Tàu cá của ông Nguyễn Thanh Hòa, ngụ thị trấn Long Hải, huyện Long Điền có công suất 300 CV, chuyên khai thác xa bờ. Theo ông Hòa, mỗi chuyến ra khơi thường đi kéo dài từ 15 - 20 ngày với khoảng 12 thuyền viên, trung bình mỗi lần ra khơi sẽ khai thác khoảng 10 tấn cá, sau khi trừ các chi phí ông thu về 50 triệu đồng.
Để đảm bảo an toàn trong chuyến đi, ông đã trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị an toàn, cứu nạn, phương tiện bảo vệ cho người và tàu cá như phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc, đèn, còi, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, chống va đập, chống chìm..., với chi phí để lắp các thiết bị này lên đến tiền tỷ và đều là các loại thiết bị máy móc khá hiện đại, nên ông khá yên tâm để bám biển và chủ động trong việc phòng tránh thiên tai. Các thiết bị cũng hỗ trợ để bạn tàu thường xuyên thông tin trao đổi qua lại, hỗ trợ lẫn nhau nếu có vấn đề xẩy ra.
Ngoài ra, khi có thiết bị giám sát hành trình và hộp đen, nếu tàu gặp nạn hay vượt quá vùng biển đánh bắt, các lực lượng Biên phòng sẽ nhanh chóng nhắc nhở để ngư dân không vi phạm vào vùng đánh bắt.
Là ngư dân có trên 30 năm bám biển, ông Thân Doanh Hoàng, chủ tàu công suất 250 CV, với 8 thuyền viên trên tàu, hiện đang neo đậu tại Cảng cá Lộc An, huyện Đất Đỏ cho biết, với ngư dân dù biển động hay êm, vẫn phải vươn khơi, nghề đi biển luôn phải sống chung với bão gió. Trước đây, vào mùa mưa bão, việc đi biển gặp nhiều khó khăn, nguy hiểm bởi chưa có các phương tiện thông tin liên lạc hiện đại như bây giờ, 30 năm qua không ít lần tàu của gia đình ông gặp nguy hiểm ảnh hưởng tới tính mạng do bão lớn trên biển.
Tuy nhiên, những năm gần đây, dưới sự hướng dẫn của các cơ quan chức năng, trên các tàu khai thác xa bờ tại Cảng cá Lộc An cũng như tàu cá của gia đình ông Hoàng đã được trang bị đầy đủ máy móc, như: radio, vô tuyến đệm, thiết bị giám sát hành trình và các thiết bị an toàn, cứu nạn như áo phao, phao cứu sinh... Do đó, ngư dân rất chủ động trong việc phòng tránh thiên tai.
“Trước mỗi chuyến đi xa, để bảo đảm an toàn về người và phương tiện, chúng tôi được Ban quản lý Cảng kiểm tra đầy đủ các thiết bị bảo hộ, hệ thống thông tin liên lạc trên tàu phải trong tình trạng hoạt động tốt. Trong quá trình hoạt động trên biển, ngư dân thường xuyên được thông báo về tình hình thời tiết, thông qua hệ thống phát thanh, thiết bị giám sát hành trình. Nhờ đó, chúng tôi chủ động liên hệ thông báo về vị trí tàu và chấp hành sự điều động, chỉ dẫn của các cơ quan chức năng khi gặp bão”, ông Hoàng cho hay.
Ông Nguyễn Bi, Trưởng phòng Quản lý khai thác và phát triển nguồn lợi thủy hải sản, Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn, vào những tháng cuối năm thời tiến diễn biến khá phức tạp, đặc biệt sẽ xuất hiện nhiều cơn bão lớn. Do đó, chi cục đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể và chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, kêu gọi tàu, thuyền, ngư dân tránh trú bão an toàn khi có tình huống thiên tai xảy ra.
Ngoài các hoạt động tuyên truyền như phát tờ rơi, tổ chức các lớp tập huấn về Luật Thủy sản, hướng dẫn thực hiện cứu nạn, cứu hộ trên biển. Chi cục đã triển khai quyết liệt bắt buộc lắp thiết bị như radio, bộ đàm, áo phao, phao cứu nạn… Trường hợp có bão to thiết bị radio sẽ thông báo 30 phút/lần, bão xa 1 giờ/lần để ngư dân chủ động phòng tránh thiên tai.
Đặc biệt, thực hiện Kế hoạch số 74/KH-UBND về lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai có hiệu quả. Theo đó, tính đến tháng 7/2020 đã lắp đặt thiết bị được 2.384/2.901 tàu cá bắt buộc gắn máy. Việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá không những phục vụ quản lý, giám sát, phát hiện, xử lý các trường hợp tàu cá vi phạm quy định khai thác bất hợp pháp, tiến tới chấm dứt tình trạng tàu cá tỉnh vi phạm vùng biển nước ngoài, còn hỗ trợ cho công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với Đồn Biên phòng, Trạm Kiểm ngư, Cảng cá thực hiện kiểm tra, kiểm soát tất cả các trang bị, phương tiện kỹ thuật trên các tàu cá trước khi ra biển phải được bật, mở các thiết bị, phương tiện liên lạc. Tàu cá nào không tuân thủ theo quy định sẽ không được phép ra khơi. Đối với thiết bị giám sát hành trình, bắt buộc các tàu phải bật 24/24h và xử phạt nghiêm những trường hợp tàu cá không chấp hành quy định.
“Các đơn vị cũng thường xuyên trao đổi thông tin trong các trường hợp có bão, áp thấp nhiệt đới nhằm nắm được số lượng và vùng hoạt động của tàu cá, tổ chức thông báo các địa điểm neo đậu, tránh trú bão an toàn cho các tàu, thuyền khai thác thủy sản giúp ngư dân chủ động phòng tránh thiên tai trên biển”, ông Bi cho biết thêm.