Để triển khai hiệu quả việc phòng chống IUU trong thời gian qua, các đơn vị chức năng đã thống kê, đưa vào giám sát đặc biệt 113 tàu cá của tỉnh có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài (phân công cho 53 cán bộ phụ trách quản lý đối với 113 tàu cá này).
Bên cạnh đó, các Đồn Biên phòng vùng biển duy trì 6 điểm trực 24/24 giờ giám sát tàu cá trên biển qua hệ thống giám sát trình. Nhờ vậy, ngoài vụ việc 1 tàu cá huyện Hàm Tân vi phạm vùng biển nước ngoài đầu năm 2023, đến nay chưa phát sinh thêm tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tổng số tàu cá còn hoạt động được lắp đặt thiết bị VMS đến nay là 1.945/1.945 chiếc (đạt tỷ lệ 100%). Đối với 14 tàu cá chưa lắp đặt, gồm 13 tàu đã ngừng hoạt động do hư hỏng nằm bờ, thi hành án, tranh chấp dân sự đã được Chi cục Thủy sản lập danh sách để quản lý, giám sát chặt chẽ, có thông tin cụ thể nơi tàu đang neo đậu, số điện thoại để liên hệ khi cần thiết; 1 tàu đã bán ra ngoài tỉnh nhiều năm, không có thông tin, đã thông báo tàu cá mất tích.
Các đơn vị triển khai vận hành hệ thống giám sát tàu cá một cách nghiêm túc, xử lý thông tin kịp thời theo Quy chế và phát huy hiệu quả trong giám sát, ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. Từ đầu năm đến nay, phát hiện, kêu gọi 32 lượt tàu cá vượt ranh giới trên biển kịp thời quay lại vùng biển Việt Nam. Toàn tỉnh cũng đã triển khai chính sách hỗ trợ ngư dân chi phí mua, lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá cho 1.388 tàu cá với số tiền 13,8 tỷ đồng.
Về kiểm soát, phòng chống khai thác IUU tại cảng cũng được các đơn vị (Biên phòng, Chi cục Thủy sản, Cảng cá) triển khai quyết liệt. Trong 8 tháng năm 2023, Văn phòng kiểm soát tại các cảng cá trong tỉnh đã tiến hành kiểm tra 1.134 lượt tàu, phát hiện xử lý 52 trường hợp vi phạm/xử phạt 545 triệu đồng. Trong 8 tháng năm 2023, Ban Quản lý các cảng cá tỉnh thống kê có 13.466 lượt tàu cập cảng, 14.924 lượt tàu rời cảng; tổng sản lượng khai thác được bốc dỡ, giám sát qua cảng là 45.229 tấn; thu 6.857 sổ nhật ký khai thác/8.053 lượt tàu cập cảng bốc dỡ sản phẩm, đạt 85,1%.
Theo Chi cục Thủy sản tỉnh, từ đầu năm đến nay đã xử lý 249 vụ vi phạm khai thác IUU khác với tổng số tiền phạt 2,4 tỷ đồng. Các hành vi bị xử lý, gồm: tàu cá hoạt động không đăng ký; tàu cá không khai báo khi ra vào cảng; tàu cá không đăng kiểm, không kiểm tra an toàn kỹ thuật; không mở hoặc ngắt kết nối VMS trên biển; không ghi, không nộp nhật ký khai thác/báo cáo khai thác... UBND tỉnh Bình Thuận cũng ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính 2 tàu cá thị xã La Gi vi phạm vùng biển nước ngoài với mức xử phạt 900 triệu đồng/ mỗi tàu cá vi phạm.
Để tiếp tục triển khai nghiêm các giải pháp chống khai thác IUU, khắc phục các tồn tại, hạn chế để chuẩn bị đón và làm việc với Đoàn Thanh tra EC lần thứ 4, Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh yêu cầu các đơn vị triển khai mọi biện pháp để ngăn chặn không để tàu cá vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Các đơn vị thường xuyên rà soát, thống kê đưa vào quản lý, theo dõi đặc biết tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài và quản lý chặt chẽ thuyền trưởng, ngư dân từng vi phạm khai thác trái phép bị nước ngoài giữ, thả về để kịp thời phát hiện, ngăn chặn không để tái phạm.
Ban chỉ đạo chống khai thác IUU tỉnh yêu cầu các đơn vị kiểm soát 24/24 đối tàu cá chiều dài từ 15 mét trở lên đã lắp đặt thiết bị VMS trên hệ thống giám sát tàu cá; thông báo, nhắc nhở chủ tàu kịp thời khắc phục sự cố mất kết nối tín hiệu VMS khi hoạt động trên biển; giám sát chặt chẽ số tàu cá nằm bờ chưa lắp đặt VMS, không để đi hoạt động trên biển. Các lực lượng chức năng (Kiểm ngư, Biên phòng) phối hợp chặt chẽ, cập nhật chính xác, kịp thời kết quả xử lý vi phạm khai thác IUU của tỉnh trên cơ sở dữ liệu quốc gia xử lý tàu cá vi phạm IUU theo đúng quy định.