Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ra đồng tham quan trình diễn các thiết bị máy móc phục vụ trong sản xuất lúa. Cùng tham gia còn có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, lãnh đạo thành phố Cần Thơ, các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu quốc tế và hàng ngàn nông dân của 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Buổi trình diễn đã giới thiệu các thiết bị cơ giới trong các khâu sản xuất nông nghiệp như: làm đất, sạ cụm, bón phân, phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái…với những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trên cánh đồng 22,5 ha.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan cùng các đại biểu đã xem các mô hình trình diễn cơ giới hóa của các 7 doanh nghiệp với các thiết bị tiên tiến như: máy gặt đập liên hợp loại bồn chứa và vòi xả, dàn máy sạ cụm, máy xới ướt với dàn xới, máy bay không người lái trong nông nghiệp (drone)…
Ưu điểm nổi bật của các thiết bị này là giúp giảm giống, qua đó giảm lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật, tiết giảm công lao động, hạn chế được sâu bệnh trên đồng. Từ đó góp phần tăng hiệu quả sản xuất lúa gạo, giảm tác động môi trường, bảo vệ sức khỏe cho người sử dụng và tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa.
Tại buổi trình diễn, Công ty TNHH Máy nông nghiệp Yanmar Việt Nam trình diễn Máy gặt đập liên hợp Yanmar YH850G với loại bồn chứa và vòi xả. Đây là máy gặt đập hỗ trợ thuận tiện cho việc đóng bao lúa ngay tại đồng ruộng, từ đó giúp tiết kiệm công lao động và chi phí.
Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Sài Gòn Kim Hồng trình diễn hai thiết bị là máy sạ cụm và máy bay không người lái từ Hàn Quốc. Với ưu điểm của các thiết bị này là giúp giảm giống, qua đó giảm lượng phân, thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế được sâu bệnh trên đồng…
Trung tâm đổi mới xanh Việt Nam (GIC) giới thiệu mô hình các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến tại Đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình nhằm trình diễn các kỹ thuật canh tác lúa cải tiến trong bối cảnh sản xuất bền vững giúp nâng cấp chuỗi giá trị lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, thuyết phục nông dân áp dụng kỹ thuật, đạt yêu cầu chất lượng-MRL phù hợp với thị trường chất lượng cao ở EU và Hoa Kỳ, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập và giảm khí thải.
Tại sự kiện, các doanh nghiệp còn giới thiệu các giải pháp canh tác lúa thông minh giảm phát thải khí nhà kính, ứng dụng drone để phun phân bón hữu cơ vi sinh trong quá trình gieo sạ, chăm sóc lúa nhằm góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng thu nhập cho người sản xuất.
Theo đánh giá, ứng dụng drone giúp giảm 20% lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm 90% giờ lao động phổ thông, giảm đến 90% lượng nước sử dụng và đặc biệt là giảm thiểu tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất và nguồn nước. Điều này góp phần bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cho người lao động.
Bên cạnh đó, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long giới thiệu mô hình trình diễn cơ giới hóa trong canh tác lúa tiên tiến bao gồm ứng dụng cơ giới hóa trong khâu gieo sạ/cấy và các tiến bộ kỹ thuật đồng bộ trong canh tác lúa nhằm tiết kiệm giống, phân bón, công lao động, giúp lúa cây lúa khỏe, phát triển tốt, ít sâu bệnh, hạn chế đổ ngã. Do đó, góp phần tăng hiệu quả sản xuất lúa gạo, giảm tác động môi trường và tăng thu nhập cho nông dân trồng lúa.
Các giống lúa mới cũng được Viện Lúa giới thiệu tại sự kiện với mục tiêu quảng bá, đánh giá và chọn lọc những giống lúa có đặc tính vượt trội, đẩy mạnh phát triển sản xuất, bổ sung vào cơ cấu sản xuất lúa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và một số vùng lân cận.
Các giống lúa trình diễn trong mô hình có thời gian sinh trưởng ngắn từ (85 - 100 ngày) gồm các nhóm giống lúa chất lượng cao cấp, chất lượng cao, giống lúa cao sản, nếp và Japonica. Tổng số giống lúa trình diễn là 16 giống, trong đó sử dụng giống OM4900 và OM5451 làm đối chứng.
Ngoài ra, còn có mô hình cơ giới hoá sạ lúa tăng hiệu suất và giảm tác động môi trường là công nghệ được phát triển bởi sự hợp tác giữa Viện Nghiên cứu lúa Quốc tế (IRRI), Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long, và Công ty APV Austria.
Mục tiêu của mô hình là giảm hơn 50% lượng giống so với phương pháp sạ truyền thống; giảm trên 20% phân bón; giảm nguy cơ sâu bệnh, dịch hại. Đặc biệt, mô hình không giảm năng suất nhưng giảm 10-25% phát thải khí nhà kính.
Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) và Trường Đại học Nông Lâm Tp. Hồ Chí Minh trình diễn công nghệ san phẳng laser. Đây là công nghệ cơ giới hóa chính xác, giúp cho mặt ruộng bằng phẳng (không dốc và không chênh lệch).