Phát hiện tín hiệu vô tuyến bí ẩn từ hành tinh giống Trái Đất

Các nhà thiên văn tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh ở Trung Quốc và Mỹ cho biết họ đã phát hiện ra một tín hiệu vô tuyến bí ẩn từ hướng của một hành tinh giống Trái Đất.

Chú thích ảnh
Hành tinh Trái đất nhìn từ không gian. Ảnh: Shutterstock

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, các nhà khoa học cho biết tín hiệu băng tần hẹp này do kính thiên văn vô tuyến lớn nhất thế giới thu lại. Họ nhấn mạnh phát hiện mới này có ý nghĩa vô cùng quan trọng, mặc dù vẫn cần phải xác minh thêm nhiều thông tin.

Báo cáo của nhóm nghiên cứu  tiết lộ tín hiệu này phát ra từ hướng của Kepler-438, một ngôi sao lùn đỏ trong chòm sao Lyra - cách Trái Đất khoảng 473 năm ánh sáng. Quay quanh Kepler-438 trong vùng có thể sinh sống được là Kepler-438b, một trong những hành tinh giống Trái Đất nhất từng được tìm thấy bên ngoài Hệ Mặt Trời.

Họ đã phát hiện tín hiệu vô tuyến bí ẩn này ở tần số 1,14 GHz, trong khoảng thời gian từ tháng 11/2020 đến tháng 9/2021, khi Kính viễn vọng vô tuyến hình cầu khẩu độ 500 mét (FAST) ở tây nam Trung Quốc thực hiện sứ mệnh có mục tiêu đầu tiên: “Tìm kiếm trí thông minh ngoài Trái Đất” (SETI). 

Các nhà thiên văn học tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Đài quan sát thiên văn quốc gia Trung Quốc, Đại học California, Berkeley và các tổ chức khác đang nghiên cứu dữ liệu mới này. Nhà nghiên cứu đã loại trừ tất cả các nguồn gây nhiễu tần số vô tuyến trên mặt đất ngoài kính thiên văn, bao gồm cả máy bay. Họ cũng loại trừ khả năng đó là các vật thể nhân tạo, chẳng hạn như vệ tinh hoặc tàu thăm dò không gian, do không có vệ tinh hoặc tàu thăm dò không gian sâu nào trong khu vực tìm kiếm chính của máy thu phát vào thời điểm đó.

SETI là một trong năm mục tiêu cốt lõi được liệt kê trong kế hoạch ban đầu của FAST. Trước khi phát triển kính viễn vọng FAST, các nhà khoa học đã sử dụng kính thiên văn vô tuyến - bao gồm cả Kính thiên văn Arecibo rộng 305 mét ở Puerto Rico - để xác định các tín hiệu đáng ngờ, nhưng không có tín hiệu nào được xác nhận từ khu vực ngoài hành tinh.

Nhà khoa học Zhang Tongjie tại Đại học Sư phạm Bắc Kinh cho biết với độ nhạy cao, phạm vi bao phủ bầu trời rộng và bộ thu phát hiệu quả, kính viễn vọng FAST có thể thực hiện một số quan sát trí thông minh ngoài Trái Đất nhạy cảm nhất.

Trước khi FAST chính thức tham gia tìm kiếm sự sống hành tinh vào tháng 9/2020, kính viễn vọng này đã hoàn thành cuộc khảo sát SETI đầu tiên và xác định được hai nhóm tín hiệu khả nghi.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với FAST và các kính thiên văn vô tuyến khác là xác định và loại bỏ các tiếng ồn nhân tạo và vật lý thiên văn khác nhau, từ các tín hiệu thu được, bao gồm cả tiếng ồn mới được phát hiện từ vùng Kepler-438.

Các nhà nghiên cứu viết: “Mặc dù có nhiều yếu tố trùng khớp với tín hiệu ngoài Trái Đất, vẫn có một số bằng chứng khiến chúng tôi nghi ngờ rằng Kepler-438 là một tín hiệu nhiễu tần số vô tuyến của một thiết bị nào đó”.

Để điều tra thêm, FAST đã đưa ra các quan sát bổ sung để xem xét hướng của Kepler-438. Ông Zhang, trưởng dự án SETI tại FAST, nói với Science and Technology Daily: “Có thể mất nhiều thời gian để chứng minh điều đó bằng nhiều cách, nhưng ngay cả khi đó là một tín hiệu nhiễu, nó vẫn sẽ cung cấp cho chúng tôi những bài học có ý nghĩa trong tương lai.”

Vân Khánh/Báo Tin tức (SCMP)
Israel phát hiện dấu tích quan trọng của việc người cổ đại sử dụng lửa 
Israel phát hiện dấu tích quan trọng của việc người cổ đại sử dụng lửa 

Các nhà nghiên cứu Israel đã phát hiện dấu tích của việc người cổ đại sử dụng lửa từ cách đây ít nhất 800.000 năm. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN