Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature Reviews mới đây, các nhà khoa học quốc tế nhận thấy tốc độ ấm lên ở tầng thượng 2.000 m của đại dương vào năm 2010 đã tăng hơn gấp đôi so với năm 1960. Nếu không hành động, tốc độ ấm lên của đại dương vào năm 2090 sẽ lớn hơn 4 lần so với mức hiện tại, gây hậu quả thảm khốc đối với tất cả sự sống trên Trái Đất.
Các tác giả nghiên cứu từ Đại học Auckland (Australia), Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển quốc gia ở thành phố Boulder thuộc bang Colorado (Mỹ) cùng các viện nghiên cứu của Trung Quốc, Pháp, Australia và Anh cho biết nếu thế giới thành công khống chế mức tăng nhiệt độ bề mặt toàn cầu không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, đà tăng nhiệt độ của đại dương sẽ dừng lại vào khoảng năm 2030.
Nghiên cứu nêu rõ hoạt động của con người phát thải khí nhà kính vào bầu khí quyển là nguyên nhân khiến nhiệt độ của Trái Đất tăng. Phần lớn nhiệt lượng này được đại dương hấp thụ. Do đó, để hiểu khí hậu Trái Đất đang thay đổi nhanh như thế nào, con người phải theo dõi sự thay đổi nhiệt lượng của đại dương.
Bên cạnh đó, tình trạng ấm lên của đại dương cũng kết nối các chu trình năng lượng, carbon và nước, vì đây là thành phần quan trọng của hệ thống Trái Đất. Đại dương ấm hơn sẽ gây hậu quả lớn hơn đối với Trái Đất. Không chỉ tác động đến các sinh vật biển, làm thay đổi các hình thái thời tiết trên khắp hành tinh và chuỗi thức ăn, đại dương ấm hơn còn dẫn đến những cơn bão dữ dội hơn, các trận mưa kéo theo lũ lụt gây chết người tại nhiều khu vực, trong khi nhiều nơi khác trên Trái Đất lại hứng chịu nắng nóng gay gắt hơn và hạn hán nặng nề hơn.
Nghiên cứu chỉ ra rằng các vùng ven biển sẽ ngày càng dễ bị tổn thương do mực nước biển dâng cao, triều cường và các tác động tiêu cực đối với hệ sinh thái.