Theo đài Sputnik, Trung Quốc đang có kế hoạch triển khai nhiệm vụ tiếp theo trên sao Hỏa, thu thập mẫu đá và đưa chúng về Trái đất vào tháng 7/2031, trước hai năm so với sứ mệnh chung do Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) triển khai. NASA và ESA có kế hoạch triển khai nhiệm vụ lấy mẫu sao Hỏa từ năm 2028 đến năm 2033.
Cụ thể, cơ quan hàng không vũ trụ Trung Quốc sẽ sử dụng hai tên lửa Trường Chinh 3B và Trường Chinh 5 để hoàn thành sứ mệnh có tên là Thiên Vấn-3.
Tên lửa Trường Chinh 5 sẽ mang theo một tàu đổ bộ và phương tiện vận chuyển lên sao Hỏa. Theo bài thuyết trình tại lễ kỷ niệm 120 năm thành lập Đại học Nam Kinh, các nhà khoa học Trung Quốc sẽ sử dụng phương pháp lấy mẫu bề mặt thông minh di động trong sứ mệnh. Điều này cho thấy Trung Quốc sẽ không sử dụng máy dò để thu gom các mẫu đá từ các địa điểm khác nhau, khác biệt so với cách làm của NASA và ESA. Phương tiện vận chuyển sẽ đưa các mẫu đá từ bề mặt sao Hỏa lên tàu vũ trụ quay quanh quỹ đạo sao Hỏa với tốc độ 4,5 km/s.
Trong khi đó, tên lửa Trường Chinh 3B sẽ mang theo một tàu quỹ đạo. Khi phương tiện vận chuyển đưa mẫu đá sao Hỏa lên quỹ đạo, tàu vũ trụ này sẽ kết nối với phương tiện và đưa các mẫu phẩm về Trái đất. Theo như kế hoạch, tàu quỹ đạo sẽ được phóng vào cuối tháng 10/2030 và quay trở lại Trái đất vào tháng 7/2031.
Trước đó, sứ mệnh Thiên Vấn-1 được Trung Quốc triển khai vào ngày 23/7/2020, gồm một tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ và tàu thám hiểm, đã đáp xuống Sao Hỏa vào tháng 2/2021. Trong sứ mệnh này, tàu thám hiểm Chúc Dung (Zhurong) đã di chuyển trên bề mặt Sao Hỏa vào ngày 22/5/2021 và tiến hành khám phá "Hành tinh Đỏ".