CNSA cho biết, tính đến ngày 15/9, tàu vũ trụ Thiên Vấn 1 (Tianwen-1) đã hoạt động trong quỹ đạo được hơn 780 ngày, trong khi thiết bị tự hành Zhurong đã đi được 1.921m trên bề mặt sao Hỏa, hoàn thành các nhiệm vụ thăm dò khoa học như mục tiêu đề ra và thu được 1.480 gigabyte dữ liệu.
Dựa trên cơ sở những dữ liệu thu được, các nhà khoa học Trung Quốc đã nghiên cứu toàn diện về các dạng địa hình điển hình tại khu vực thám hiểm, bao gồm hình nón lõm, hố va chạm và rãnh, và phát hiện mối liên hệ khá chặt chẽ giữa sự hình thành các rặng núi và hoạt động của nước.
Thông qua hình ảnh camera và dữ liệu quang phổ, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy các khoáng chất chứa nước trong đá vỏ cứng dạng mảng gần khu vực thám hiểm, chứng tỏ rằng đã có rất nhiều hoạt động nước lỏng tại khu vực này kể từ 1 tỷ năm trước.
Bên cạnh đó, nghiên cứu hình ảnh camera với vết lún do robot tự hành di chuyển và các thông tin khác giúp các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng đất ở khu vực hạ cánh có cường độ chịu lực lớn và các thông số ma sát thấp.
Những kết quả mới này giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn tác động của gió và các hoạt động của nước đối với sự tiến hóa địa chất và những thay đổi môi trường trên sao Hỏa. Theo CSNA, các phát hiện này càng củng cố giả thuyết rằng đã từng có một đại dương trên Utopia Planitia - vùng đồng bằng nằm trong Utopia, hố va chạm lớn nhất trên sao Hỏa, từng được xác định tồn tại một khối nước đóng băng. Nó cũng làm phong phú thêm hiểu biết khoa học của con người về sự tiến hóa địa chất và những thay đổi môi trường trên sao Hỏa.
Ngoài ra, việc sử dụng dữ liệu thăm dò Tianwen-1 cũng giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ thêm về mối quan hệ giữa mật độ đá trên bề mặt sao Hỏa và mức độ xói mòn bề mặt, sự phân bố của các ion và các hạt trung tính trong môi trường không gian gần sao Hỏa, và trường trọng lực của sao Hỏa.