Kênh truyền hình CNN đưa tin nhóm nhà nghiên cứu tại Đại học Michigan (Mỹ) đã phân tích hành vi uống rượu của trên 4.500 thanh thiếu niên tại nước này trong suốt 17 năm để tìm hiểu về mối liên hệ giữa thói quen uống rượu một mình và chứng nghiện rượu.
Nghiên cứu mang tên Monitoring the Future chủ yếu thu thập dữ liệu về thói quen uống rượu của người tham gia theo ba giai đoạn: khi ngồi trên ghế nhà trường, khi 22 - 23 tuổi và khi 35 tuổi.
Kết quả, nghiên cứu chỉ ra rằng việc uống rượu một mình ở trong độ tuổi vị thành niên sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn sử dụng rượu lên đến 35% ở độ tuổi 35. Đáng chú ý, tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng nghiện rượu ở tuổi 35 sẽ tăng 8% đối với nam giới, trong khi lên đến 86% đối với nữ giới.
Ngoài ra, theo kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí Drug and Alcohol Dependence hôm 11/7, khoảng 25% thanh thiếu niên và 40% người trưởng thành trẻ tuổi ở Mỹ có thói quen uống rượu một mình.
Những con số này vô cùng đáng lo ngại, đặc biệt khi tỷ lệ uống rượu một mình đã tăng cao kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện.
Tác giả chính của nghiên cứu Kasey Creswell - Phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Carnegie Mellon (Mỹ) - cho biết: “Lý do chính khiến những người trẻ uống một mình là để giải quyết những cảm xúc tiêu cực. Điều này sẽ dẫn đến việc gia tăng thói quen sử dụng rượu, và, trớ trêu thay, có thể gây ra nhiều vấn đề liên quan đến rượu hơn nữa.”
Bà Crestwell đồng thời cũng nhấn mạnh mối nguy hiểm của chứng nghiện rượu ở phụ nữ, vì uống nhiều rượu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Theo các khảo sát, số ngày uống rượu bia ở phụ nữ Mỹ đã tăng 41% kể từ khi đại dịch bùng phát.