giới biển, đảo của Tổ quốc được giữ vững.

Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng được giao nhiệm vụ quản lý đường biên giới trên biển với chiều dài chính diện 34km, gồm 17 phường biên giới biển thuộc 5 quận, 1 huyện đảo Hoàng Sa. Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng có những bước phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng- an ninh và đối ngoại. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao, cơ sở hạ tầng được chỉnh trang xây dựng ngày một khang trang hơn; trong đó nhiều hộ ngư dân có đời sống kinh tế phát triển nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước, thành phố, mạnh dạn đầu tư nâng cấp các phương tiện đánh bắt xa bờ.

Địa bàn Đà Nẵng hiện có khoảng 2.000 phương tiện lớn, nhỏ; trong đó có hơn 750 phương tiện có công suất từ 45 CV trở lên, thường xuyên đánh bắt dài ngày trên biển, thu hút số lượng lớn lao động trong và ngoài địa bàn đến sinh sống, làm ăn. Đà Nẵng cũng là nơi thuận lợi cho việc neo đậu tàu thuyền của ngư dân thuộc các tỉnh lân cận. Vì vậy, số lượng phương tiện đến neo đậu tại các âu thuyền, cảng cá thuộc khu vực biên giới biển ngày càng nhiều. Trên biển, hoạt động của tàu thuyền nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam, đánh bắt hải sản, tranh chấp ngư trường ngày càng nhiều, làm ngư dân lo lắng. Tình hình trộm cắp ngư lưới cụ; bươn, vướng lưới; tông va, tai nạn rủi ro trên biển khá phức tạp.

Tàu Genting Dream hiện đại cập cảng đưa khách du lịch đến Đà Nẵng. Ảnh: Đinh Văn Nhiều-TTXVN

Từ đặc điểm tình hình nói trên và trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới vùng biển trong giai đoạn hiện nay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng đã xây dựng kế hoạch “Xây dựng mô hình tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn, làng nghề cá văn hóa”; đồng thời chỉ đạo các đồn Biên phòng quán triệt cán bộ, chiến sĩ tích cực bám nắm tình hình địa bàn, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có kế hoạch lãnh đạo, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể thực hiện. 

Trong quá trình thực hiện, các đơn vị đã kết hợp chặt chẽ giữa việc phát động xây dựng phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới vùng biển” của Tổ quốc. Bên cạnh việc triển khai xây dựng mô hình “Tổ tàu thuyền, bến bãi an toàn, làng nghề cá văn hóa”, Bộ đội Biên phòng thành phố đã phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn triển khai xây dựng các mô hình tự quản như “Khu dân cư văn hóa biển” Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu); Tân Trung, phường Xuân Hà (quận Thanh Khê); Tân An, phường Mân Thái (quận Sơn Trà); Tân Trà - phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn). Những mô hình trên đã thực hiện tốt chủ trương của thành phố về văn hóa, văn minh đô thị, đồng thời góp phần nâng cao đời sống văn hóa nhân dân vùng biển, được nhân dân đồng tình ủng hộ và hiệu quả hoạt động của các khu dân cư văn hóa biển đã có nhiều đóng góp tích cực trong việc thực hiện chủ trương của thành phố về Năm văn hóa, văn minh đô thị. 

Đại tá Lê Văn Phúc, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng cho biết, trong giai đoạn 2010-2016, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng luôn phối hợp chặt chẽ với Quận ủy, Huyện ủy, UBND các quận, huyện tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị Bộ đội Biên phòng thành phố thực hiện tốt các biện pháp công tác biên phòng, phối hợp với các lực lượng, ban, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân khu vực biên giới, chủ động nắm tình hình từ xa, từ nhiều nguồn, giải quyết nhanh và dứt điểm các nguồn tin liên quan đến xâm phạm chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển, an ninh trật tự khu vực biên giới biển và đấu tranh chống các loại tội phạm; tham mưu tốt trong công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển. 

Kết quả, Bộ đội Biên phòng thành phố phối hợp với các địa phương xây dựng 92 tổ tàu thuyền đánh bắt hải sản an toàn gồm 660 tàu cá, trong đó có 42 tổ/180 phương tiện đánh bắt xa bờ; tổ chức ký kết quy ước liên lạc với 100% tàu đánh bắt xa bờ; tổ chức trực canh 24/24 giờ qua 5 Đài canh thông tin liên lạc biển của Bộ đội Biên phòng thành phố; sử dụng hiệu quả hệ thống trạm bờ do UBND thành phố hỗ trợ, duy trì hơn 20.000 phiên liên lạc với gần 50.000 lượt tàu cá, kịp thời phát hiện, xua đuổi hàng nghìn lượt tàu đánh cá nước ngoài xâm phạm chủ quyền vùng biển Việt Nam khai thác hải sản trái phép..

Văn Sơn (TTXVN)
Đà Nẵng sẵn sàng ứng phó mưa lũ
Đà Nẵng sẵn sàng ứng phó mưa lũ

Do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc kết hợp với nhiễu gió đông trên cao, từ ngày 14 đến 16/12, tại thành phố Đà Nẵng có mưa lớn trên diện rộng, nhiều địa phương có lượng mưa lớn như Hòa Bắc 193 mm, Sơn Trà 158 mm, Cẩm Lệ 113mm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN