Thi đua chống IUU trong toàn quân
Nhân kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 - 3/3/2023) và 34 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 - 3/3/2023), Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang phát động phong trào thi đua chống IUU trong toàn quân với tinh thần đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ của từng đơn vị, cán bộ, chiến sĩ.
Đại tá Huỳnh Văn Đông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh nhấn mạnh, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang tham mưu cho tỉnh có giải pháp căn cơ, bền vững, khai thác kết hợp nuôi trồng, bảo vệ nguồn lợi thủy sản; có chính sách chuyển đổi nghề khai thác để không làm ảnh hưởng nguồn lợi hải sản, vận động chủ tàu cá, thuyền trưởng cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài. Bộ đội Biên phòng phối hợp với lực lượng chức năng địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khai thác hải sản để ngư dân, chủ tàu, thuyền trưởng nâng cao nhận thức, chấp hành đúng chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, nắm rõ các chế tài xử phạt của Việt Nam, các nước. Hàng tháng, đơn vị xây dựng từ 1 - 2 bài, phóng sự trên báo, Cổng thông tin điện tử, Đài Phát thanh và Truyền hình Kiên Giang.
Bộ đội Biên phòng còn tuyên truyền theo các chuyên đề, chuyên sâu về chống IUU, lồng ghép với các hoạt động truyền thông, văn hóa, văn nghệ, sân khấu hóa; phối hợp với các ngành chức năng xây dựng 1 - 2 cụm pano, áp phích, khẩu hiệu, tranh cổ động tại xã, cụm dân cư ven biển, đảo và sáng tác từ 1 - 2 vở kịch ngắn, tiểu phẩm để biểu diễn phục vụ nhân dân nhằm tuyên truyền, giúp ngư dân chấp hành pháp luật về thủy sản và IUU. Mặt khác, đơn vị giao nhiệm vụ cho đảng viên đồn Biên phòng phụ trách các hộ dân ở khu vực biên giới vùng biển, đảo, thường xuyên tuyên truyền, vận động ngư dân, chủ cơ sở khai thác, sản xuất, kinh doanh hải sản, chủ phương tiện, thuyền trưởng cam kết khai thác, sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị phối hợp chặt chẽ với lực lượng chức năng, địa phương phát huy hiệu quả mô hình “Tổ tàu thuyền an toàn”, “Bến bãi tự quản” và hoạt động Văn phòng đại diện tại các cảng cá, phối hợp với ngành chức năng kiểm tra, kiểm soát việc xuất, nhập bến, truy xuất nguồn gốc hải sản.
Đại tá Huỳnh Văn Đông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang nêu rõ, đơn vị tăng cường hiệu quả công tác quản lý người, tàu cá trước khi xuất, nhập bến và cả khi hoạt động trên biển, bảo đảm 100% tàu cá ra khơi đầy đủ giấy tờ, trang thiết bị an toàn kỹ thuật theo quy định. Tất cả tàu cá có chiều dài từ 6 m trở lên phải được lập hồ sơ, danh sách quản lý, theo dõi, nhất là nhóm tàu cá “nguy cơ cao” vi phạm vùng biển nước ngoài. Đơn vị thống nhất quy trình công tác tuần tra trên biển, hệ thống sổ đăng ký xuất, nhập bến đối với các Trạm kiểm soát Biên phòng; tổ chức kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá ngư dân xuất, nhập cảng, bến, cửa sông, lạch... theo đúng quy định của pháp luật; kiên quyết không cho tàu cá xuất bến nếu không đảm bảo các yêu cầu về hoạt động khai thác hải sản.
Bên cạnh đó, Bộ đội Biên phòng Kiên Giang thường xuyên, chủ động trao đổi, thông báo với lực lượng Hải quân Vùng 5, Vùng Cảnh sát biển 4, Kiểm ngư vùng 5 về tình hình tàu cá xuất bến để phối hợp quản lý, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm IUU và phối hợp chặt chẽ để truy xuất, theo dõi hoạt động của các tàu cá, kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm IUU. Đơn vị phối hợp với ngành chức năng phát huy hiệu quả các hệ thống trang thiết bị về quan sát, trinh sát, giám sát thông tin liên lạc, thiết bị VMS cảnh báo, phát hiện, ngăn chặn kịp thời 100% tàu cá có dấu hiệu sang vùng biển nước ngoài, nắm ngư trường và hoạt động của ngư dân trên biển cũng như lực lượng chức năng các nước hoạt động trong khu vực để kịp thời ngăn chặn tàu cá ngư dân sang vùng biển nước ngoài, bảo vệ an toàn cho ngư dân trước lực lượng chức năng các nước ở khu vực vùng biển còn chồng lấn về tuyên bố chủ quyền.
Bộ đội Biên phòng tỉnh điều tra xác minh 100% số chủ tàu, thuyền trưởng và 70 - 80% thuyền viên bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, thả về, đối tượng nhận gửi thiết bị VMS để làm rõ phương thức, thủ đoạn trốn tránh lực lượng chức năng; phân loại, lập hồ sơ tàu có nguy cơ cao vi phạm IUU để theo dõi, trao đổi, thông báo, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan để theo dõi, giám sát, kịp thời ngăn chặn...
Nỗ lực thực hiện các khuyến nghị của Đoàn thanh tra Ủy ban châu Âu
Trong 2 tháng đầu năm 2023, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện Kế hoạch hành động 180 ngày của Chính phủ, của tỉnh và chống IUU. Các đơn vị Bộ đội Biên phòng vừa tự tổ chức, vừa phối hợp với các lực lượng, cơ quan chức năng, địa phương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và những hệ lụy của việc vi phạm vùng biển nước ngoài ảnh hưởng đến chính trị, ngoại giao, kinh tế của quốc gia, của người dân cho hơn 5.500 lượt ngư dân, các chủ tàu.
Các đồn, trạm Biên phòng khi làm thủ tục cho tàu cá ra, vào cửa sông, cửa biển đã tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về khai thác hải sản, cam kết không đánh bắt hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài cho hơn 2.680 thuyền trưởng, phát 2.150 tờ rơi, 500 thư kêu gọi của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang, 2.500 cuốn tài liệu về chống IUU, tặng 650 lá cờ Tổ quốc cho ngư dân.
Các đồn, trạm Biên phòng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ khi tàu xuất, nhập bến, thực hiện đúng quy trình. Trong 2 tháng đầu năm 2023, tổng số lượt tàu cá xuất bến hơn 8.500 lượt phương tiện với trên 34.650 lượt thuyền viên; tàu cá nhập bến hơn 5.950 lượt phương tiện với trên 22.100 lượt thuyền viên; không giải quyết xuất bến 48 phương tiện chưa đảm bảo đủ giấy tờ theo quy định, xử phạt vi phạm hành chính 2 vụ, 2 đối tượng về hành vi không chấp hành việc kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Bộ đội Biên phòng Kiên Giang thường xuyên phối hợp với các lực lượng tổ chức tuần tra bảo vệ biên giới, vùng biển, chống IUU, kiểm tra, nhắc nhở gần 400 thuyền trưởng và chủ tàu cá, xử lý 5 vụ, 5 chủ phương tiện; trong đó, 2 trường hợp có hành vi tự ý tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá không có sự giám sát của đơn vị cung cấp, lắp đặt và 3 trường hợp sử dụng kích điện để khai thác hải sản.
Theo Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang, công tác đấu tranh phòng, chống IUU còn tồn tại những hạn chế, khó khăn, bất cập cần có các giải pháp đồng bộ để thực hiện chủ động, hiệu quả hơn. Cụ thể: Bộ đội Biên phòng Kiên Giang không trực tiếp phát hiện, bắt giữ tàu cá vi phạm ngoài khơi mà chỉ nhận được thông tin từ các lực lượng (như: Hải quân, Cảnh sát biển, Cục lãnh sự) và không được cung cấp đầy đủ các bằng chứng cụ thể (về vị trí phát hiện, bắt giữ, hình ảnh, video tàu cá đang khai thác hải sản trên vùng biển) làm cơ sở xử lý vi phạm. Các tàu cá vi phạm do Đại sứ quán Việt Nam tại các nước cung cấp cũng chưa có hồ sơ, giấy tờ đầy đủ. Do đó, đơn vị không có cơ sở để đấu tranh, xử lý chủ tàu vi phạm.
Mặt khác, thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá có dây niêm phong dễ thay thế, tháo gỡ, dễ bị hư hỏng… Vì thế, trước khi đưa tàu cá sang vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, các tàu đã tháo thiết bị giám sát hành trình gửi sang một tàu cá khác hoạt động ở khu vực giáp ranh với các nước hoặc vô hiệu hóa thiết bị. Đặc biệt, khi tàu bị lực lượng chức năng nước ngoài bắt giữ, thiết bị được yêu cầu ngắt kết nối. Do vậy, đơn vị chức năng không xác định chính xác vị trí tọa độ tàu cá bị bắt để làm căn cứ xác định tàu đó vi phạm vùng biển nước ngoài. Ngoài ra, phần lớn các chủ tàu cá đều vay tiền ngân hàng đóng tàu nên bị áp lực trong trả nợ vay. Trong khi đó, nguồn lợi hải sản trên ngư trường suy kiệt, đánh bắt không hiệu quả. Vì vậy, các tàu cá đã lén lút, tìm mọi cách sang vùng biển nước ngoài khai thác đánh bắt hải sản trái phép.