Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Siết chặt quản lý tàu cá

Để quản lý hiệu quả hoạt động của các tàu cá khai thác, đánh bắt xa bờ, các địa phương đã dần siết chặt quản lý hoạt động của tàu cá.

Đây cũng là một trong những biện pháp được các địa phương áp dụng đề phòng chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định, đáp ứng các tiêu chí của Ủy ban châu Âu và các thị trường áp dụng chống khai thác, đánh bắt trái phép (IUU) hiện nay. 

Chú thích ảnh
Để góp phần tháo gỡ “thẻ vàng” cho ngành thủy sản, ngư dân Khánh Hòa đã và đang nỗ lực thực hiện việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Ảnh: TTXVN

Xử phạt nghiêm khắc hơn

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tỷ lệ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá khai thác, đánh bắt xa bờ của cả nước đạt khoảng 87%, tỷ lệ đánh dấu màu sơn cho tàu cá đạt hơn 90%. Tuy nhiên, vẫn còn những địa phương đạt tỷ lệ thấp hơn mức bình quân cả nước, làm ảnh hưởng đến quá trình hoạt động chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp chung của cả nước.

Tính đến cuối tháng 7/2021, cả nước vẫn còn 32 tàu cá vi phạm quy định và đã bị xử lý nghiêm. Bên cạnh đó, vẫn có trường hợp các tàu cá đã lắp thiết bị giám sát hành trình, nhưng lại xảy ra lỗi mất kết nối. Có những lỗi mặc dù phát hiện được nhưng khâu xử lý lại rất khó khăn, đặc biệt là việc mất kết nối do loài gặm nhấm phá hoại và mất kết nối không xác định được nguyên nhân.

Chính vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy sản đã áp dụng chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn để các tàu khai thác, đánh bắt xa bờ ý thức được việc nâng cao thực thi quy định chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp; đồng lòng kết nối để nhanh chóng giải quyết được các trường hợp mất kết nối khi tàu hoạt động tại các ngư trường vùng khơi.

Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản đã quy định rất rõ 14 hành vi vi phạm trong khai thác bất hợp pháp. Nếu ngư dân vi phạm 1 trong 14 hành vi này sẽ phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Mức xử phạt trong Nghị định 42/2019/NĐ-CP khá cao, gấp từ 5-10 lần so với Nghị định 103/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản trước đây.

Về cơ bản, nếu xử lý nghiêm sẽ chấm dứt được tình trạng tàu cá vi phạm khai thác trong nước cũng như ở vùng biển nước ngoài. Đặc biệt, đối với các trường hợp đã vi phạm mà còn tái phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc hơn.

Để góp phần tạo nên 87% đội tàu đánh bắt xa bờ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thực hiện nghiêm chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, không theo quy định, nhiều địa phương đã xử phạt nghiêm tàu cá vi phạm như: Quảng Ninh, Bình Định, Ninh Thuận, Bình Thuận, Kiên Giang, Cà Mau, Bạc Liêu…

Ông Đặng Văn Tín, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Thuận chia sẻ, Ninh Thuận thực hiện rất nghiêm quản lý, giám sát tàu cá hoạt động vùng khơi. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã thành lập Văn phòng đại diện Thanh tra, Kiểm soát nghề cá. Từ đầu năm đến nay, Văn phòng đã kiểm tra 3.882 lượt tàu cá; trong đó, có 2.000 lượt tàu rời bến và hơn 1.800 lượt tàu cập bến.

Việc ghi, nộp nhật ký khai thác hải sản được Ban quản lý khai thác cảng cá thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời, định kỳ vào ngày 20 hàng tháng, Ban quản lý khai thác các cảng cá tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kiểm tra, kiểm soát tàu cá, giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng và xác nhận nguồn gốc thủy sản từ khai thác về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ban quản lý khai thác các cảng cá chuyển giao nhật ký khai thác, báo cáo khai thác đã thu trong tháng về Chi cục Thủy sản theo quy định. Đối với tàu cá vi phạm quy định chống khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, sau khi xử phạt mà còn tái phạm, tỉnh Ninh Thuận thực hiện chế tài tước giấy phép khai thác vĩnh viễn.

Các tỉnh xử phạt thực hiện xử phạt nghiêm như: Quảng Ninh, Bình Định, Kiên Giang, Cà Mau, Bình Thuận… đã góp phần giảm tình trạng tàu cá vi phạm. Do vậy, các tỉnh khác cũng cần phải triển khai xử phạt đồng bộ hơn, tránh tình trạng tỉnh này xử phạt nặng thì ngư dân chạy sang tỉnh xử phạt nhẹ để trốn tránh chế tài xử phạt.

Do đó, các tỉnh phải có cơ chế phối hợp trong việc xử lý tàu cá vi phạm. Hiện, một số địa phương đã ký quy chế phối hợp và có sự triển khai thực hiện rất tích cực, Tổng cục Thủy sản sẽ có kết nối để có sự đồng bộ, phối hợp giữa các địa phương.

Tổng cục Thủy sản đang xây dựng cơ sở dữ liệu về xử phạt vi phạm hành chính. Theo đó, các tỉnh sẽ triển khai đồng bộ, đồng đều giữa các tỉnh, tránh tình trạng khung xử phạt bị lệch pha, tỉnh này xử phạt nặng, tỉnh kia xử phạt nhẹ.

Nhiều năm không có tàu cá vi phạm

Cam kết không có tàu cá vi phạm các quy định về khai thác, đánh bắt bất hợp pháp, tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đã nỗ lực thực hiện để nhiều năm không có tàu cá vi phạm Luật Thủy sản 2017 và 9 tiêu chí của Ủy ban châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

Theo đó, các ngư dân, thuyền trưởng sẽ khai báo với các cơ quan chức năng 1 tiếng trước khi tàu cá cập bến tại các địa phương này. Ông Võ Khắc Én, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa ghi nhận, ngư dân trong tỉnh Khánh Hòa đã nỗ lực trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật. Từ tháng 10/2018 đến nay, không có tàu cá nào của tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài. Bên cạnh đó, các tàu cá đã tuân thủ khá nghiêm túc việc khai báo khi rời cảng và cập cảng. Việc kiểm tra, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác trên địa bàn đã đi vào nề nếp, kiểm soát chặt chẽ…

Ngư dân Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Phước Đồng (thuộc Liên đoàn lao đồng thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) cho hay, ngư dân đánh bắt xa bờ của tỉnh đã tuân thủ nghiêm ngặt việc khai báo khi rời cảng và cập cảng.

Không những thế, riêng 32 tàu cá của nghiệp đoàn cũng đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cũng như được cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm từ nhiều năm nay. Đặc biệt, các tàu mỗi chuyến biển vươn khơi đều cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Riêng tàu cá của ông Phúc hành nghề câu cá ngừ đại dương chưa bao giờ vi phạm vùng biển nước ngoài dù vùng biển Việt Nam “vắng cá”.

Cùng với ngư dân tỉnh Khánh Hòa, ngư dân tỉnh Phú Yên cũng nghiêm chỉnh tuân thủ các quy định IUU. Các hoạt động của tàu cá trên biển cũng được cơ quan quan chức năng kiểm soát, giám sát chặt chẽ thông qua hệ thống giám sát tàu cá. Từ đó, cơ quan chức năng kịp thời thông báo cho chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá có dấu hiệu vượt ranh giới cho phép khai thác trên biển.

Bên cạnh đó, những tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác quy định IUU cũng đã được lập danh sách gửi cho Bộ đội Biên phòng và chính quyền địa phương phối hợp tuyên truyền nhắc nhở, theo dõi, giám sát thường xuyên để ngăn ngừa vi phạm vùng biển nước ngoài. Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, tỉnh Phú Yên không có tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên chia sẻ, tỉnh Phú Yên đã tập trung chỉ đạo quyết liệt các giải pháp thực hiện chống khai thác hải sản trái phép theo IUU. Đặc biệt nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, tỉnh đã kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu cá ngay tại cảng cá. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cũng yêu cầu các thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Hồng Nhung – Minh Hưng (TTXVN)
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Gỡ khó trong lắp thiết bị giám sát tàu cá
Khắc phục 'thẻ vàng' IUU: Gỡ khó trong lắp thiết bị giám sát tàu cá

Với đường bờ biển dài 102 km, Thanh Hóa hiện có hàng nghìn phương tiện khai thác thủy sản; trong đó, có hơn 1.280 tàu cá có chiều dài trên 15 m.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN